Học sinh nghiên cứu khoa học cũng cần sự liêm chính

Bích Thanh
Bích Thanh
25/12/2023 07:44 GMT+7

Bộ GD-ĐT đang trong quá trình lấy ý kiến về Quy chế hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh phổ thông. Nhiều ý kiến cho rằng "sân chơi" này cũng cần những tiêu chí, giải pháp để đảm bảo tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo Quy chế hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật (KH-KT) cấp quốc gia học sinh (HS) THCS và THPT lấy ý kiến đóng góp để thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi nghiên cứu KH-KT cấp quốc gia HS THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.

Học sinh nghiên cứu khoa học cũng cần sự liêm chính- Ảnh 1.

Học sinh tham gia hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật

NGỌC DƯƠNG

HẠN CHẾ SỰ CAN THIỆP VÀO DỰ ÁN CỦA HỌC SINH

Là giáo viên (GV) THPT tại Q.Bình Tân (TP.HCM), với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác hướng dẫn HS nghiên cứu KH-KT, thạc sĩ Phan Thế Hoài, đánh giá việc Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo về quy chế cuộc thi KH-KT lần này cho thấy Bộ đã lắng nghe những phản ánh của GV về sự thiếu trung thực và nhìn nhận những bất cập để điều chỉnh.

Thạc sĩ Hoài đưa ra những so sánh giữa quy định hiện hành và nội dung dự thảo, đồng thời chỉ ra những điểm mới mà dự thảo đưa ra thể hiện tính tích cực. Cụ thể, dự thảo bỏ nội dung: "Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu KH-KT của HS trung học".

Thạc sĩ Hoài cho rằng điều này sẽ góp phần tránh sự can thiệp của các nhà khoa học vào dự án của HS. Thực tế hiện nay đã có trường hợp giảng viên ĐH cắt nhỏ, lấy một chương trong luận văn, luận án nghiên cứu của mình để làm thành đề tài nghiên cứu cho HS. "Việc này khiến không lượng hóa được công sức của HS và người hướng dẫn", thạc sĩ Phan Thế Hoài phân tích.

Học sinh nghiên cứu khoa học cũng cần sự liêm chính- Ảnh 2.

Dự thảo Quy chế hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh phổ thông có điều chỉnh nội dung các lĩnh vực của cuộc thi

NGỌC DƯƠNG

BỎ NHỮNG LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU QUÁ SỨC

Ông Phan Thế Hoài thể hiện sự đồng tình khi dự thảo quy định nội dung nghiên cứu KH-KT phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và tự nguyện tham gia của HS. Đặc biệt, trong đó phải kể đến việc điều chỉnh nội dung các lĩnh vực của cuộc thi.

Nếu quy định hiện hành có 22 lĩnh vực nghiên cứu thì trong dự thảo bỏ 14 lĩnh vực, ví dụ y sinh và khoa học sức khỏe; kỹ thuật y sinh; sinh học tế bào và phân tử..., giữ lại 8 lĩnh vực là toán, vật lý và thiên văn, hóa học, sinh học, tin học, kỹ thuật và công nghệ, khoa học trái đất và môi trường, khoa học xã hội.

Với 8 lĩnh vực trên, thạc sĩ Hoài nhìn nhận phù hợp với nhận thức, trình độ và năng lực của HS THCS, THPT. Còn với 22 lĩnh vực trong quy định hiện hành, có những lĩnh vực HS phổ thông chưa đủ kiến thức để nghiên cứu.

CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ LIÊM CHÍNH KHOA HỌC

Điều 4 của dự thảo đưa ra yêu cầu đối với dự án dự thi: "Bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hay trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là của mình".

Về nội dung này, ông Phan Thế Hoài đề nghị Bộ có thêm quy định về liêm chính khoa học để cụ thể hóa tính trung thực trong việc nghiên cứu KH-KT. Chẳng hạn, nghiêm cấm GV hướng dẫn và HS vi phạm các hành vi như đạo văn, tự đạo văn, bịa đặt, ngụy tạo…

Đồng thời, ông Hoài cũng góp ý Bộ nên điều chỉnh tiêu chí đánh giá dự án dự thi. Theo đó, dự thảo thông tư quy định: câu hỏi nghiên cứu: 10 điểm; thiết kế và phương pháp: 15 điểm; thực hiện: thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu: 15 điểm; tính sáng tạo: 25 điểm; trình bày: 35 điểm, trong đó áp phích (poster): 10 điểm, phỏng vấn: 25 điểm. Ông Hoài cho rằng cần giảm điểm các nội dung thiết kế và phương pháp, trình bày; nên tăng điểm ở tính sáng tạo, phỏng vấn. Trong đó, tính sáng tạo chiếm 50% số điểm thì dự án mới có tính mới.

"Tăng điểm phỏng vấn cũng là cách giúp giám khảo biết được nội dung dự án có phù hợp với kiến thức, trình độ HS hay không. Hơn nữa, nội dung phỏng vấn của ban giám khảo với HS thực hiện dự án cần được chú trọng. Các câu hỏi của ban giám khảo không chỉ giúp HS thể hiện được năng lực của bản thân mà còn xác minh tính trung thực của dự án", GV này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo cần phải làm rõ một số điểm để tăng tính minh bạch. Chẳng hạn, thạc sĩ Phương Văn Bình, GV dạy môn sinh học bậc THPT, đặt vấn đề: Với những trường chuyên thuộc ĐH, trường ĐH, có một tiến sĩ ở trường ĐH nghiên cứu giờ phân công dạy vài tiết ở trường chuyên thì có được hướng dẫn HS thực hiện đề tài nghiên cứu tham gia cuộc thi hay không? HS trường THPT có được mượn phòng thí nghiệm của trường ĐH không? Nếu được thì làm sao kiểm soát giảng viên ĐH có hướng dẫn HS khi thực hiện đề tài nghiên cứu?

Học sinh nghiên cứu khoa học cũng cần sự liêm chính- Ảnh 3.

Các hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật nên là nơi khuyến khích thúc đẩy học sinh đam mê nghiên cứu khoa học

NGỌC DƯƠNG

Cũng theo ông Bình, hiện nay các đề tài tham gia hội thi KH-KT sao chép lẫn nhau, Bộ GD-ĐT cần có cơ chế quản lý đăng ký đề tài nghiên cứu của HS và mức độ tham gia của giáo viên. Chẳng hạn, Bộ GD-ĐT có thể xây dựng website công khai các đề tài, sản phẩm dự thi để các chuyên gia, nhà khoa học, người dân giám sát phản biện.

Thạc sĩ Lê Văn Nam, Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng cần đưa thêm các tiêu chí đánh giá về kỹ năng mềm (trình bày, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề) và đạo đức nghiên cứu (trung thực, tôn trọng tác phẩm của người khác) để giúp HS phát triển toàn diện hơn.

GV một trường THPT tại TP.Thủ Đức từng chia sẻ với PV Thanh Niên: Từ khi Bộ GD-ĐT cho phép sử dụng kết quả hội thi KH-KT tuyển thẳng vào ĐH thì việc chạy theo thành tích ngày càng quyết liệt. Hậu quả là hiện nay cuộc thi không còn là "sân chơi" của HS.

Vì vậy, GV này đề xuất: "Cần xem xét lại việc sử dụng kết quả những cuộc thi này để xét tuyển thẳng ĐH. Hãy để các trường ĐH chủ động và tự chủ trong việc có hay không sử dụng kết quả của cuộc thi này trong việc ưu tiên xét tuyển ĐH. Còn cuộc thi hãy cứ là "sân chơi", là nơi khuyến khích thúc đẩy HS đam mê nghiên cứu khoa học tham gia. Các em sẽ thấy yêu khoa học, cần sự liêm chính chứ không "nghiên cứu" vì bất kỳ mưu tính gì".

Giúp HỌC SINH học cách thực hiện các dự án khoa học, kỹ thuật một cách nghiêm túc

Thạc sĩ Lê Văn Nam cho hay các thay đổi trong thông tư mới về Quy chế hội thi nghiên cứu KH-KT không chỉ đơn thuần là việc cập nhật các quy định, mà còn phản ánh một sự chuyển mình sâu sắc trong cách tiếp cận giáo dục KH-KT ở VN, mang lại những lợi ích đáng kể và rộng lớn, không chỉ cho HS mà còn cho toàn bộ hệ thống giáo dục.

Theo thạc sĩ Nam, việc mở rộng đối tượng tham gia hội thi ngay từ lớp 8 là khuyến khích sáng tạo và tư duy khoa học ở lứa tuổi nhỏ, giúp HS tiếp xúc với nghiên cứu khoa học từ sớm. Điều này không chỉ thúc đẩy sự tò mò và khám phá trong các em, mà còn giúp hình thành tư duy phản biện và phân tích. Điều này rất quan trọng vì trong một thế giới ngày càng phức tạp và nhanh chóng biến đổi, khả năng tư duy khoa học và giải quyết vấn đề sẽ là những kỹ năng quan trọng mà HS cần phát triển.

Bên cạnh đó, thúc đẩy giáo dục STEM là một bước tiến quan trọng. Bằng cách tích hợp sâu hơn về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào chương trình giáo dục, HS được chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp tương lai.

Cần có các tiêu chí cao hơn đối với nội dung và chất lượng nghiên cứu để đảm bảo rằng HS không chỉ học cách thực hiện các dự án mà còn học cách thực hiện chúng một cách nghiêm túc.

Ngoài ra, quy trình đánh giá công bằng và minh bạch giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Điều này quan trọng để xây dựng lòng tin và tinh thần học tập nghiêm túc trong giới trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.