Học sinh đóng vai đại biểu Quốc hội, bàn các vấn đề 'nóng'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/12/2023 19:37 GMT+7

Để học các chủ đề về hiến pháp, pháp luật..., Trường Olympia (Hà Nội) cho các học sinh đóng vai đại biểu, lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội để thảo luận, chất vấn, tìm giải pháp cho nhiều vấn đề thời sự của xã hội.

Học sinh được trải nghiệm thay vì ngồi nghe thuyết giảng

Hãy nghe một đoạn học sinh đóng vai đại biểu Quốc hội để chất vấn và trả lời chất vấn: "Xin Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các phòng địa chính và sở xây dựng quản lý tại địa phương như thế nào mà vẫn xảy ra tình trạng nhà xây vượt tầng, giả danh sở hữu chung cư mini? Bộ đang có những biện pháp nào để đảm bảo chất lượng, an toàn cho cư dân sống trong chung cư mini?".

"Luật Nhà ở hiện hành chưa hề có khái niệm chung cư mini, mà chỉ có khái niệm nhà ở riêng lẻ… Đứng dưới danh nghĩa là nhà ở riêng lẻ, các chung cư mini hiện nay không chịu sự ràng buộc bởi thủ tục tiền kiểm, hậu kiểm của sở xây dựng như với các chung cư thương mại khác. Đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật Nhà ở 2014 để có thêm quy định cụ thể về chung cư mini giúp các cơ quan có căn cứ đối chiếu và thực hiện giải quyết các vấn đề tồn tại của loại hình này?".

Học sinh đóng vai đại biểu Quốc hội bàn về các vấn đề 'nóng'    - Ảnh 1.

Học sinh đóng vai đại biểu Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn nhằm tìm hiểu về hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị

Q.TRANG

Đây là một phần nội dung trong buổi học về tìm hiểu cấu trúc, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước Việt Nam ở môn Giáo dục kinh tế và pháp luật của học sinh khối 10 Trường Olympia, môn học hoàn toàn mới ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện theo mô hình họp Quốc hội, các học sinh đóng vai đại biểu, lãnh đạo các cơ quan Chính phủ và Quốc hội để thảo luận, chất vấn, tìm giải pháp cho nhiều vấn đề thời sự của xã hội như: cấp phép xây dựng và quản lý chung cư mini, quản lý thông tin độc hại trên mạng xã hội...

Trước khi đến với phiên họp này, học sinh Trường Olympia đã có 3 tuần để thầy cô cung cấp kiến thức nền tảng về hệ thống chính trị Việt Nam, tìm hiểu 2 chủ đề mà phiên họp sẽ thảo luận để viết báo cáo theo đúng quy chuẩn của báo cáo Quốc hội và chuẩn bị nội dung chất vấn, trả lời chất vấn.

Phạm Anh Triết, học sinh khối 10, người được phân công đóng vai một bộ trưởng trả lời chất vấn, chia sẻ. "Chúng em phải đọc rất nhiều tài liệu luật, văn bản dưới luật, thông tin trong sách báo; làm việc nhóm và cá nhân… để có những thông tin cần thiết cho phiên mô phỏng họp Quốc hội.

Quá trình diễn ra phiên họp, có rất nhiều câu hỏi chất vấn mới mà chúng em cần tra cứu ngay tại chỗ. Dù bỏ ra nhiều công sức hơn so với một giờ học thông thường, nhiều việc phải làm hơn, nhưng chúng em rất vui khi được trải nghiệm như vậy".

Không chỉ Anh Triết mà nhiều học sinh cùng chung nhận định: cách học qua trải nghiệm, đóng vai này giúp những lý thuyết tưởng như khó hiểu trong sách giáo khoa về hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước Việt Nam trở nên sinh động, dễ hiểu hơn.

Học sinh đóng vai đại biểu Quốc hội bàn về các vấn đề 'nóng'    - Ảnh 2.

Học sinh thể hiện sự hiểu biết của mình qua phần "chất vấn" và "trả lời chất vấn"

Q.TRANG

Dương Minh Tuấn, học sinh khối 10, đóng vai đại biểu thuộc Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thì nêu cảm nhận: "Khi đặt mình vào vai trò một đại biểu Quốc hội, em thấy công việc này rất khó, bởi để đưa ra ý kiến trước Quốc hội thì không chỉ cần tư duy sắc bén mà phải có hiểu biết sâu rộng về vấn đề mình đề cập tới.

Ngoài việc phải tìm hiểu kỹ về hệ thống chính trị Việt Nam, việc học thông qua mô hình họp Quốc hội và bàn về những vấn đề có thật đã giúp em tăng thêm hiểu biết xã hội và hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này".

Minh Tuấn bày tỏ chủ đề được chọn cũng rất ý nghĩa, rất gần với vấn đề mà mọi người dân đang quan tâm là cấp phép xây dựng và quản lý chung cư mini.

"Khi nghe tin về vụ cháy chung cư mini vừa qua, bọn con đã rất thương xót và có nhiều câu hỏi đặt ra. Quá trình học dự án của môn Giáo dục kinh tế và pháp luật này đã giúp chúng con được tìm hiểu sâu hơn về mô hình chung cư mini, hiểu rõ hơn vì sao hiện nay vẫn còn thực trạng như vậy và mong muốn sẽ có biện pháp khắc phục", Tuấn nói.

Tìm cách giảm áp lực, tăng hứng thú

Đi từ những khó khăn của học sinh trong việc tiếp nhận khối kiến thức đồ sộ và tính học thuật hàn lâm cao về cấu trúc, đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị nước ta, các thầy cô của Tổ Bộ môn kinh tế - pháp luật (Trường Olympia) đã tạo ra một mô hình học tập, trải nghiệm lý thú.

Từ việc giúp học sinh hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của bộ máy nhà nước, giáo viên cũng khơi dậy tinh thần trách nhiệm nơi các em. Để mỗi học sinh trong và sau bài học đều trăn trở, nỗ lực thực hiện giải pháp trả lời cho câu hỏi lớn: "Là công dân tôi có thể làm gì để hỗ trợ và giám sát bộ máy nhà nước?"; "Nếu là cơ quan quản lý nhà nước, tôi sẽ làm gì để giải quyết những vấn đề đang tồn tại hiện nay?".

Học sinh đóng vai đại biểu Quốc hội bàn về các vấn đề 'nóng'    - Ảnh 3.

"Phiên chất vấn và trả lời chất vấn" là hoạt động cuối cùng trong dự án, để các học sinh thể hiện tất cả những gì đã chuẩn bị trong suốt quá trình tìm kiếm thông tin

Q.TRANG

Cô Ngô Thu Hà, một trong 2 chủ nhiệm dự án học tập này, khi nói về lý do cho học sinh trải nghiệm mô hình họp Quốc hội cho hay: ở chương trình lớp 10, học sinh sẽ học nội dung kiến thức rất nặng về hiến pháp, pháp luật, cấu trúc và chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị Việt Nam và bộ máy nhà nước. Phần kiến thức này rất nặng, đồ sộ, mang tính chuyên môn và trừu tượng. Học sinh những năm trước đã than thở là khó học, khó tiếp cận.

Từ những khó khăn đó của học sinh, các cô giáo môn kinh tế pháp luật đã ngồi với nhau và từ năm học 2022 - 2023 đã quyết định tổ chức các dự án cho học sinh đóng vai theo mô hình họp Quốc hội. Mặc dù đây là mô hình giản lược nhưng cũng giúp học sinh dễ dàng hình dung hơn về bộ máy nhà nước một cách thực tế và sinh động.

Cô Mã Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường Olympia, cho biết phiên báo cáo là hoạt động cuối cùng trong dự án, để các em thể hiện tất cả những gì mình đã chuẩn bị trong suốt quá trình tìm kiếm thông tin. Các em dựa trên báo cáo đã viết để đối chất, làm cho vấn đề được sâu hơn, tương tác nhiều chiều.

Trong quá trình chuẩn bị, học sinh cho biết nếu khó khăn trong tìm hiểu luật, các em còn trao đổi thêm với người thân trong gia đình. Từ đó, dự án học tập không dừng lại ở phạm vi nhà trường, việc học không chỉ là ở lớp học mà còn mở rộng trong phạm vi gia đình. Các em có thể tận dụng tri thức từ bố mẹ, từ cộng đồng để làm cho bài học của mình phong phú và dày dặn hơn. Điều đó gia tăng ý nghĩa về rèn luyện kỹ năng tìm kiếm thông tin, làm việc nhóm cho chính học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.