Hoạt động mua bán nợ có đúng pháp luật không?

29/06/2023 20:19 GMT+7

Chiều 29.6, tại buổi họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, giải đáp về vấn đề: "Hoạt động mua bán nợ có đúng pháp luật không?".

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, hoạt động mua bán nợ được pháp luật quy định, các hoạt động đảm bảo theo quy định của pháp luật thì không vi phạm, các trường hợp "lợi dụng hoạt động mua bán nợ" để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác thì tùy theo hành vi, tính chất mức độ sẽ bị xử lý hình sự hoặc hành chính về hành vi cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng.

Đại diện Công an TP.HCM cho biết, đấu tranh với tội phạm hoạt động tín dụng đen được Bộ Công an và Công an TP.HCM quan tâm, tổ chức triển khai thành chuyên đề để theo dõi, tăng cường nắm tình hình và tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, xử lý vi phạm.

Làm CCCD, đăng ký tài khoản định danh điện tử hạn chế hoạt động tín dụng đen - Ảnh 1.

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo

NGUYỄN ANH

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, một trong những giải pháp căn cơ, có tính lâu dài hiện nay là tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về "Ứng dụng định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Trong đó, các tổ chức tín dụng có thể khai thác thông tin của Đề án 06 để rút ngắn thời gian thẩm tra, đánh giá mức độ tín nhiệm, thu nhập, trả nợ nhằm triển khai cho vay tín chấp nhanh chóng, thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân được vay vốn từ các tổ chức tín dụng giải quyết khó khăn.

"Người dân không vay tiền của các đối tượng cho vay tín dụng đen thường quảng cáo qua tờ rơi, quảng cáo vay qua ứng dụng trên mạng internet… mà nên vay của các tổ chức tín dụng, hoặc các quỹ, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước tại địa phương", thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo.

Bên cạnh đó, người dân cần tích cực nghiên cứu nắm vững quy định của pháp luật để không vi phạm, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của tội phạm; tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi quảng cáo, tổ chức cho vay tín dụng đen; đặc biệt là ủng hộ và hưởng ứng thực hiện đề án 06 của Chính phủ thông qua việc làm CCCD, đăng ký tài khoản định danh điện tử.

Làm CCCD, đăng ký tài khoản định danh điện tử hạn chế hoạt động tín dụng đen - Ảnh 2.

Ra quân xử lý tờ rơi quảng cáo tín dụng đen trên địa bàn TP.HCM

TRẦN DUY KHÁNH

Tại buổi họp báo, đại diện Công an TP.HCM cũng trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề các loại hình quảng cáo, rao vặt được dán, vẽ, treo tại nơi công cộng diễn ra phổ biến trên địa bàn TP.HCM, gây mất mỹ quan đô thị.

Đặc biệt là các nội dung quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tài chính là một trong những phương thức, thủ đoạn mà đối tượng hoạt động tội phạm tín dụng đen sử dụng để tiếp cận người dân.

Theo đó, từ ngày 6.5.2023, TP.HCM đã tổ chức gần 300 đợt ra quân, huy động hơn 27.000 lượt người tham gia bóc, xóa các sản phẩm quảng cáo sai quy định; xử phạt vi phạm hành chính 43 trường hợp dán quảng cáo trái pháp luật; lên danh sách 376 số điện thoại cho vay tài chính với gần 50 người nghi vấn hoạt động cho vay tín dụng đen để xác minh; khởi tố các trường hợp cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.