Hoang tàn Khu giao tế Quảng Bình

11/12/2008 07:42 GMT+7

Từng tiếp đón rất nhiều nhà lãnh đạo, các vị khách nổi tiếng trong nước và quốc tế thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước, thế nhưng Khu giao tế Quảng Bình (xã Đức Ninh, TP Đồng Hới) giờ chỉ là cảnh hoang tàn, đổ nát.

Những cuộc đón tiếp lịch sử

Theo bản lý lịch di tích, từ năm 1954, cùng với việc triển khai xây dựng tỉnh nhà, UBND tỉnh quyết định thành lập cơ quan giao tế Quảng Bình. Ban đầu để nuôi tổ cố định quốc tế đóng tại Đồng Hới làm nhiệm vụ giám sát việc thi hành Hiệp định Geneva. Những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nằm trên điểm nút các tuyến giao thông Bắc-Nam. Quảng Bình còn là quê hương của phong trào “Hai giỏi”. Vì vậy lượng khách trong nước và quốc tế qua lại Quảng Bình với số lượng lớn. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, phải sơ tán chia tách thành nhiều đội nhỏ nhưng cán bộ nhân viên giao tế đã vượt lên khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giữa năm 1970, cơ quan giao tế trở lại Đức Ninh khi cơ sở mới được xây dựng khá khang trang. Có 4 dãy phòng ngủ phục vụ khách với điện, nước và các tiện nghi sinh hoạt khác; ngoài ra có nhà ăn, nhà họp báo quốc tế. Chỉ tính riêng từ đầu năm 1973 đến khi giải phóng hoàn toàn đất nước, cơ quan giao tế Quảng Bình đã đưa đón trên 450 đoàn khách trong và ngoài nước, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa lớn. Tại đây, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đã ít nhất một lần nghỉ lại. Các nguyên thủ của Lào, Campuchia, Cuba cũng từng nghỉ lại...

Thực trạng đáng buồn

Với ý nghĩa lịch sử như thế, năm 1998, Khu giao tế Quảng Bình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử. Tại quyết định này có ghi rõ: nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực của di tích đã khoanh vùng, UBND các cấp thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử theo luật định.

Khi tiến hành lập hồ sơ di tích vào năm 1996, Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Quảng Bình cũng đã đề ra những biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di tích như duy trì nguyên trạng, thường xuyên kiểm tra, bảo quản tốt các dãy phòng hiện còn; với phòng lưu niệm Chủ tịch Fidel Castro  cần phát huy hơn nữa giá trị như tổ chức cho học sinh các trường về tham quan; trồng thêm nhiều cây xanh, hoa cảnh trong khuôn viên di tích, tổ chức tốt việc tham quan tại điểm di tích này.

Lý thuyết là thế, nhưng lại hoàn toàn trái ngược trên thực tế. Ngày 5.12.2008, chúng tôi có mặt tại đó thì chỉ được chứng kiến những cảnh hoang tàn, đổ nát, không hề có dấu hiệu của một sự quản lý, chăm sóc, tổ chức tham quan. Đập vào mắt đầu tiên là “lối mòn” qua cánh cổng rộng bị cỏ dại phủ lấp dẫn vào khu. Hiện toàn khu còn 3 dãy nhà nhưng đều không có đường đến, chúng tôi phải giẫm lên cây bụi, xác lá và cành cây mà đi; bao quanh những dãy nhà này là sự hoang dại và tĩnh mịch đáng buồn.

Càng xót hơn khi đến gần, thấy rong rêu, bụi bặm bám đầy tường nhà; cửa kính vỡ nát tung tóe dưới hiên, ổ khóa các phòng đã gỉ sét. Tôi mở cánh cửa sổ của một phòng lưu niệm bên ngoài có bảng chú thích thì hỡi ôi, trên một cái bàn làm việc được coi là kỷ vật đầy mảnh kính cửa, các bảng giấy ghi chú rơi vãi tứ tung, đồ đạc ngổn ngang. Còn xung quanh dãy nhà hội trường - nơi tổ chức chiêu đãi khách và họp báo thì đầy rác rưởi do học sinh ăn uống thải ra, bốc mùi hôi hám. Lan can nhà này cũng bị gãy nát. Tường rào ngăn cách khu di tích với một cơ sở dạy học bị đập thủng để học sinh băng ra chợ xã Đức Ninh ăn quà mỗi giờ ra chơi. Được biết, trước đây đã có mấy phòng được sử dụng làm phòng dạy học, giờ vẫn còn tấm bảng ghi “Phòng Kế toán”, “Phòng Giáo vụ”.

Đáng buồn hơn khi khu giao tế nổi tiếng này chỉ cách trụ sở UBND xã Đức Ninh mấy bước chân và xung quanh nó có đến 3 trường học: 2 trường tiểu học và THCS của xã cùng Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Đồng Hới.
Một cán bộ phụ trách mảng văn hóa của UBND xã Đức Ninh buồn bã nói: “Nhiều lần chúng tôi muốn làm cái này cái nọ nhưng khó lắm bởi quyền quản lý hoàn toàn thuộc cấp tỉnh. Ngay việc xin mượn khóa cũng đã khó. Mà không ai chăm sóc thì thảm cảnh thế này đây”. Đặt vấn đề với Chủ tịch UBND xã Đức Ninh Trần Xuân Líu, ông nói: “Do chúng tôi không có quyền quản lý nên không thể làm gì khác”. Có một di tích như thế trên địa bàn nhưng theo ông Líu thì UBND xã Đức Ninh cũng chỉ mới phản ánh khi họp HĐND chứ chưa làm văn bản kiến nghị lên các cấp cao hơn và đơn vị quản lý.

Đầu tháng 3.1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn cán bộ cao cấp vào thị sát chiến trường; giữa tháng 3 năm đó, đồng chí Tố Hữu dẫn đầu phái đoàn T.Ư Đảng vào thăm Quảng Bình đã nghỉ lại ở Đức Ninh. Tháng 4.1973, khu giao tế 2 lần đón đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc đoàn kết Campuchia do Hoàng thân Sihanouk dẫn đầu. Tháng 5.1973, là nơi đón tiếp, nơi làm công tác chuẩn bị cho đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước, 19 đoàn ngoại giao của các nước anh em và đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu đến Quảng Bình, chuẩn bị tổ chức lễ ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời vào đầu tháng 6 tại Quảng Trị. Tháng 7.1973, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn làm nơi đón tiếp và nhận trình quốc thư của 11 quốc gia đến đặt quan hệ ngoại giao. Tháng 8.1973, đón Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên. Tháng 9.1973, Khu giao tế Quảng Bình đón đoàn khách cao cấp của Đảng và Nhà nước Cuba do Fidel Castro dẫn đầu. Lần đó, tỉnh phải đóng một cái giường ngoại cỡ vì Fidel Catro rất cao lớn. Chiếc giường đó tồn tại rất lâu trong khu giao tế.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.