Họa sĩ Lê Bá Đảng: Tôi dâng tặng những ý tưởng nghệ thuật cho quê hương!

01/07/2006 15:25 GMT+7

Trong khuôn khổ Festival Huế 2006 vừa qua, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng được nhiều người quan tâm bởi đây là phòng tranh của họa sĩ Việt kiều Lê Bá Đảng từng nổi danh trên toàn thế giới. Gần 180 tác phẩm hội họa được trưng bày mang một phong cách độc đáo với những đường nét, mảng màu kỳ lạ, không giống bất kỳ ai...

Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng là một tòa biệt thự sang trọng nằm bên đường Lê Lợi phía bờ nam sông Hương, giữa hai cây cầu Phú Xuân và Tràng Tiền. Đây là con đường rộng và đẹp nhất cố đô. Khi chúng tôi đến nơi, một nhóm khách gồm toàn những phụ nữ quê mùa đang ngồi trên tấm thảm trải trước sảnh. Cái nhìn tôn kính của họ hướng về phía một ông già quắc thước ngồi trên bậc cấp cầu thang lên lầu. Đó chính là họa sĩ Lê Bá Đảng, người mà giới hội họa thế giới phải thừa nhận như người khởi xướng một trường phái hội họa mới, một phong cách mà họ gọi là "Lê Bá Đảng space", nghĩa là "không gian Lê Bá Đảng".

Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1921 tại Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Đã học tại Học viện nghệ thuật Toulouse từ năm 1939. Ông làm triển lãm đầu tiên tại Paris năm 1950 và sau đó là ở nhiều nước trên thế giới. Đã triển lãm ở Việt Nam các năm 1992, 2000, 2002, 2004.

Ông được nhận Huân chương Nghệ thuật - Văn học Pháp (Chevalier de L'ordre des Arts et desLettres) do Nhà nước Pháp trao tặng, Huân chương Kháng chiến do Nhà nước Việt Nam tặng và nhận danh hiệu "Vinh danh nước Việt" năm 2005 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Lê Bá Đảng trình diễn một phong cách sáng tác hội họa riêng biệt và đạt trình độ bậc thầy. Ông là một họa sĩ nổi tiếng qua biên giới nhiều quốc gia và là một họa sĩ gốc Việt được ngưỡng mộ trên thế giới.

Những người dân thường ấy đến từ Bích La Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Với họ, người đồng hương Lê Bá Đảng là một hiện thân của những điều kỳ diệu. Ra đi tay trắng từ một làng quê nghèo khó, nay ông trở về với danh tiếng, giàu có, và trên hết là tấm lòng với quê hương xứ sở. Còn nhớ những năm chiến tranh, từ nước Pháp, Lê Bá Đảng đã đóng góp nhiều tiền bạc và kêu gọi đấu tranh phản đối cuộc xâm lược của người Mỹ tại Việt Nam. Những năm đó, sáng tác của Lê Bá Đảng hướng vào cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Bom rơi, đạn nổ, sự sống và cái chết ở mảnh đất quê hương hình chữ S không ngừng hiện diện trong tác phẩm của ông. Từ Pháp, ông liên lạc với quê nhà và vận động những người Pháp tiến bộ tham gia đấu tranh. Ông gặp gỡ, tham gia giúp đỡ các phái đoàn ngoại giao Việt Nam sang Pháp họp hội nghị Paris. Ông điện về xin mảnh xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở miền Bắc để làm chất liệu sáng tác.

Dạo một vòng trong không gian của Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, chúng tôi nhận thấy sự tài hoa và cá tính mạnh mẽ của người nghệ sĩ sinh ra bên dòng sông Thạch Hãn. Tranh của ông in theo một công nghệ đặc biệt, trên giấy lụa Nhật Bản và không thể lẫn với ai. Tranh bán được, Lê Bá Đảng dùng để nuôi hoạt động của Trung tâm và làm việc thiện. Được biết, tòa nhà này vốn là trụ sở của Sở Tài chính Thừa Thiên - Huế, vừa được lãnh đạo tỉnh giao cho Lê Bá Đảng để ông ở và trưng bày tác phẩm của mình đến cuối đời.

"Ngoài những sáng tạo cá nhân, chính tinh thần Việt Nam đã làm nên những thành công của tôi" - Lê Bá Đảng nói trong một câu chuyện cởi mở và khúc chiết. Người nghệ sĩ tài hoa ấy đã bước qua tuổi 86 nhưng ở ông vẫn toát lên vẻ lạc quan và khát khao sáng tạo với những ý tưởng rất mới lạ. Ông nói rằng tại sao không giúp những người đau ốm trong bệnh viện bằng những tác phẩm nghệ thuật, tại sao không thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và có tầm cỡ, ví như vào ngày Quốc khánh, chúng ta thực hiện một bức tranh dài như chiều dài đất nước Việt Nam? Người họa sĩ già ấy vẫn hừng hực nhiệt huyết và những ý tưởng cao siêu, rất lạ là trong những ý nghĩ tưởng như rất lãng mạn và siêu thực ấy, lại có rất nhiều cơ sở để kiếm ra tiền...


ảnh: Lưu Quang Phổ

"Hồi mới tốt nghiệp mỹ thuật bên Pháp, tôi tình cờ đi qua một đường phố có tên là "Con mèo câu cá" ở Paris. Tự nhiên tôi nghĩ bụng, tại sao không vẽ thật nhiều những bức tranh con mèo câu cá rồi đem đến đây mà bán nhỉ? Thế là tôi vẽ một ít tranh con mèo câu cá, nhờ một hiệu sách bày bán. Người ta thấy lạ, mua hết ngay, tôi vẽ tiếp, vẽ tiếp, và bán được nhiều lắm. Con mèo trên tranh, trên bát, trên đĩa, trên vải, may thành quần áo. Từ con mèo, tôi nghĩ có thể làm những con khác, tôi làm con ngựa. Người Mỹ, Nhật còn phải mua tranh ngựa về bán. Ở Mỹ, nói đến tôi có lẽ rất nhiều người biết. Ngay cả tranh vẽ đường mòn Hồ Chí Minh, tôi cũng bán được. Rất chính trị, nhưng vẫn rất mỹ thuật. Con đường trong tranh của tôi đầy bom đạn, nhưng xuyên suốt vẫn là một mạch máu màu đỏ. Những năm chiến tranh ấy, tranh của tôi bao giờ cũng có màu cờ đỏ, và bao giờ cũng bán được. Ngay cả bây giờ, khi vẽ một người đàn bà khỏa thân, tôi cũng vẽ khác người khác. Ngày hôm nay, tôi luôn tìm cách tự làm mới mình so với ngày hôm qua.


Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế. ảnh: Bùi Ngọc Long
Tôi nghĩ rằng mình có sang, người ta mới trọng. Tôi làm tranh cũng theo nguyên tắc ấy, vậy nên tranh tôi bán rất được. Ở bên Pháp, tôi sống rất đàng hoàng bằng nghệ thuật, thậm chí tôi còn là công dân hạng sang bên Pháp, tất nhiên là sang theo cách của tôi. Tôi không tham lam, nhưng làm nghệ thuật là phải có tiền, vấn đề là làm như thế nào để không biến nghệ thuật thành... nhà thổ. Tôi nghĩ văn hóa Việt Nam mạnh lắm, chinh phục người nước ngoài được lắm. Như con sông Hương này, tôi tưởng tượng nếu có những bức tượng bằng đá, tạc theo những câu chuyện, thả xuống nước, rồi tổ chức những chiếc thuyền chở khách đi xem những câu chuyện ấy, rồi làm những bức tượng đá ấy nhưng thu nhỏ lại, rồi bán, chắc chắn nhiều người mua. Hoặc như lịch sử nước Việt Nam mình, chúng ta có thể khai thác các đề tài lịch sử. Truyền thuyết về thành Cổ Loa chẳng hạn, tôi nghĩ có thể xây một cái thành xoáy trôn ốc như thế, xây thật cao, rồi cho khách trèo lên xem, làm như thế thì vừa làm cho người ta nhớ được lịch sử Việt Nam, vừa thu được tiền bán vé! Hay như những đường phố Việt Nam, có thể biến nó thành những vườn hoa được lắm chứ. Hoặc như con đường 9 ở Quảng Trị quê tôi, có thể biến nó thành một con đường nghệ thuật, mặc dù ngày xưa nó là con đường xương máu. Làm bằng cách nào à? Một hàng rào mỹ thuật, trên đường, trên đá, trên núi kéo dài từ Đông Hà lên Khe Sanh, làm được như thế thì người nào đi lên đường 9 cũng thấy sướng chứ?


ảnh: Bùi Ngọc Long

Ở ta ai cũng biết hạt gạo. Hạt gạo cũng có thể làm ra được nhiều thứ khác. Tôi muốn làm ra những món đồ trang sức từ hạt gạo, làm thế nào cho đẹp, cho tinh, thì người ta thích, bán được thôi. Cũng là một truyền thuyết như chuyện ông Thánh Gióng ngày xưa cưỡi ngựa đánh giặc chẳng hạn, nếu chúng ta tái hiện được câu chuyện ấy thì thế nào nhỉ? Có thể căng những bức tranh khổng lồ, bằng sắt, bằng vải hình Thánh Gióng lên núi rừng vùng Sóc Sơn và biến nơi ấy thành một khu du lịch được không? Tôi cho là sẽ đông khách! Được quá đi chứ?"...

Nhưng người họa sĩ già ấy đang lo lắng ông không còn nhiều thời gian nữa. Sức khỏe vẫn tốt, trí nhớ vẫn minh mẫn, nhưng như trái đã chín trên cây, chẳng thể nói mạnh điều gì. Chúng ta hy vọng một ngày đẹp trời nào đó, những ý tưởng cao siêu của Lê Bá Đảng sẽ trở thành hiện thực như ông hằng tâm niệm: Muốn mang những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật mà mình sẵn có dâng hiến cho đất nước Việt Nam!

L.Q.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.