HĐND TP.HCM 'nóng' với xây dựng trái phép, xâm hại trẻ em

08/12/2019 06:55 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay thời gian tới sẽ quyết liệt chấn chỉnh những sai phạm trong xây dựng đô thị, đặc biệt tập trung xử lý tình trạng xây dựng sai phép ở Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Củ Chi...

Ngày 7.12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khai mạc và thảo luận nhiều vấn đề quan trọng.

Nhiều kết quả khả quan

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết năm 2019, TP đạt được nhiều kết quả khả quan về kinh tế, văn hóa, xã hội. Dù tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự năng động, sáng tạo của mọi tầng lớp, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, người lao động đã giúp kinh tế TP tăng trưởng cao hơn cùng kỳ với thu ngân sách dự kiến hơn 400.000 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Lệ đánh giá môi trường đầu tư được cải thiện, quy hoạch chỉnh trang đô thị có chuyển biến tốt hơn. Đáng chú ý, cải cách hành chính được TP chọn là chủ đề năm và tạo được chuyển biến hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Lệ nhìn nhận TP.HCM còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như ngập nước, vi phạm trật tự xây dựng, tội phạm về ma túy, xâm hại tình dục trẻ em.
Trong khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá việc triển khai quyết liệt Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Hai năm qua, TP xem xét dấu hiệu vi phạm và xử lý khiển trách đối với 6 tổ chức Đảng, kỷ luật 244 đảng viên và kỷ luật hàng trăm trường hợp cán bộ, công chức về mặt chính quyền. Chỉ thị 23 của Thành ủy về trật tự xây dựng triển khai xuống địa phương, xử lý hàng loạt công trình không phép nhận được sự hưởng ứng cao của người dân.

Lo ngại an ninh trật tự, quản lý xây dựng...

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Trọng Trí cho biết qua giám sát của HĐND TP.HCM ở Thủ Đức cho thấy tình hình xây dựng sai phép, không phép tăng cao. Lý do để xảy ra vi phạm này là việc triển khai quy hoạch, xây dựng trước đây làm không nghiêm, để xảy ra tình trạng người dân, nhất là đầu nậu, phân lô, bán nền cho dân. “Đáng chú ý là việc xử lý vi phạm hiện nay còn rất mập mờ. Cơ quan liên quan cần tham mưu cho UBND TP.HCM có kế hoạch tổng thể để vừa giúp quản lý hiệu quả và để người dân ít thiệt hại nhất”, ông Trí nói.
Đại biểu Trí cũng lo lắng nếu TP không có biện pháp quản lý, trấn áp đối với tình hình an ninh trật tự sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt dịp cuối năm. Ông Trí dẫn chứng mới đây khi chở người nhà bị bệnh đến bệnh viện bằng xe máy giữa khuya, ông đã bị một nhóm 6 thanh niên đi trên 3 xe “vây ráp” tại khu vực vòng xoay Dân Chủ (Q.10). Hai xe ép hai bên, một xe chặn ở đầu và nếu ông không cứng rắn xử lý thì không biết chuyện gì xảy ra.
Vấn đề dâm ô trẻ em cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết sự việc cán bộ ở Trung tâm hỗ trợ xã hội có hành vi dâm ô trẻ em là chuyện đau buồn của ngành. Hiện Sở đang tổ chức kiểm điểm từ ban giám đốc sở đến trung tâm, kíp trực. Sắp tới, Sở LĐ-TB-XH sẽ tổng kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh nội quy, quy chế cũng như chế độ chăm sóc đối tượng để không xảy ra những sự việc tương tự.
Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Thắng lo ngại việc chi thu nhập tăng thêm (năm 2019 khoảng hơn 7.000 tỉ đồng) cho cán bộ công chức TP.HCM nếu làm không kỹ dễ xảy ra gian lận. Ông Thắng cho hay một giáo viên kể quy định chỉ cho tỷ lệ 50% cán bộ quản lý được nhận thu nhập tăng thêm dễ xảy ra tình trạng đối phó. Tức là sẽ chọn ra cán bộ có thâm niên và có hệ số lương cao để bình bầu xuất sắc, sau khi nhận được phần thu nhập tăng thêm sẽ chia lại cho người khác.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay mục đích của thu nhập tăng thêm để kích thích sự làm việc của cán bộ, công chức và TP không để xảy ra tình trạng đối phó. Ông Phong cho hay thời gian tới sẽ quyết liệt chấn chỉnh những sai phạm trong xây dựng đô thị mà Chỉ thị 23 của Thành ủy đặt ra, đặc biệt tập trung xử lý tình trạng xây dựng sai phép ở Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Củ Chi...

Đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách

Bên lề kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đang phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư xây dựng đề án tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại lên 33% vào năm 2030 trình T.Ư. Hiện TP.HCM được giữ lại 18% tổng thu ngân sách.
“Làm thế nào để TP có thêm ngân sách đầu tư cho hạ tầng, giao thông phát triển thì mức lo cho cả nước sẽ còn nhiều hơn chứ không phải giành giật để giữ lại. Ví dụ như hiện giờ TP đóng góp cho cả nước 1.000 tỉ đồng, nếu có thêm nguồn vốn đầu tư cho TP.HCM phát triển hơn, thì mức đóng góp sẽ cao hơn, có thể tăng lên 1.200 tỉ”, ông Tuyến phân tích.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đề án mà TP đang phối hợp xây dựng có 3 giai đoạn: giai đoạn 2018 - 2020 giữ nguyên tỷ lệ 18%, giai đoạn 2021 - 2025 tăng lên 24% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng lên 33%, bằng mức điều tiết của năm 2003.
Hôm nay (8.12) kỳ họp tiếp tục với phần thảo luận chung tại hội trường.

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời vụ “lãnh đạo Sở GD-ĐT nhận thù lao biên soạn SGK”

Bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trả lời về vụ việc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam chi trả thù lao hằng tháng cho lãnh đạo Sở GD-ĐT khi phối hợp biên soạn một bộ sách giáo khoa mà Báo Thanh Niên phản ánh.
Ông Phong cho hay vừa qua Báo Thanh Niên có nhiều bài khiến dư luận quan tâm và giúp UBND TP.HCM trong công tác quản lý, trong đó có vụ việc nói trên. Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm có công văn đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT giải trình và báo cáo vào ngày 8.12. Sáng 7.12, ông Phong đã nhắc ông Liêm cần lưu ý vụ việc này.
“Mọi việc như thế nào, tôi cần phải nghe báo cáo cụ thể, nhưng sáng nay đọc thấy quyết định thù lao của NXB Giáo dục, tôi thấy hơi lạ. Cách đặt vấn đề của Báo Thanh Niên rất chính xác”, ông Phong cho hay và vấn đề trả thù lao nói trên “rất nhạy cảm”.
PV Thanh Niên cho hay vụ việc xảy ra từ năm 2015 chứ không phải mới đây. Ông Phong trả lời sau khi Báo Thanh Niên đăng, UBND TP.HCM mới nắm chứ nếu phát hiện trước sẽ không để tình trạng đó xảy ra.
T.Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.