Hãy chấp nhận những 'bài văn lỗi'

08/05/2023 04:16 GMT+7

Có một bức tranh biếm họa phản ánh chân thật thực trạng văn mẫu hiện nay: Một phụ nữ trung niên mặc đầm, tóc uốn nhuộm, đi xe tay ga, cầm một bài văn đến gặp cô giáo và nói: "Tôi mới là bà ngoại của cháu, còn người trong bài văn này là bà ngoại của tôi".

Văn mẫu là một vấn đề không mới, Bộ GD-ĐT thậm chí đã "tuyên chiến" với vấn nạn này bằng cách yêu cầu giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra đề kiểm tra định kỳ tác phẩm không có trong sách giáo khoa. Thế nhưng để chấm dứt tình trạng văn mẫu xem ra vẫn còn là một hành trình dài.

Mấy ngày qua, dư luận bàn tán sôi nổi về đề thi môn ngữ văn lớp 7 năm học 2022 - 2023 của Phòng GD-ĐT H.Cẩm Khê (Phú Thọ) dành cho học sinh (HS) năng khiếu. Nội dung đề thi hàn lâm, cao siêu đến mức chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho biết: "Nếu cháu tôi dự thi, phải làm đề thi ấy, rồi chẳng may lại được công nhận là HS giỏi có năng khiếu cấp huyện... thì tôi sẽ rất buồn. Bởi vì, nếu thế thì cháu tôi chỉ có thể là đứa tâm thần hoặc chỉ học gạo, thuộc lòng những gì cô giáo dạy và chép lại mà thôi".

Đối trọng với những bức xúc này, cũng trên Báo Thanh Niên, là chia sẻ của các giáo viên tiểu học về những bài văn của HS tuy còn non nớt nhưng trong trẻo, dạt dào cảm xúc. Những bài văn này gieo vào người đọc tình cảm ngọt ngào, rung động thật sự, cảm xúc chân thành chứ không phải những câu từ "tầm chương trích cú", bay bổng, rổn rảng từ sách vở tuy rất hay nhưng lạnh lùng, vô cảm theo kiểu trả bài.

Nếu giáo viên chấp nhận những bài văn của HS miêu tả chân thật những gì mình thấy, tuy có hơi ngây ngô, thậm chí "có lỗi", nhưng đó là cảm xúc và cái nhìn của chính các em với thế giới xung quanh, chứ không phải những hình ảnh long lanh từ sách vở, thì khi đó mới có thể chấm dứt tình trạng văn mẫu. Tại sao chúng ta không chấp nhận đám mây màu vàng theo cách nhìn của các em (mà cứ phải là màu trắng)? Tại sao tóc bà ngoại cứ phải bạc như cước, lưng bà còng (trong khi rất nhiều bà ngoại bây giờ vẫn hết sức trẻ trung với tóc nhuộm, giày cao gót)?...

Và nếu các giáo viên không chịu đổi mới cách ra đề kiểm tra, bắt kịp với thay đổi của cuộc sống thì cũng khó yêu cầu triệt tiêu văn mẫu. Tại sao cứ phải bắt HS thành thị miêu tả cây lúa, cây chuối… trong khi chưa có cơ hội tận mắt thấy? Thay vì vậy, có thể thay bằng các loại cây trong sân trường, vườn trường, hoặc thậm chí cho HS thỏa sức tưởng tượng với một hình ảnh cây xanh của riêng mình…

Giống như nhiều môn học khác, văn cũng cần những bài mẫu. Đó là những bài chính xác về kỹ thuật, chỉn chu về nội dung. HS đọc để tham khảo biết cách làm chứ không phải lấy nó trở thành của mình. Giáo dục phải làm sao để HS biết được ranh giới của tham khảo và đạo văn, đồng thời có những chế tài mạnh khi đạo văn, cũng là một biện pháp để tránh văn mẫu.

Nhiệm vụ của giáo viên là dạy cho HS đúng phương pháp, kỹ thuật; còn ý tưởng là của riêng từng cá nhân để HS được tự do sáng tạo và nêu được suy nghĩ, cảm xúc của riêng mình. Đây là cơ sở để tạo nên một nền giáo dục nhân văn, khai phóng, giúp con người vượt qua giới hạn để tạo nên những điều mới mẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.