Hành trình tại Nam kỳ: Sân khấu Trung Hoa

09/09/2023 07:13 GMT+7

Bây giờ tôi xin được nói về sân khấu Trung Hoa, một loại hình giải trí quen thuộc của người Âu ở Nam kỳ.

Sân khấu có hai loại: một ít phổ biến, và một, theo tôi thú vị hơn nhiều nhưng ít được nói đến, đó là sân khấu múa rối. Nhiều lần ở Sài Gòn, tôi đã chen vào đám đông thợ thuyền Trung Hoa tối nào cũng đến nghe và cười những lời bông đùa hay đúng hơn là những hoạt cảnh trào phúng của những diễn viên có một không hai này. Sân khấu nhỏ bé chừng bốn thước vuông nằm ở một ngã tư, sau kinh Tàu Hủ. Những bó đuốc cắm trên cọc tre soi sáng phía trước sân khấu, khắp nơi nồng nặc mùi dầu và mùi đặc trưng của thuốc lá Tàu. Không sao, tôi bất chấp những mùi đáng ghét này. Những con rối được làm đẹp hơn và tinh xảo hơn nhiều so với rối của ta; mọi bộ phận của nó đều chuyển động: chân, tay, đầu, ngón; và nhất là chúng có thể bẻ quặp ngón tay khiến cho tôi kinh ngạc. Hình như phụ nữ Trung Hoa thực sự có thể bẻ tay như vậy. Những tiết mục phổ biến nhất là vợ chồng ghen tuông, đánh trận và xử án. Tất cả được diễn với tiếng la hét cao vút chói tai từ cổ họng của các diễn viên Trung Hoa. Một bản nhạc bằng sáo réo rắt lặp lại một giai điệu hoặc tiếng đàn cò rin rít phụ họa cho diễn xuất, và khi vở kịch lên cao trào thì tiếng trống tam-tam dồn dập báo hiệu sự áp đảo ngạo ngược của thói hư tật xấu hoặc tưởng thưởng một đức hạnh.

Hành trình tại Nam kỳ: Sân khấu Trung Hoa - Ảnh 1.

Diễn viên Nam kỳ

Hình họa của E.Ronjat, dựa theo một bức ảnh

Một sân khấu nữa nơi đàn ông (vì phụ nữ không diễn trên sân khấu Trung Hoa) chiếm vị trí đáng ra phải nhường cho các con rối, vừa mới dựng cách đây không xa, nhân một lễ hội tôn giáo….

Nhạc công xếp hàng phía sau các diễn viên và hai bên cánh, trên cùng sân khấu, thương nhân Trung Hoa giàu có tổ chức buổi giải trí này thì vênh vang khệnh khạng như các hầu tước xưa trong kịch của Molière. Những quý ông này đã làm rất chu đáo, và bia rượu, thuốc lá được phân phát đầy đủ cho mọi quan khách. Người Hoa vốn được mệnh danh là người Do Thái phương Đông, luôn tằn tiện chắt bóp cho tới khi tự chủ về mặt tài chính; để rồi sau đó chìm đắm trong những thú vui tốn kém, và hơn thế nữa, còn thích mời mọc người khác tham gia. Tôi cố gắng để không phải tham dự toàn bộ buổi diễn: nó kéo dài dễ đến mười tiếng đồng hồ! Tôi chỉ nhớ một cảnh ghen tuông rất xuất sắc, và đặc biệt là một trận chiến đấu như thật giữa một đội kị binh với một vị thần cầm kiếm ngắn cùng một cái khiên khổng lồ che chắn như một mai rùa.

Hành trình tại Nam kỳ: Sân khấu Trung Hoa - Ảnh 2.

Nhà người Hoa ở Chợ Lớn. Hình họa của H.Clerget, dựa theo một bức ảnh

Thỉnh thoảng tôi đi săn bắn ở vùng ngoại ô Sài Gòn, chuyến săn thú vị nhất là ở Pointat, khu vực có nhiều thú rừng rất nổi tiếng. Hôm đó quãng mười giờ, mặt trời đã nóng sôi, chúng tôi đi về phía một ngôi chùa nằm giữa cánh đồng thơm (dứa) bao la, nơi thằng bồi đã sửa soạn bữa trưa. Chúng tôi đang nghỉ ngơi thì có hai, ba hương chức già, râu bạc, da nhăn tới đảnh lễ [quỳ xuống, chắp tay và dập đầu] trước đức Phật trong chùa. Thoáng thấy những chai rượu mùi nằm gần một bàn thờ, gương mặt nhăn nheo già nua của họ bỗng sáng lên một nụ cười giả lả và họ tới ngồi phía sau chúng tôi với một sự ngưỡng mộ thèm khát. Một người trong số đó mời tôi điếu thuốc lá đã châm lửa để bắt chuyện; trước sự kinh hoàng của các bạn đồng hành, tôi đã nhận lấy điếu thuốc, bất chấp cái màu nâu đỏ dính trên đó. Để đáp lại thịnh tình của họ, chúng tôi mời họ rượu absinthe và vermout; thật đúng là thứ họ mong đợi và không chậm trễ, họ nuốt ừng ực một lượng lớn rượu đủ làm một người Âu châu say ngất. Họ xởi lởi và nhiệt tình chỉ dẫn vì hy vọng được chia sẻ với mấy cậu bồi chút đồ ăn của chúng tôi. Khi chúng tôi đứng dậy để lên đường thì nghe thấy tiếng cót két của bánh xe trâu và ngay sau đó xuất hiện một chiếc xe kềnh càng. Chính những bánh xe lớn và đặc đã tạo ra âm thanh khủng khiếp đó. Người An Nam nói rằng tiếng bánh xe có tác dụng đe dọa cọp và khiến chúng không dám bén mảng đến những đường có xe đi. Trong nhiều vùng nội địa, đây là phương tiện giao thông duy nhất có thể sử dụng để băng rừng ở những nơi mà bò không tiến lên được.

Sau Sài Gòn, Chợ Lớn là thành phố lớn nhất thuộc địa. Dân số vào khoảng tám mươi ngàn người. Chợ Lớn cách Sài Gòn năm cây số rưỡi nhưng lại nối với thành phố Âu châu này bằng một chuỗi liên tiếp những làng mạc, những dinh thự của các thương nhân Hoa kiều giàu có, những chùa chiền làm chốn nghỉ chân. Chợ Lớn là trung tâm của mọi hoạt động thương mại Trung Hoa tại thuộc địa. Ở đây người ta bán lúa gạo, vải vóc, sản phẩm xuất khẩu từ Trung Hoa, nhiều quá sức tưởng tượng; và sự náo nhiệt của phố xá, sự đông đúc của thuyền bè Trung Hoa và tam bản An Nam trên kinh rạch thực sự choáng ngợp.

Trong số những điểm đặc biệt của Chợ Lớn, phải kể đến những bãi quây cá sấu. Hãy tưởng tượng một hàng rào những cọc dài và nặng quây quanh một diện tích chừng hai mươi mét vuông trên bờ sông; trong vũng bùn đó, nơi triều cường thường xuyên làm ngập lụt, có từ một trăm tới hai trăm con cá sấu lúc nhúc. Thịt cho cá sấu ăn để bên cạnh. Khi muốn bắt một trong số quái vật đó, người ta rút hai chiếc cọc lên, ném một thòng lọng vào cổ con to nhất trong đàn và kéo nó ra ngoài; tiếp đến người trói đuôi nó dọc theo thân, siết chặt chân và dùng dây mây buộc chân vào lưng; một đầu dây mây dùng để buộc mõm, dây này chắc chắn đến nỗi bất chấp con cá sấu khỏe cỡ nào cũng không thể vùng vẫy thoát thân được. Về thịt cá sấu, tuy có hơi dai nhưng rất giá trị và không có mùi xạ hương như nhiều du khách tưởng tượng. Đây là loại thịt rất được ưa chuộng trên bàn ăn của người An Nam.

(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ Voyages en Cochinchine của Albert Morice - Thư Nguyễn chuyển ngữ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.