Hành trình đẩy con sóng ra xa, kéo chân trời gần lại

23/11/2023 11:44 GMT+7

Với lợi thế 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển, đường bờ biển dài 52 km, Thái Bình là tỉnh có "mặt tiền biển Đông" khá lớn đã và đang hội tụ những điều tốt bậc nhất biến khát vọng chinh phục biển trở thành hiện thực.

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.534,4 km², dân số khoảng gần 2 triệu người.

Trong quá trình cải biến của thiên nhiên, trải qua hàng chục vạn năm của vùng đồng bằng Bắc bộ, đất đai Thái Bình được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân. Với lợi thế 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển, đường bờ biển dài 52 km, Thái Bình là tỉnh có "mặt tiền biển Đông" khá lớn đã và đang hội tụ những điều tốt bậc nhất biến khát vọng chinh phục biển trở thành hiện thực.

Hành trình đẩy con sóng ra xa, kéo chân trời gần lại - Ảnh 1.

Quá trình trị thủy - khẩn hoang diễn ra trong nhiều năm

C.T.V

Từ bãi biển hoang vu thành làng mạc trù phú

Lịch sử đất và người Thái Bình có 133 năm hình thành và phát triển (21.3.1890 - 21.3.2023). Nhưng trên thực tế, những dấu tích của vùng đất châu thổ Đồng bằng Sông Hồng này có tới hàng ngàn năm lịch sử. Và hơn hết, dấu tích lập ấp, lập làng, biến bãi biển hoang vu thành làng mạc trù phú cũng có tới 195 năm với hành trình đẩy con sóng ra xa, kéo chân trời gần lại. Hành trình này được đánh dấu mốc quan trọng khi tháng 3.1828, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đã dâng sớ xin triều đình cho về mở cuộc đại khẩn hoang ở bãi biển Tiền Châu với những kế sách độc đáo và táo bạo để yên dân.

Và chỉ trong vòng 6 tháng, hàng trăm km sông, đê đã được đào đắp theo một hệ thống thủy nông khá hoàn chỉnh. Hàng vạn mẫu ruộng hoang hóa được thau chua, rửa mặn. Hàng trăm trại, ấp, lý, giáp mới đã mọc lên. Tháng 9.1828, công cuộc khẩn hoang cơ bản hoàn thành. Theo lời tâu của Nguyễn Công Trứ, triều đình nhà Nguyễn đã phê chuẩn thành lập một huyện mới mang tên Tiền Hải.

Trong sách Đại Nam thực lục chính biên có ghi: "Một dải Tiền Châu liên tiếp bãi biển trước kia cây cỏ rậm rạp, bọn cướp hay tụ họp ở đó, không ai dám đến gần... Lãnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi chiêu tập phủ dụ, lòng người mới yên… Nhân thế đất liên lạc mà chia làm 7 tổng, tâu xin đặt một huyện, gọi là H.Tiền Hải".

Hành trình đẩy con sóng ra xa, kéo chân trời gần lại - Ảnh 2.

Bãi biển Tiền Hải

C.T.V

Sự xuất hiện tên gọi Tiền Hải cách đây 195 năm, cũng chính là bước khởi đầu cho Thái Bình với những bước tiến vững chắc chinh phục biển, làm giàu từ biển.. Cùng thời gian này, tại H.Thụy Anh xưa (hay còn gọi Thái Thụy ngày nay), nhiều vùng đất hoang ven biển của được khai phá. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, vấn đề trị thủy - khẩn hoang, lập làng, lấn biển thật sự trở thành vấn đề thường trực tất yếu, một công việc có cả bề dày kinh nghiệm, của nhiều thế hệ cư dân Thái Bình.

Nhà sử học Lê Văn Lan từng nói: "Tiền Hải có nghĩa biển tiền. Thời cụ Nguyễn Công Trứ về đại khẩn hoang. Khi đó, H.Tiền Hải chỉ có vỏn vẹn tổng số dân đinh là 2.350 người; Ruộng đất khẩn được 18.950 mẫu. Và Tiền Hải ngày nay nằm ở phía đông nam tỉnh Thái Bình, có diện tích tự nhiên 225,6 km², dân số xấp xỉ 240.000 người. Nhưng đây cũng chính là khởi đầu cho những năm lịch sử hình thành và phát triển đất và người Thái Bình trong hành trình tiến ra biển, chinh phục biển".

Với đặc điểm hình thành đất đai, từ sớm Thái Bình, miền đất hạ lưu sông Hồng, cái tên mà tự bản thân nó đã gợi lên khát vọng an cư, luôn luôn chứa đựng trong mình cả hai yếu tố song hành thuận lợi và khó khăn. Đó là hứa hẹn to lớn về một cuộc sống định cư mở mang trước vùng đất vốn là sản phẩm bồi tụ màu mỡ của thiên nhiên. Song, đó cũng lại là miền đất hoang sơ với muôn vàn hiểm nguy rình rập, thử thách như dông bão, nắng hạn, đầm lầy, lau lách, thú dữ...

Đặc biệt, do kết quả tiến lùi, dồn tụ qua hàng vạn năm của sóng, gió biển, bề mặt địa hình của cả vùng có sự cao thấp khác nhau hết sức phức tạp, nơi nhiều gò đống, nơi úng trũng quanh năm.

Đó là các yếu tố tác động sâu sa buộc những chủ nhân của miền đất Thái Bình trong trường kỳ lịch sử phải trải qua cả một hành trình bền bỉ đấu tranh ác liệt giành giật với thiên nhiên, biển cả, từng bước tạo lập một cuộc sống định cư trù mật, lâu dài. Hành trình này là khát vọng theo những dòng sông tiến dần ra biển, không chỉ là an cư mà còn là lập nghiệp, không chỉ là no ấm mà còn là khởi nguồn dòng chảy của thời đại mới.

Hành trình đẩy con sóng ra xa, kéo chân trời gần lại - Ảnh 3.

Những cư dân đầu tiên khẩn hoang lập ấp, lập làng

C.T.V

Ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình, từng phát biểu: "Đây là khát vọng của nhiều đời, nhiều thế hệ người dân Thái Bình. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn trăn trở không chỉ là vượt qua khó khăn, muốn quê hương thoát nghèo, muốn bứt phá vươn lên, nhưng để bứt phá vươn lên là câu chuyện dài...".

Truyền thống trị thủy - khẩn hoang, quai đê lấn biển, lập làng không chỉ là cội rễ tự nhiên của tinh thần cố kết cộng đồng mà còn là cơ sở thiết yếu cho việc mở rộng địa bàn cư trú, thuần dưỡng đất đai, phát triển ngành nghề.

Bằng sức mạnh của đoàn kết người dân Thái Bình đã đấu tranh vật lộn với đồng đất, giành giật với thiên nhiên, biến miền đất hoang dã, ngập mặn thành phì nhiêu màu mỡ.

Thành quả này được các thế hệ người Thái Bình đời sau kế thừa, phát huy dưới nhiều hình thức, với những cách làm sáng tạo, mang dấu ấn đặc trưng riêng của người Thái Bình. Lịch sử đã ghi nhận những mô hình sáng tạo của làng khẩn hoang ven biển từ cuối thế kỷ XIX đến nay như: Làng kinh tế mới ven biển những thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX; làng kháng chiến kiểu mẫu thời kỳ chống Pháp và đặc biệt là làng văn hiến, làng nghề, làng văn hóa... trong xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Thái Bình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.