Hành trình 45 năm vượt khó của xứ sở cây tràm

26/04/2024 18:00 GMT+7

Bằng tinh thần vượt khó và quyết tâm cao độ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H.U Minh (Cà Mau) đã từng bước đi lên từ gian khó, đạt được những thành tựu quan trọng.

Đi lên từ xuất phát thấp

Nói đến U Minh, nhiều người nghĩ ngay đến rừng tràm. Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, U Minh trở thành căn cứ cách mạng. Vùng đất này là một trong những mục tiêu tàn phá ác liệt của giặc, với đủ loại bom đạn và vũ khí hiện đại, làm cho xóm làng điêu tàn, rừng cây xác xơ.

Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Khánh An góp phần cho nông thôn H.U Minh ngày càng khởi sắc

Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Khánh An góp phần cho nông thôn H.U Minh ngày càng khởi sắc

ẢNH: GIA BÁCH

Với vị thế địa lý, cảnh quan môi trường và truyền thống kiên cường của U Minh, ngày 29.12.1978, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhất trí tách các xã Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm khỏi địa phận H.Thới Bình (Cà Mau) để thành lập H.U Minh. Huyện được công bố thành lập ngày 20.5.1979.

Khi mới thành lập, H.U Minh có 11 xã, 1 thị trấn. Qua các lần điều chỉnh địa giới hành chính, huyện hiện còn 7 xã, 1 thị trấn, diện tích hơn 77.500 km²; có gần 26.000 hộ với 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Trải qua sự tàn phá bởi bom đạn, chất độc hóa học, khi bắt tay vào xây dựng, H.U Minh gặp nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và người dân đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và đạt được những thành tựu quan trọng.

Trên cơ sở xác định nông nghiệp giữ vị trí hàng đầu trong cơ cấu kinh tế, huyện mở rộng diện tích khai hoang phục hóa. Nhiều công trình thủy lợi kết hợp với giao thông được nạo vét và đào mới để tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, chuyển từ độc canh cây lúa sang đa canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, diện tích gieo trồng lúa từ 6.000 ha, sản lượng 8.400 tấn, năng suất bình quân 1,4 tấn/ha (năm 1979) đến nay tăng lên hơn 24.000 ha, sản lượng gần 104.000 tấn, năng suất bình quân 4,3 tấn.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

U Minh có bờ biển dài 31 km, với ngư trường rộng lớn trên 20.000 km², nhiều loài hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Nghề khai thác biển được người dân bám trụ lâu đời và hoạt động hiệu quả sau khi cửa biển Khánh Hội, Hương Mai được nạo vét mở rộng.

H.U Minh đã xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược phát triển biển đến năm 2025

H.U Minh đã xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược phát triển biển đến năm 2025

ẢNH: GIA BÁCH

Khu kinh tế cửa biển Khánh Hội được hình thành, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sửa chữa nghề biển ra đời; tàu đánh bắt xa bờ tăng nhanh, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Sản lượng khai thác thủy sản từ 19.000 tấn (năm 2009) đã tăng lên 33.000 tấn vào năm 2023.

Ngoài lợi thế về kinh tế biển, nghề nuôi tôm quảng canh, nuôi cá đồng và cá hồ ao phát triển mạnh. Từ hơn 10.000 ha đất nhiễm phèn mặn, hoang hóa nay trở thành vùng đất nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, nuôi cá thâm canh có hiệu quả. Toàn huyện hiện có khoảng 33.000 ha đất nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 39.000 tấn/năm, góp phần đáng kể vào tăng thu nhập chung của huyện.

Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự hưởng ứng tích cực của người dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Khánh Hội được công nhận là đô thị loại V.

Ngoài nông nghiệp, công thương nghiệp và xây dựng, kết cấu hạ tầng có bước phát triển với tốc độ khá nhanh. Khi mới thành lập, trung tâm H.U Minh chỉ có 4 ngôi nhà dân, vài "quán cóc". Giờ đây, nhà cửa, chợ quán, cơ quan công sở được xây dựng cơ bản và bán cơ bản. Hiện, toàn huyện có 4 chợ, 177 doanh nghiệp với gần 1.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, H.U Minh có Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Khánh An, do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vận hành khai thác, góp phần đưa bộ mặt nông thôn huyện ngày càng khởi sắc. Đồng thời, huyện đang kết hợp tỉnh tích cực triển khai xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới Khánh An. Đây là điều kiện thuận lợi, là động lực để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.

U Minh có địa hình giao thông thủy - bộ rất phức tạp, kênh rạch chằng chịt, chịu sự tác động mạnh của thời tiết và thủy triều, gây khó khăn cho phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Trăn trở trước thực trạng đó, Đảng bộ xác định xây dựng giao thông - thủy lợi là huyết mạch, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Hạ tầng giao thông H.U Minh được quan tâm đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Hạ tầng giao thông H.U Minh được quan tâm đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

ẢNH: GIA BÁCH

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thu ngân sách trên địa bàn có sự chuyển biến đáng kể; từ 56 triệu đồng vào năm 1979, tăng lên trên 60 tỉ đồng vào năm 2023. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 2.860 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 4,1 triệu đồng năm 1997 tăng lên 57,5 triệu đồng/người năm 2023.

45 năm, thời gian đủ dài để chứng minh sự trưởng thành, quyết tâm vượt qua khó khăn của Đảng bộ trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, với điểm xuất phát thấp buổi ban đầu. Thành tựu đó kết tinh từ truyền thống, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt khó trong lao động, sản xuất và công tác của Đảng bộ, quân, dân H.U Minh.

Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ H.U Minh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; Chính phủ và UBND tỉnh tặng bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Phó bí thư, Chủ tịch UBND H.U Minh, cho biết Đảng bộ, quân, dân U Minh nhận thức rằng, cùng với thành tựu đạt được, khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn nhiều. Địa phương chưa khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, rừng - biển. Vì vậy, huyện cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các ngành, các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong thời gian tới.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.