Hàng loạt hồ đập thủy lợi xuống cấp vẫn phải oằn mình trước mưa bão

Phạm Đức
Phạm Đức
07/11/2022 07:30 GMT+7

Nhiều công trình hồ đập thủy lợi ở Hà Tĩnh mặc dù đã hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn rất cao trong mùa mưa bão , nhưng do thiếu kinh phí nên vẫn chưa được nâng cấp, sửa chữa.

Tính đến nay, Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 348 hồ chứa và 86 đập dâng lớn nhỏ. Các hồ đập thủy lợi ngoài cấp nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, còn có tác dụng cắt giảm lũ cho hạ du.

Tuy nhiên, hiện có 117 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 33 hồ chứa xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm nay. Đáng nói, các hồ chứa bị hư hỏng đa số vẫn chưa được nâng cấp, sửa chữa do thiếu kinh phí.

Mái thượng lưu đập chính của hồ Kẻ Gỗ bị gãy vỡ các tấm bê tông

PHẠM ĐỨC

Một trong số hồ chứa lớn đang bị xuống cấp khá nghiêm trọng phải kể đến là hồ Kẻ Gỗ. Sau hơn 40 năm đưa vào sử dụng, hồ Kẻ Gỗ có dung tích thiết kế 345 triệu m3 này đã xuất hiện nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng, gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành cũng như nguy cơ mất an toàn công trình và dân sinh.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại cống lấy nước kết hợp tràn xả lũ của hồ Kẻ Gỗ, có nhiều vị trí lộ cốt thép do lớp bê tông bên ngoài bị xâm thực, bong tróc. Tường bên ngoài cống tràn xả lũ bị thủng, nước chảy thành dòng lớn. Đặc biệt, mái thượng lưu đập chính được gia cố bằng bê tông đã bị gãy vỡ nhiều đoạn, khiến thân đập bị thấm nước khi nước trong hồ dâng cao.

Ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh, cho biết đơn vị này được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho công ty quản lý, vận hành tổng cộng 38 hồ đập và 1 cống ngăn mặn giữ ngọt. Đến nay, có gần một nửa công trình hồ đập bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa, trong đó có hồ Kẻ Gỗ.

“Các công trình hồ đập xuống cấp chủ yếu bị tác động của thiên tai làm xói lở thân tràn, đuôi tràn, trượt mái. Riêng hồ Kẻ Gỗ thì bị hư hỏng một số hạng mục công trình đầu mối và mái thượng làm bằng bê tông bị vỡ nhiều đoạn. Từ đầu năm đến nay, công ty cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch sửa chữa nhưng chỉ khắc phục được những hồ xuống cấp nhỏ do mưa lũ, bởi kinh phí chỉ đủ để trả lương cho cán bộ, nhân viên”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, sau trận lũ lịch sử vào năm 2020, hồ Kẻ Gỗ đã bộc lộ một số bất cập, nhất là vấn đề điều tiết xả lũ và khả năng tiêu thoát lũ cho vùng hạ du. Nguyên nhân là do đến nay các phần mềm quản lý, điều hành cũng như các thiết bị dự báo, cảnh báo và phòng chống lũ cho hồ đang hết sức sơ sài.

Trước sự xuống cấp và bất cập của hồ Kẻ Gỗ, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã làm văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh, bổ sung các hạng mục trong dự án tăng cường khả năng thoát lũ hạ du của hồ mà Bộ NN-PTNT đang triển khai.

Xuống cấp do… tuổi thọ

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh), ngoài hồ Kẻ Gỗ, một số hồ đập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ năm nay như: hồ Khe Du và Đập Trạng (H.Hương Khê), hồ Liên Hoàn (H.Hương Sơn), hồ Khe Xai (H.Vũ Quang)…

Mới đây, vào chiều 9.9, mưa lớn kéo dài đã khiến vị trí cống xả tại đập Khe Xai bị sạt lở với chiều dài khoảng gần 10 m, nguy cơ gây ngập lụt cho hạ du. Ngay sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rào chắn khu vực nguy hiểm, đồng thời huy động phương tiện, lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố nhằm đảm bảo an toàn. UBND H.Vũ Quang sau cũng đã trích ngân sách hơn 14 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp đập thủy lợi này.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho hay nguyên nhân khiến nhiều công trình hồ đập bị xuống cấp là do tuổi thọ sử dụng đã qua hàng chục năm, trong khi kinh phí để đầu tư, nâng cấp còn hạn chế và thiếu nguồn vốn phân bổ cho các dự án đã đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, bất thường gây hiện tượng mưa lũ vượt ngoài quy luật thông thường cũng là một trong các nguyên nhân gây mất an toàn hồ chứa.

“Hiện nay, trên địa bàn có 13 công trình hồ đập xuống cấp đang được các địa phương và đơn vị quản lý tiến hành sửa chữa, nâng cấp, nhưng ngân sách vẫn rất hạn hẹp. Trước tình trạng này, Sở NN-PTNT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy lợi hỗ trợ kinh phí để khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển và các hồ đập xuống cấp”, ông Thịnh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.