Hạn chế tối đa vốn ngân sách làm siêu cảng Cần Giờ 5,5 tỉ USD

15/03/2024 14:04 GMT+7

Nội dung được nêu trong Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mà UBND TP.HCM vừa chính thức trình Thủ tướng Chính phủ.

Hạn chế tối đa vốn ngân sách làm siêu cảng Cần Giờ 5,5 tỉ USD- Ảnh 1.

TP.HCM muốn tăng tốc khởi công, sớm đưa vào khai thác một phần siêu cảng Cần Giờ trước 2030

Về vị trí, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km. Tổng diện tích của siêu cảng ước tính khoảng 571 ha. Bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5 ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5 ha.

TP.HCM đánh giá vị trí này có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía nam Trung Quốc. Hiện hàng hóa tại các khu vực trên chủ yếu được trung chuyển tại Singapore và Malaysia. Nếu hàng hóa trung chuyển tại Cần Giờ thì cự ly vận chuyển giảm khoảng 30 - 70% so với đến Singapore.

Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.

Hạn chế tối đa vốn ngân sách làm siêu cảng Cần Giờ 5,5 tỉ USD- Ảnh 2.

Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047

Tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 129.000 tỉ đồng (5,5 tỉ USD). UBND TP dự kiến phần cảng, khu công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư).

Còn lại, phần hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối sẽ được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công - tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác, hạn chế tối đa vốn ngân sách nhà nước.

Nhận định cảng Cần Giờ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, TP.HCM dự kiến phấn đấu tổ chức đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ giai đoạn 1 (đầu tư 2/7 khu bến chính) trước 2030. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo dài từ nay đến 2025; quá trình xây dựng kéo dài tới 2027 và khai thác cảng từ 2028.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.