Hạn chế phiền hà cho người dân khi đánh lại số nhà

21/05/2024 06:13 GMT+7

Việc đánh lại số nhà sẽ kéo theo nhiều thay đổi về thông tin của người dân, cũng như đời sống thường nhật, hoạt động kinh doanh... Theo các chuyên gia, quy định này khi triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để tạo thuận lợi cho người dân.

Nhà mặt đường nhưng "thua" nhà trong ngõ

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi quãng đường dài 2,5 km trước mặt được đặt tên là Tân Hội (H.Đan Phượng, Hà Nội) nhưng ông Nguyễn Thạc Vân (64 tuổi, người địa phương) chưa từng thấy chính quyền sở tại đả động gì đến việc gắn biển số cho ngôi nhà gia đình đang sử dụng.

Để thuận tiện cho việc tìm kiếm địa chỉ nhà, ngoài việc nói mình ở khu Đầu Sầy (H.Đan Phượng), ông Vân sẽ nhắc kèm theo thông tin "trước cổng Bệnh viện đa khoa H.Đan Phượng" để phân biệt nhà mình với các hộ gia đình khác cùng khu nhưng không nằm trước cổng bệnh viện.

"Trong làng, các ngõ sâu đều được đánh biển số nhà rồi mà mặt đường lớn như nhà tôi thì chưa có. Bây giờ, hàng hóa chủ yếu được giao dịch trên môi trường mạng rồi vận chuyển bằng shipper (người giao hàng - PV). Không có số nhà nên giao dịch rất khó. Tôi rất mong nhà tôi sớm có số nhà đàng hoàng", ông Vân bày tỏ.

Dù đã có tên đường hơn 4 năm nhưng chính quyền sở tại chưa triển khai đánh số nhà cho các hộ dân trên đường Tân Hội (H.Đan Phượng)

Dù đã có tên đường hơn 4 năm nhưng chính quyền sở tại chưa triển khai đánh số nhà cho các hộ dân trên đường Tân Hội (H.Đan Phượng)

Nguyễn Trường

Trong khi đó, trên cổng số 1 của Bệnh viện đa khoa H.Đan Phượng thì được gắn biển số thể hiện nơi đây ở địa chỉ số 2 Đan Phượng - Tân Hội (TT.Phùng, H.Đan Phượng).

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP có nhiều tuyến đường đã được đặt tên từ nhiều năm nhưng chưa gắn biển số nhà theo quy định tại Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 25.1.2014 do UBND TP.Hà Nội ban hành. Cụ thể, đường Vạn Xuân (H.Hoài Đức); đường Tân Hội, đường Phùng (H.Đan Phượng)…

So với khu vực ngoại thành, việc tìm kiếm địa chỉ nhà trong khu vực nội thành ở một số tuyến phố cũng phức tạp không kém.

Cụ thể, sau hơn 18 năm được HĐND TP.Hà Nội đặt tên đường thì hiện tại, số nhà trên đường Lê Văn Thiêm (Q.Thanh Xuân) dài 700 m (đoạn từ đường Lê Văn Lương đến số 27 Nguyễn Huy Tưởng) giống như một "ma trận", không tuân theo bất cứ quy luật nào.

Còn tại Q.Tây Hồ (Hà Nội), sau 10 năm đặt tên đường Võ Chí Công, nơi đây vẫn đang "loạn" số nhà vì biển số nhà do người dân tự chọn. Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Q.Tây Hồ cho biết quá trình triển khai đánh số, gắn biển số nhà theo Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND cho đường Võ Chí Công bị "vướng", chưa có sự thống nhất do con đường này nằm trên địa bàn hai quận Tây Hồ và Cầu Giấy.

"Vấn đề "loạn" số nhà gây ra nhiều bức xúc, gây khó khăn trong công tác quản lý, trong giao dịch của người dân và tạo ra nhiều bất cập. Quận mong muốn nếu tuyến đường Võ Chí Công nằm phần lớn trên địa bàn Tây Hồ thì TP ủy quyền cho quận triển khai đánh số, gắn biển số nhà. Từ đó, quận sẽ triển khai làm cho đồng bộ. Bởi lẽ, nếu đường Võ Chí Công nằm hoàn toàn trên địa bàn Q.Tây Hồ thì việc đánh số nhà rất dễ, còn nằm cả ở Q.Cầu Giấy thì lại khó vì chưa có sự thống nhất", vị lãnh đạo Q.Tây Hồ phân bua thêm.

Hạn chế phiền hà cho người dân khi đánh lại số nhà- Ảnh 2.

Một ngôi nhà có địa chỉ mang số chẵn nằm bên dãy đường được cắm biển ngõ 17 Lê Văn Thiêm

Chưa hết, cách đánh số nhà tại các khu đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội cũng rất "đa dạng", "độc", "lạ". Đơn cử tại khu đô thị Văn Phú (P.Phú La, Q.Hà Đông), việc gắn biển số nhà do người dân tự thực hiện. Thông tin trên biển số nhà sẽ dựa vào ký hiệu lô đất trên bản vẽ quy hoạch do chủ đầu tư thực hiện và đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Một lãnh đạo P.Phú La cho biết không riêng gì khu đô thị Văn Phú mà rất nhiều khu đô thị khác trên địa bàn cũng trong tình trạng tương tự. Thậm chí, nhiều khu còn đặt tên nhà theo tiếng nước ngoài, không thuần Việt.

"Khi chủ đầu tư bàn giao hạ tầng cho địa phương thì chính quyền địa phương mới rà soát xem tuyến đường nào đủ điều kiện để đặt tên. Từ đó sẽ trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt, chứ không thể đặt tên đường, gắn biển số nhà ngay sau khi dự án hình thành. Trong quá trình chưa có tên đường, đợi số nhà thì người dân sử dụng tạm thời thông tin ký hiệu lô, thửa đất để giao dịch. Tiếp đó là sử dụng thông tin thửa đất làm địa chỉ liên lạc, tham gia các hoạt động xã hội khác", vị lãnh đạo P.Phú La cho biết thêm.

Thay đổi hàng loạt giấy tờ theo số nhà mới

Trước thực trạng "loạn" số nhà, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội ban hành kế hoạch kiểm tra công tác đánh, gắn biển số nhà trên địa bàn nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội, quản lý nhà đất, hành chính, an ninh, trật tự, PCCC và quản lý dân cư theo quy định.

Trong khi đó, tại dự thảo thông tư mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất quy định cách đánh lại số và gắn biển số với từng loại nhà. Sau khi thông tư ban hành, các tuyến giao thông thuộc khu phố cổ, khu phố cũ đã có số nhà được đưa vào sử dụng ổn định nếu phù hợp với các nguyên tắc quy định tại thông tư này thì được giữ nguyên số nhà đã đánh. Ngược lại, trường hợp không phù hợp thì UBND quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất phương án xử lý, gửi về sở xây dựng để thẩm tra, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Đánh giá về tác động của thông tư này, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Dương Trung Quốc cho rằng việc đánh lại số nhà đồng bộ trên toàn quốc cho quy củ trong bối cảnh chuyển đổi số là rất cần thiết, rất cần làm lại cho chính xác theo quy chuẩn. Bởi lẽ, trong quá trình phát triển đô thị mạnh mẽ, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã chưa thực hiện tốt công tác đánh, gắn biển số nhà, nhất là ở những tuyến phố mới, dẫn đến hỗn loạn, gây ra rất nhiều trở ngại cho người dân. Do đó, bên cạnh việc cần thực hiện quy củ công tác đánh lại số nhà thì Hà Nội cần khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, đặc biệt là khắc phục việc đánh biển số nhà tại khu vực, đường phố mới xây dựng.

Theo ông, đối với các khu vực cũ, địa danh cũ đã được gắn biển số nhà, ổn định theo thời gian, dù chưa đúng quy chuẩn cũng không cần đánh lại biển khi quy định mới có hiệu lực. Bởi lẽ, điều này không cần thiết, thậm chí sẽ gây ra sự hỗn loạn hơn nếu nhà nước thực hiện không đến nơi, đến chốn, nhất là khi hàng loạt giấy tờ tùy thân của người dân sẽ phải điều chỉnh lại hết. Khi thông tư có hiệu lực, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng lộ trình và từng bước thực hiện, trong đó cần sớm giải quyết tình trạng loạn số nhà đối với khu phố mới đang gây ra quá nhiều phiền toái.

Về phía chính quyền, theo một lãnh đạo Q.Tây Hồ, trong thời gian tới, quận sẽ chủ động trong thẩm quyền để rà soát lại tất cả tuyến đường trên địa bàn. Nếu tuyến đường nào chưa được đánh biển số theo quy định hiện hành sẽ tổ chức triển khai. Vị này thừa nhận việc đánh lại biển số nhà sẽ tác động lớn đến người dân vì sẽ thay đổi rất nhiều giấy tờ cá nhân liên quan đến biển số nhà cũ.

Trao đổi với Thanh Niên, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, bày tỏ sự đồng tình với nội dung, tiêu chí trong dự thảo thông tư quy định về đánh số và gắn biển số nhà, nhằm thay thế Quyết định số 05/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Đối với Hà Nội, ông Nghiêm cho rằng sau khi thông tư được thông qua, Hà Nội cần xác định thêm thời điểm áp dụng và có phương án dự phòng cho các tình huống khi triển khai đánh số nhà, gắn biển cho tuyến đường. Bởi lẽ, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa. "Ví dụ, việc tách thửa đất, điều chỉnh mạng lưới đường theo quy hoạch sẽ tạo ra nhiều số nhà biến đổi. Rồi sắp tới có 10 tuyến đường sắt đô thị thì các tuyến đường biến đổi thế nào. Tất cả biến số liên quan đều cần phải tính toán để có phương án dự phòng", ông Nghiêm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.