Hà Nội ưu tiên xây đường sắt đô thị kết nối 2 thành phố trực thuộc

29/03/2024 12:45 GMT+7

Theo quy hoạch thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị, trong đó ưu tiên hoàn thiện các tuyến đường sắt vành đai và ga đầu mối, các tuyến kết nối với thành phố phía bắc, thành phố phía tây...

Sáng 29.3, các đại biểu HĐND TP.Hà Nội đã cho ý kiến và thông qua Nghị quyết Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Nội ưu tiên xây đường sắt đô thị kết nối 2 thành phố trực thuộc- Ảnh 1.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

KHẮC HIẾU

Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm trong Nghị quyết Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là quy hoạch đường sắt đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội.

Theo quy hoạch, thời gian tới, thành phố sẽ đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị, trong đó ưu tiên hoàn thiện các tuyến đường sắt vành đai và ga đầu mối, các tuyến kết nối với thành phố phía bắc, thành phố phía tây...

Hà Nội cũng định hướng xây dựng mạng lưới đường sắt tại khu vực đô thị trung tâm đảm bảo mật độ các ga tàu có khoảng cách phù hợp dành cho người đi bộ, có thể di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ năng lực thay thế giao thông cá nhân.

Cạnh đó, mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ kết nối với các trung tâm đô thị trong vùng và các huyện ngoại thành, đi ngầm đối với các đoạn tuyến nằm trong Vành đai 3,5.

Ngoài ra, Hà Nội còn dành nguồn lực xây dựng đường sắt 1 ray trên cao (monorail) chạy ven 2 bờ sông Hồng. Tuyến đường sắt 1 ray này sẽ kết nối với các điểm du lịch, cảnh quan và kết nối với khu vực phố cổ.

Đồng thời, TP.Hà Nội còn chuẩn bị các điều kiện để phối hợp với T.Ư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đóng vai trò là trục "xương sống", tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, hơn 10 năm qua, TP.Hà Nội luôn xác định đường sắt đô thị là "xương sống" của hạ tầng vận tải hành khách công cộng.

Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội mới chỉ hoàn thành được 13 km đường sắt đô thị, thuộc tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5 km của tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu Q.Hoàng Mai) cho rằng, ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội những năm qua gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô. Theo ông, đường sắt đô thị là giải pháp quan trọng để giải "bài toán" ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Với cách làm như hiện nay, ông Đức lo ngại không biết đến bao giờ Hà Nội mới hoàn thiện được các tuyến đường sắt đô thị như quy hoạch. Ông Đức cho rằng, sự chậm trễ còn làm tăng chi phí đầu tư của mỗi tuyến đường sắt.

Theo ông Đức, thành phố cần có cơ chế đặc thù về huy động vốn để làm đường sắt đô thị. "Hoàn thiện 14 tuyến đường sắt đô thị cần hàng chục tỉ USD, thậm chí cả trăm tỉ USD. Do vậy, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù để huy động vốn cho đường sắt đô thị", ông Đức nói thêm.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (tổ đại biểu H.Thường Tín) đề nghị Hà Nội chú trọng vào quy hoạch giao thông để xứng đáng với quy mô thành phố 100 triệu dân. Thành phố cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện các tuyến đường đã quy hoạch, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ đường sắt đô thị.

Cũng tại kỳ họp sáng nay, với 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.