Khát vọng làm giàu của chàng du học sinh "cháy túi"

19/07/2006 16:17 GMT+7

Hành trang là khát vọng làm giàu cháy bỏng, một số du học sinh Việt Nam đã làm “nên chuyện” ở Nga từ bàn tay trắng. Bán những món hàng là gói mì, chai nước mắm, tương ớt nhưng nhiều người trong số họ giờ đã là triệu phú. Các cựu du học sinh này đã làm nên tên tuổi một công ty Việt Nam trên đất Nga: Masan Rus Trading, mà khi nhắc đến người ta hiểu đó là một công ty có “số má” - theo như cách nói của vị sáng lập ra tập đoàn này.

Lời thề và khát vọng

“Cuộc sống thế nào thì ta cứ phản ánh theo cách tự nhiên nhất. Tôi cũng vậy, có sao thì cứ  như vậy không cần phải cà vạt, vét tông gì đâu...”, Chủ tịch HĐQT Masan Group - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy khi được hỏi có cần “tân trang” lại chút đỉnh để chụp ảnh cho đẹp.

Sự giản dị của anh, như nhiều người nhận xét, còn toát lên qua cách kể chuyện: “Sau hơn 10 năm học tập tại Nga (Liên Xô trước đây) tôi xách valy lên đường về nước và hẹn với lòng là sẽ không bao giờ quay lại nữa. Nhưng 2 năm sau tôi lại sang Nga, chuyến đi này mục đích hoàn toàn khác trước. Đi để kiếm sống”. Quang nhớ lại: “Không muốn quay lại Nga vì lúc đó mình nghèo, đi du học, nghe thì sang lắm nhưng cũng bao nỗi ê chề.


Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group (ảnh: Diệp Đức Minh)

Người ta nhìn mình bằng con mắt không được tôn trọng”. Mười mấy năm miệt mài kinh sử, trở về nước với bao hoài bão, ngọn lửa “Paven”  hừng hựt trong chàng trai tuổi 20 lập tức trở nên... leo loét vì cái bằng phó tiến sĩ của anh chẳng được trọng vọng hơn gì cái bằng của bác “phó mộc”. Quang ngậm ngùi: “67 nghìn đồng là số tiền lương hàng tháng tôi được nhận, làm sao nuôi nổi bản thân huống hồ là gia đình, vợ con... Không tìm được việc gì khả dĩ hơn. Trong đầu tôi lúc này quay cuồng với suy nghĩ làm sao nuôi vợ con chứ đâu dám nghĩ tới những chuyện cao xa hơn là làm giàu. Tôi quyết định đi Nga”.

Không có tiền để mua vé máy bay, Quang phải mượn của bạn bè nhưng niềm tin vẫn không hề lung lay. “Thị trường Nga lúc này đang chuyển đổi mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội để làm ăn. Mình có kinh nghiệm trên 10 năm ở đây, bạn bè lại rất đông. Không sợ thiếu vốn mà chỉ e trong đầu không có ý tưởng kinh doanh. Lần quay trở lại Nga này làm tôi đã ngộ ra được nhiều điều. Kinh doanh cũng có nhiều điều thú vị, thách thức, đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh, chứ không chỉ làm khoa học mới đòi hỏi cao như mình thường nghĩ. Thực sự, làm giàu không khó nếu chúng ta có khát vọng và tin tưởng vào đường đi đã xác định”, vị Chủ tịch Masan Group triết lý.

Dạy người Nga ăn mì gói và tương ớt

Không phải là dân kinh doanh chuyên nghiệp nên lúc đó, những năm đầu của thập niên 90, Quang và các bạn bè phải mất một thời gian mới nhận ra một điều: sao lại cứ phải quanh quẩn bán hàng cho vài trăm nghìn người Việt mà không phải là 150 triệu người Nga. Triết lý “Mỗi người Nga một gói mì là đủ sản lượng nhà máy cả năm” ra đời từ đó. “Nghĩ là làm, cả nhóm bắt tay vào nghiên cứu, tìm cách chinh phục người Nga. Tìm hiểu khẩu vị người Nga để điều chỉnh thành phần trong gói mì, bao bì cũng phải vẽ lại, thể hiện bằng tiếng Nga để họ dễ sử dụng, cho họ dùng thử, lấy ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp... Chúng tôi đều là du học sinh sống lâu năm tại Nga nên những việc làm này không mấy khó khăn”, anh Quang nhớ lại. Hai container hàng đầu tiên sang Nga, cả nhóm bạn hồi hộp chờ đợi phản hồi. Rồi ngày vui chiến thắng đã tới khi đơn đặt hàng thứ 2 tăng lên 4 container và cứ tăng mãi đến nỗi nhà máy sản xuất nơi Quang đặt hàng phải tăng thêm 3 dây chuyền mới đủ phục vụ cho thị trường Nga. Đơn hàng liên tục đổ về, Masan quyết định đầu tư nhà máy sản xuất cho riêng mình với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng. Quang tự hào: “Lúc đó phải nói là thị trường Nga bùng nổ với sản phẩm mì ăn liền mà chúng tôi tự hào là người tiên phong. Sau đó chúng tôi tiếp tục mở rộng thị trường ra các nước SNG”.

Kinh nghiệm thành công sản phẩm mì ăn liền khiến Masan tự tin tấn công vào thị trường Nga với các sản phẩm nước tương, nước mắm và tương ớt mang thương hiệu Mivimex. Nhưng có lẽ thú vị nhất là câu chuyện chinh phục người Nga ăn tương ớt. Ý tưởng ban đầu đưa ra bị nhiều người cho là điên rồ vì người Nga không ăn cay. Câu chuyện bắt đầu từ một chuyến đưa nhân viên người Nga về Việt Nam tìm hàng đưa sang Nga bán. Các nhân viên Nga này đã được cho thử thứ tương ớt mà họ chưa một lần nếm trước đó. Cay chảy nước mắt nhưng các bạn Nga cũng thừa nhận là ngon không kém những thứ nước sốt khác mà họ thường ăn kèm trong các bữa ăn. Vậy là sản phẩm này được đem sang bán thử. “Người Nga cũng rất háo hức với những sản phẩm mới, cay thì chúng tôi điều chỉnh lại cho bớt cay, dần dà chính những người Nga truyền miệng nhau về món hàng mới lạ này nên tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn những mặt hàng trước”, anh Quang kể.

Xuất khẩu những thứ được coi là “mắm muối, tương cà” nhưng mỗi tháng Masan xuất từ 50-70 container hàng. Doanh thu riêng mặt hàng thực phẩm năm 2005 đã vượt con số 100 triệu USD.


Sản xuất tương ớt xuất khẩu mang nhãn Chinsu (ảnh: Diệp Đức Minh)

Thử thách

“Chúng tôi luôn coi Việt Nam là nền tảng, Nga và các nước khác là thị trường. Vì thế việc quay trở về thị trường trong nước chỉ là vấn đề thời gian”, Quang nói. Đánh dấu cho sự quay lại thị trường Việt Nam vào năm 2001 - sau 5 năm thành lập công ty ở Nga, Masan đầu tư khoảng 20 tỉ đồng xây dựng chuỗi 25 cửa hàng tiện nghi tại TP.HCM. Với thế mạnh am hiểu thị trường Nga thời chuyển đổi sang kinh tế thị trường, Masan đã tính toán rất chi li khi đưa mô hình cửa hàng tiện nghi vào hoạt động. Các bước chuẩn bị khá bài bản, chuyên nghiệp từ thiết lập quan hệ với các nhà cung cấp hàng, kể cả hàng tươi sống như rau sạch, thịt sạch đến đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng và đầu tư cho việc chuyển hàng hóa kịp thời bằng công nghệ tin học thông qua một phần mềm quản lý riêng biệt v.v... Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng của người Việt chưa thay đổi nhiều, doanh số không bù nổi chi phí... Chuỗi cửa hàng tiện nghi của Masan không thắng nổi các cửa tiệm tạp hóa và siêu thị. Thế là sau mấy tháng hoạt động Masan quyết định đóng cửa tất cả các cửa hàng. Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang thừa nhận đây là một thất bại nhưng “Chúng tôi dừng lại để tiếp nhận một cơ hội khác. Masan chưa bao giờ tuyên bố ngưng hẳn. Thời điểm đó người tiêu dùng chưa chấp nhận trả tiền cho sự tiện ích. Nhưng tôi tin là không lâu nữa thị trường phân phối bán lẻ của Việt Nam sẽ bùng nổ và cơ hội sẽ laị xuất hiện cho những người biết kiên trì”.

Ngoài thực phẩm và hàng hải, Masan Group còn đầu tư vào thị trường vốn và khai thác khoáng sản. Triết lý của Masan là dồn 80% tinh lực vào 20% ngành mũi nhọn để 20% ngành mũi nhọn sẽ quyết định 90% kết quả kinh doanh. Lãnh đạo Masan không giấu tham vọng: Những lĩnh vực trên cũng chỉ là phần nền để tập đoàn này tiếp tục khai phá vào những lĩnh vực mới chưa ai làm.
Năm 2002 thị trường thực phẩm tiêu dùng trong nước xuất hiện một nhãn hàng được quảng cáo rầm rộ và ấn tượng: nước tương Chinsu. Nhắm đến phân khúc cao cấp, lại thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn, nên chai nước tương Chinsu được chăm chút kỹ từ chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đến từng thước phim quảng cáo. Phó tổng giám đốc Masan Group Trương Công Thắng tự tin: “Chúng tôi khẳng định công nghệ đang sử dụng để sản xuất ra những chai nước tương, nước mắm Chinsu là rất hiện đại, theo tiêu chuẩn châu u, có khả năng kiểm soát hàm lượng 3-MCPD”.  Nhưng sự đen đủi dường như cứ đeo đẳng Masan. Tại Bỉ, một mẫu thử nước tương giả nhãn hiệu Chinsu bị coi là vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Tin xấu bay về Việt Nam, lập tức những người tiêu dùng nhạy cảm tỏ ra nghi ngờ Chinsu. Doanh số giảm, hàng hóa không bán được, hệ thống phân phối như bị tê liệt. Nhưng niềm tin của những người coi trọng chữ tín, làm ăn đàng hoàng đã được đền đáp: kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Y tế, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM đều chứng minh không phát hiện thấy 3-MCPD trong các sản phẩm Chinsu. Nước tương Chinsu được minh oan, người tiêu dùng, sau lần thử thách đó, đã không quay lưng lại với thứ nước tương họ đã yêu mến.

Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang chân thành: “Lúc xảy ra sự cố chúng tôi đã nghĩ đến giải pháp thu hồi toàn bộ sản phẩm, đền bù người bị thiệt hại nếu chúng tôi sai. Nhưng niềm tin sắt đá vào việc làm đúng của mình mách bảo chúng tôi không được chùn bước. Chúng tôi đúng và xã hội đã thừa nhận. Rõ ràng nếu cứ sợ tai nạn thì chừng nào bạn mới dám lái xe ra đường?”.

Trả lời câu hỏi Masan đã thành công đến đâu, Nguyễn Đăng Quang cười nửa đùa nửa thật: “Năm 1996 lúc thành lập Tập đoàn Masan Group, chúng tôi chỉ có một triệu phú (USD), bây giờ đã vài người là triệu phú rồi”.

T.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.