Cần cơ chế để người dân giám sát Đảng

03/06/2013 18:00 GMT+7

(TNO) Tại phiên thảo luận góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 diễn ra chiều nay 3.6, Đại biểu Quốc hội (ĐB) Lê Văn Lai (Quảng Nam) nói việc đề cao vai trò của Đảng là điều cần thiết...

Tuy nhiên, theo ĐB Lai, cần phải có cơ chế cho nhân dân giám sát Đảng và cần có tổ chức thay mặt nhân dân để vận hành cơ chế giám sát này.

“Chúng ta cần phải quy định Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật. Nếu không có hiến định cụ thể về nội dung này thì có thể xảy ra tình trạng lạm quyền, can thiệp sâu và có thể làm ảnh hưởng đến sự đồng bộ của hệ thống chính trị trong quá trình lãnh đạo đất nước”, ông Lai nói.


Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) phát biểu chiều 3.6 - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ông Lai, việc đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là vì chế độ nào cũng cần một đảng lãnh đạo. Trong khi đó, Đảng CSVN lại là một đảng công khai và có đầy đủ uy tín, bản lĩnh để có thể nêu công khai trong Hiến pháp.

“Cho nên chúng ta không ngại ngần gì khi nêu công khai sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp”, ông Lai bổ sung.

Ngoài ra, ĐB Lai cho biết thêm điều 9 của Dự thảo Hiến pháp có tăng thêm một số chức năng, vai trò của Mặt trận tổ quốc là tổ chức đại diện nhân dân để giám sát, phản biện xã hội. Tuy nhiên, Hiến pháp cần phải coi mặt trận là một bộ phận của hệ thống chính trị.

Ông Lai nói: “Không có lý do gì để chúng ta thực hiện một bước lùi là không ghi Mặt trận tổ quốc là một bộ phận của hệ thống chính trị trong Hiến pháp. Có thể chúng ta giảm đi chức năng nhiệm vụ nhưng phải tăng vị trí của mặt trận. Chưa kể, phải có vị trí thì mặt trận mới tăng được chức năng, nhiệm vụ của mình”.

Về vị trí của các thành phần kinh tế trong Hiến pháp (Điều 54), ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhất trí với phương án 3, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

Theo ĐB Lịch, một vấn đề quan trọng là Quốc hội quy định về quyết toán ngân sách Trung ương. Đây là vấn đề rất quan trọng mà Ban soạn thảo Hiến pháp cần chú ý.

“Cái gì thuộc về ngân sách quốc gia thì một đồng Quốc hội cũng phải dự toán, phải giám sát và phải quyết toán. Còn cái gì thuộc về địa phương dù có một trăm hay một đồng thì đều do Hội đồng nhân nhân ở địa phương quyết định. Điều này nhằm phần nào tăng sự tự chủ của chính quyền địa phương", ông Lịch nói.

Về tổ chức chính quyền địa phương, ĐB Lịch cho rằng Dự thảo Hiến pháp lần này cần có khâu đột phá và thể hiện những nguyên tắc của chính quyền địa phương.

ĐB Lịch nói: “Chính quyền địa phương cần bốn cấp như hiện nay hay chỉ cần hai cấp cũng là điều cần phải tính. Trong điều kiện nước ta hiện nay, tôi nghĩ rằng chính quyền địa phương nên tổ chức hai cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Điều quan trọng là Hội đồng nhân dân cần có đầy đủ quyền hạn và phương tiện để thực hiện quyền của người dân ở cấp đó”.

Ngày mai (4.6), Quốc hội tiếp tục thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Đình Quân

>> Hiến pháp không cho phép chúng ta phiêu lưu
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Đề xuất giữ nguyên tên nước trong Hiến pháp sửa đổi
>> Trình Quốc hội phương án về tên nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Trên 900.000 lượt ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Nhận được 44 triệu ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.