'Gọi' cá, tôm về sông nước miền Tây

30/04/2023 09:15 GMT+7

Sinh ra và lớn lên ở vùng Ngã Sáu (Hậu Giang), tôi còn nhớ rất rõ hồi tôi còn nhỏ (vào những năm 1980) cá tôm nhiều lắm, nhà nào cũng có thể tự ra đồng bắt về ăn, không phải ra chợ mua như bây giờ.

Lộc trời sẵn có

Lúc đó xóm tôi canh tác hai vụ lúa, một vụ lúa mùa dài ngày trong mùa nước từ khoảng tháng bảy cho đến tháng chạp hoặc ra giêng thì gặt. Trên đồng lúa có rất nhiều chim cò, dưới mương thì nhiều rùa, rắn, ốc, cá đồng, tôm càng xanh; còn dưới sông thì cá mè vinh, cá dảnh, cá mè hôi, cá cóc... dập dìu.

'Gọi' cá, tôm về sông nước miền Tây - Ảnh 1.

ThS Nguyễn Hữu Thiện đi khảo sát ở khu vực cồn Ấu, TP.Cần Thơ

Đình Tuyển

Hồi xưa đi học, tôi phải băng ngang một cánh đồng, thường là đi men theo một bờ ruộng trồng nhiều xoài. Vào khoảng tháng 10 âm lịch, khi tiết trời lạnh lạnh, sáng sớm có sương mù, tôm càng xanh nổi lên nằm sát mé bờ, chỉ việc thò tay bắt. Đem theo cái hộp quẹt, gom một đống cỏ khô, nướng con tôm càng xanh vừa bắt lên là có một bữa sáng ngon lành. Hồi đó đi trong mương vườn người ta, bắt tôm nướng ăn vậy mà chẳng ai rầy la gì hết, vì tôm càng xanh rẻ rề, ăn vài con có nhiêu đâu.

Đến khi gần tết, nước trong mương còn ít. Cá lóc muốn vượt khỏi cái mương đó đi tìm mương khác nhiều nước hơn, vậy là ban đêm chúng lựa chỗ nào thấp thấp, ẩm ẩm như là mấy cái đập thấp ở đầu mương mà vượt qua. Vậy là người ta khoét một cái hố giữa đập, lấy cái hủ sành đặt xuống, rồi lấy sình non bồi lên, vuốt vuốt thành cái đường cho láng dẫn dụ cá lóc. Ban đêm chúng thấy đường thoát quá ngon lành, trèo lên vượt qua bị rơi vô cái hũ. Sáng ra có khi nửa hũ cá lóc nằm xếp lớp trong đó.

Rau ngày xưa cũng ít khi phải trồng vì ngoài đồng nhiều thứ rau để ăn lắm. Nào là rau dệu, rau trai, nhãn lồng, bông súng, rau đắng, càng cua, rau nhút. Nấu canh chua cơm mẻ với cá lóc, bỏ vô nắm rau muống đồng cọng đỏ thì ngon thôi rồi luôn. Nhà trồng thêm vài loại rau thơm, dây bầu, dây bí cho thêm phần phong phú. Hằng ngày, chỉ cần cầm cái rổ ra vườn, ra ruộng hái một chút là có đủ ăn, nhanh hơn đi siêu thị ngày nay nữa.

Chung tay phục hồi môi trường cho cá, tôm

Thủy sản nước ngọt ĐBSCL có thể chia thành hai loại: cá trắng và cá đen. Sự khác biệt giữa hai nhóm này là cá trắng gồm các loài chủ yếu có màu trắng như cá linh, cá mè vinh, cá rằm, cá hô, cá ba sa... Cá đen gồm các loài chủ yếu có màu đen như cá lóc, cá trê, cá rô... Cá trắng sống ở môi trường sông, nước chảy, cần nhiều ô xy hòa tan trong nước để thở; ngược lại, các loài cá đen sống chủ yếu ở môi trường ruộng đồng, nước tĩnh, thở bằng cách trồi lên mặt nước, còn gọi là "lên ngớp". Các loài cá trắng hằng năm phải di cư ngược dòng Mê Kông lên Campuchia hoặc miền nam, trung Lào để sinh sản, sau đó trứng cá, cá con trôi theo dòng nước lũ đầu mùa về ĐBSCL gặp hệ thống sông ngòi và đồng ruộng ngập nước, mương vườn thì lan tỏa lên tìm thức ăn, lớn lên.

'Gọi' cá, tôm về sông nước miền Tây - Ảnh 2.

ThS Nguyễn Hữu Thiện trò chuyện với ngư dân Cần Thơ về nghề đánh bắt trên sông Hậu

Đình Tuyển

Với nhóm cá trắng, nguyên nhân lớn nhất của sự suy giảm trong mấy năm nay là do tình hình lũ thấp trong lưu vực Mê Kông. Năm nào lũ lớn thì cá nhiều và ngược lại năm nào lũ thấp thì cá ít, vì lũ lớn thì cá có nhiều môi trường và thức ăn hơn để sinh sản. Những năm gần đây lưu vực Mê Kông liên tục bị hạn gay gắt, với mực nước thấp như thế, cá chỉ ở trong lòng sông, không có những vùng đất ngập nước để tìm mồi nên sinh sản ít. Dù sau đó có lũ muộn thì lượng trứng cá, cá con trôi về theo dòng nước Mê Kông cũng ít vì cá đã không sinh sản được vào đầu mùa nước. Hồ Tonle Sap ở Campuchia là nơi sinh sản quan trọng của thủy sản đầu mùa nước nhưng những năm gần đây, mực nước Mê Kông mùa lũ quá thấp không chảy đủ vào Tonle Sap nên lượng cá sinh sản thấp. Một năm hạn ở lưu vực Mê Kông sẽ kéo theo sự suy giảm cá trắng trong vài năm tiếp theo dù có lũ cao trở lại bởi vì đàn cá chưa kịp phục hồi.

Nguyên nhân thứ hai của sự suy giảm cá trắng trong mấy chục năm nay ở ĐBSCL là do hệ thống đê bao khép kín để canh tác lúa ba vụ ở vùng đầu nguồn và sau đó là hệ thống đê bao khép kín ở vùng cây trái miệt vườn vùng giữa đồng bằng. Đó là vì dù lượng trứng cá và cá con có trôi về nhiều theo dòng nước Mê Kông đến ĐBSCL thì tại đây cũng không còn nhiều môi trường đồng ruộng ngập nước để trứng cá, cá con lan tỏa lên để nảy nở. Ở miệt vườn cũng vậy, cá con trôi về chỉ ở trong lòng sông, không đủ thức ăn nên cũng không phát triển được.

Hệ sinh thái của một dòng sông, xét theo chiều dọc thì có phía thượng lưu, trung lưu, và hạ lưu, cần phải được liên thông để kết nối sinh thái, nhưng ngày nay đường di cư của cá dọc sông Mê Kông đã bị nhiều đập thủy điện chắn ngang cản trở đường di cư sinh sản của cá. Theo chiều ngang thì hệ sinh thái sông ngòi có 3 hợp phần, lòng sông, bờ sông và cánh đồng ngập nước hai bên (vườn, ruộng). Đê bao khép kín dọc hai bên bờ làm cho gần như toàn bộ sông ngòi ĐSBCL không còn chức năng sinh thái sông ngòi nữa. Nguyên nhân chính của tình trạng này là bắt nguồn từ nền nông nghiệp thâm canh, chạy theo sản lượng, lấy sản lượng làm thành tích trong một thời gian dài vừa qua. Đối với cá đen như cá lóc, cá trê, cá rô là các loài không di cư, sống ở môi trường nước tĩnh ở đồng ruộng và các kênh mương nội đồng thì nguyên nhân lớn nhất của sự suy giảm là do thiếu môi trường sống. Trong các ô đê bao khép kín canh tác quanh năm thì gần như không còn cá vì ở đó có ít nước, không có thức ăn và môi trường nước bị ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu. Các kênh rạch bị các công trình ngăn mặn và chống lũ ngăn lại, chảy yếu hoặc chảy lờ đờ thì lục bình bùng phát, che kín mặt nước nên bên dưới không thể có cá được.

Vậy bây giờ phải làm sao để phục hồi tôm cá? Trong các nguyên nhân nêu trên, đánh bắt quá mức có lẽ là nguyên nhân ít quan trọng nhất nhưng lại được "đổ thừa" nhiều nhất. Giải quyết vấn đề đánh bắt quá mức, trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm bằng cách lập các khu bảo tồn cá, thành lập các tổ chức cộng đồng khai thác cá theo hương ước. Còn lại là tình hình biến đổi khí hậu và thủy điện ở phía thượng nguồn và những vấn đề nội tại ở ĐBSCL, tựu trung bắt nguồn từ nền nông nghiệp thâm canh. Thâm canh nông nghiệp như vừa qua, chúng ta được rất nhiều lúa gạo nhưng giá trị thấp, đồng thời cũng mất rất nhiều giá trị thiên nhiên.

Xem ra việc phục hồi thủy sản của vùng đất "trên cơm dưới cá" như ngày xưa là không thể. Nhưng, với Quy hoạch tích hợp tổng thể lần này theo Nghị quyết 120 của Chính phủ, trong đó có việc chuyển hướng nền nông nghiệp sang hướng giảm thâm canh, tăng chất lượng, ít sử dụng phân thuốc, giảm đê bao khép kín thì có hy vọng môi trường cho cá tôm sẽ được phục hồi. Tương lai sự phát triển thủy điện Mê Kông cũng có thể sẽ thoái trào, không cạnh tranh được với nguồn năng lượng mới như điện mặt trời, điện gió. Dù là khó, nhưng vẫn nên hy vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.