Giọng Sài Gòn

31/08/2023 15:00 GMT+7

Đến Sài Gòn, thằng người Hà Nội là tui chỉ muốn hòa nhập và không bị "xạo ke" khi nói chuyện với đám trẻ nơi đây thôi. Có điều tui chỉ học được mấy "tiếng Sài Gòn" cơ bản nên lắm lúc "quê độ".

Dĩ nhiên, tui chả biết hết giọng Sài Gòn, chỉ cố gắng tỏ ra mình là một đứa biết điều khi lăng xăng quanh ba dãy phố hồi ở Sài Gòn đó thôi. Mà cũng lắm chuyện xảy ra với tui ghê.

Giọng Sài Gòn - Ảnh 1.

Sông Sài Gòn

Ngọc Dương

Khiếp, hồi đó sợ nhất ông nào chỉ mặt tui mà dõng dạc tuyên bố: "Đừng tưởng dân Hà Nội là ngon à nghen". Trời ơi, chính xác là có đứa con gái tóc tết một bím to thiệt là to, cứ nhìn chằm chằm vô mặt đứa con trai lạ nước lạ cái mà thét lên câu đó. Nhỏ theo má bán bánh mì ở cái xe bự chà bá lửa. Thôi, cũng chẳng cần biết nhỏ tinh vi cỡ nào. Chỉ nhớ là nhỏ khá xinh. Đến mức tui bỏ qua cho điệu bộ ăn nói "dô diên" khắc sâu vào tâm trí non nớt đang choáng ngợp trước "sắc đẹp" của nhỏ Sài Gòn.

Cái môi cong cong của nhỏ có lẽ nổi tiếng khắp con phố. Đến mức má nhỏ còn phải mắng liên hồi vì nhỏ điệu đà quá. Kệ, tui lại mê cái điệu đó mới chết. Đến mức tiếng từ chối "hônggg" của nhỏ ám ảnh tui trong suốt mấy giấc mơ liên tục. Kể đến đó chắc bạn cũng biết tui ghê gớm cỡ nào rồi. Cái mặt tui chắc cần gương soi mới biểu hiện hết sự buồn cười và ngờ nghệch. Trẻ con đi đâu cũng lạ lẫm, săm soi. Và ra sao nếu nhớ một bạn gái?

Rồi đứa trẻ đó lang thang quanh xe bánh mì. Trốn cả người lớn lẻn đi mua bánh mì. Chả sợ ai bắt lại. Chỉ nghĩ về bạn gái mà thôi. Bé mà. Chỉ thích chơi, thích gặp lại bạn gái đanh đá ấy. Đến bây giờ, tui vẫn không hiểu nổi chính mình. Nhưng chả sao. Vì đó là kỷ niệm.

Từ vụ đó mà tôi học được khối giọng Sài Gòn. May lúc đó còn là trẻ con chứ lớn lên chắc cũng khá ngượng mồm. Được cái hồi giờ tra thư viện mấy quyển sách nói người Sài Gòn có duyên ngầm trong câu nói. Nhất là con gái. Chẳng hiểu sao nhìn bạn nào cũng như công chúa mỗi tiếng phát ra từ cánh môi dễ thương ấy. Thật đấy! Tự nhiên lại thấy mên mến là lạ khi gặp một cô gái Sài Gòn.

Nhất là cái lúc cô bạn nhỏ thó hai tay đưa ổ bánh mì to bự cho tui, rồi mắt ngước lên nhìn thẳng, dõng dạc khi tui cắn miếng đầu tiên: "Ngon hông?", hết muốn quên luôn!

Sau này mới biết, con gái Sài Gòn là phải thế và luôn như thế. "Mấy nhỏ Sài Gòn có khi còn danh giá hơn con gái chỗ tui nhiều", lúc đó tui nghĩ vậy đấy. Nói câu nào cũng ngọt như mía lùi. Vậy mà cứ thích bắt lỗi suốt. Vì nhỏ biết tui đang cố bắt chước giọng dân Sài Gòn cho đỡ quê.

Tui biết giọng Sài Gòn là giọng "chuẩn miền Nam". Bà nội tui, người từng hoạt động cách mạng ở Sài Gòn nói vậy: "Nếu coi giọng Hà Nội là tiêu chuẩn của miền Bắc thì giọng chuẩn của miền Nam nhất định là Sài Gòn". Kể cả khi Sài Gòn là nơi chung sống của dân tứ xứ, trong đó có khá nhiều người gốc Bắc.

Hồi tui lang thang ở đường Lê Quang Sung quận 6 ấy, chỗ chợ trầu cau trông thiệt lạ với thằng bé thỉnh thoảng đến Sài Gòn, nhưng điều lạ hơn là sự cố gắng hòa nhập của những người Bắc như tôi vào cuộc sống sôi động nơi đây. Vui hết biết! Vì biết có những người Bắc hòa vào cuộc sống Sài Gòn. Trong lòng thấy trào lên cảm giác gì là lạ, thương thương. Bà má bán giải khát bên đường, cứ một hai mời vô ngồi khi thấy tui ngó nghiêng ngơ ngác. Lạ cái, bà lại nói sang giọng Bắc dù rõ ràng là người Nam: "Vào đây con. Vào đây cháu" làm thằng bé cứ tủm tỉm cười hoài không thôi. Bởi bà nghĩ đến cảm xúc của khách hàng, bà cố tình đổi giọng để cậu bé khách đỡ ngại.

Muốn biết "nhái" giọng Sài Gòn khó đến cỡ nào chắc phải ghé con phố bên đường vòng xoay Lăng Cha Cả và công viên Hoàng Văn Thụ ở quận Tân Bình. Thích gì ở Bắc thì có nấy. Dân Hà Nội nhiều ghê, ai nấy cười nói, trò chuyện vui vẻ bằng giọng Sài Gòn "lơ lớ". Tên phố cũng là tên các địa danh ngoài Bắc như Ba Vì, Long Biên, Đồ Sơn. Họ làm ăn, buôn bán bằng chính cái nghề đem từ Bắc vô như bán hàng, kinh doanh, cắt tóc, gội đầu… Và ở đây, bạn nói bằng giọng gì cũng… kệ, quan tâm làm chi. Thuận mua vừa bán là xong thôi. Một điều lạ nữa là ở đây dù bạn có luyện thành cao thủ giọng Sài Gòn thì cũng sẽ bị nhận ra ngay. Vậy nên tốt nhất cứ giọng quê ta mà nói. Chẳng sao đâu.

Giọng Sài Gòn còn để lại ấn tượng với tui không chỉ trong lúc vui. Bị giận thì cũng ngút trời đó nha. Hồi tui trót dại đi muộn buổi hẹn hò với cô bạn, trễ có chút mà mặt cũng xịu ra rồi cổ nở nụ cười thiên thần, thốt lên nhè nhẹ "dzui dữ hen". Tui nhớ đi nhậu nhẹt các ông cũng hay dùng câu này trong lúc "dzô" bia, vậy mà ở tình cảnh này lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Kết quả là cổ cứ nằng nặc đòi về trong khi tui đã chuẩn bị đủ đường từ đặt tiệm ăn cho tới xem phim. Khổ thế đấy, rủ ăn gì uống gì cũng "anh hông biết gì hết 'chơn' hết 'chọi'!". Trời ơi tui hông phải thổ địa như cô nha! Cáu rồi. Đến nỗi cổ còn cái gì cũng nhại "vâng, vâng" như muốn trêu tức tui vậy. Biết thừa người Sài Gòn chẳng bao giờ xài từ "vâng" như dân miền Bắc. Vui buồn hờn dỗi cũng chỉ "dạ", tùy theo nét mặt mà đoán.

Sài Gòn mà. Vô nhiều lần đến mức chả nhớ nổi bao nhiêu. Nhớ nhất là cái giọng cứ trầm trầm bổng bổng như hát, như ca. Không quá cao cũng chẳng quá thấp, không quá thanh cũng chẳng quá đậm. Giọng Sài Gòn dù nói to hay bé cũng nhè nhẹ du dương thế thôi, cứ dịu dàng đi vào lòng người lúc nào không biết. Kể cả mấy câu mời chào hàng ngày cũng đã thế rồi. Đi uống cà phê vỉa hè, cơm tấm ven đường hay dù chỉ gặp nhau giữa người xa lạ, kiểu gì cũng sẽ nhận được câu chào với theo "dzậy anh dìa hen". Như một món tráng miệng ngọt ngào của tình cảm ấy nhỉ.

Vậy nên nếu có bài viết mà thằng Hà Nội là tui nói lơ lớ giọng Sài Gòn thì cũng đừng giận tui hen. Còn có bài tui nói bằng giọng Hà Nội thì cũng là những cảm giác rất thật về Sài Gòn của một gã người Bắc mà thôi…

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Giọng Sài Gòn - Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.