Trai tráng xếp hàng ăn cơm 2.000 đồng: Sinh viên và chủ quán cơm nói gì?

13/10/2017 19:42 GMT+7

Câu chuyện các bạn trẻ xếp hàng chờ ăn cơm 2.000 đồng đang tiếp tục gây nhiều tranh cãi trong xã hội.

Có 2 dạng “nghèo” khác nhau

Sau khi bài viết của chủ tài khoản Facebook Vũ Tuấn Anh, đã có rất nhiều sinh viên nêu lên ý kiến của mình. Sinh viên P.H đã gửi mail cho anh Tuấn Anh và phân tích về quan điểm của mình.

Trong mail H. viết: “Có hai dạng nghèo tới quán thầy ạ. Dạng nghèo thứ nhất thật sự là nghèo. Tuy nhiên em cảm thấy rất phẫn uất khi mọi người nói sinh viên nghèo thì được quyền ăn cơm 2.000. Bố mẹ em có dạy 'Nghèo tiền bạc nhưng đừng nghèo tư cách'. Sinh viên nghèo tự trọng như em suy nghĩ lắm chứ không phải lạm dụng cơm nghèo từ thiện. Em luôn tâm niệm mình không thể ăn không của ai cái gì nếu mình không đáp trả. Dạng nghèo thứ hai thầy nói rất đúng đó là nghèo tư cách. Em có 3 người bạn cùng trường cũng ăn cơm ở đó. Họ đều là những sinh viên khá về kinh tế nhưng lại thường xuyên đi ăn. Em bị họ gọi là ngu, nghèo mà còn bầy đặt chảnh không ăn cơm từ thiện.

Bạn nữ em quen thì nhà ở Đồng Nai, bạn đấy ăn cơm từ thiện để dành tiền mua quần áo. Bạn ấy nói với em  ngu gì mà không ăn, tiết kiệm được nhiều tiền. Em nghĩ rằng quần áo mặc cũng rách nhưng quan trọng làm thế nào tư cách của mình không rách thầy nhỉ.

Bạn nam thứ hai thì mê chơi game, Vì vậy bao nhiêu tiền chơi game hết tới tận nợ học phí vì vậy đương nhiên là phải ăn cơm từ thiện quanh năm suốt tháng.

Bạn nam thứ ba thì rất thực dụng nhà rất khá tuy nhiên cái gì lợi cho mình, lợi cho tiền bạc mình là làm bất kể nó là cái gì…”.

Với nhiều luồng ý kiến tranh luận về vấn đề này, anh Tuấn Anh cũng thẳng thắn cho rằng: “Tôi không phản đối sinh viên nghèo vào ăn cơm mà tôi chỉ phản đối sinh viên không nghèo mà vào ăn cơm từ thiện”.

Mong mọi người nhìn đa chiều hơn
Nhìn nhận về câu chuyện nhiều bạn trẻ xếp hàng ăn cơm từ thiện, nhiều sinh viên cho rằng tùy hoàn cảnh của mỗi người và mong mọi người có cái nhìn đa chiều hơn.
“Nếu ai từng là sinh viên thì chắc thừa biết được sinh viên nghèo khổ thế nào. Cha mẹ làm chắt chiu từng đồng ở ngoài quê gửi vào, thậm chí những mùa mưa bão nghĩ đến cha mẹ ở nhà mà đau lòng. Mình cũng thường tìm đến quán cơm từ thiện để ăn, mình ăn và mình biết ơn rất nhiều. Mình nghĩ nếu ai đã từng là sinh viên và gia đình khó khăn sẽ hiểu rõ được vấn đề này hơn”, Nguyễn Thị Vân Anh (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM).
Đồng cảm với các bạn sinh viên khó khăn, bạn Trương Thu Thủy (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) chia sẻ: “Mình chỉ mong mọi người có cái nhìn đa chiều hơn. Ai cũng có lúc này lúc kia, nhìn bề ngoài làm sao có thể chắc chắn được rằng họ khó khăn hay không. Tụi mình dù có đi làm thêm cũng đâu có nhiều tiền, nên nhiều lúc cũng thiếu trước hụt sau. Ăn được bữa ăn tình thương nào thì đỡ bớt gánh nặng cho gia đình. Miễn sao mình sống tốt, không phủi ơn những người đã giúp đỡ mình là được mà. Ai trách móc chi sinh viên nghèo”.
Bạn Đặng Văn Phúc (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) chia sẻ: “Sinh viên cũng có lúc khó khăn nhưng nhìn thấy hình ảnh cả hội cùng kéo đến thế kia thì thật sự cũng nên cân nhắc. Chẳng lẽ rủ nhau cùng đói hết một lúc. Mình nhiều khi đến tháng trong túi không còn đồng phải đi vay mượn bạn bè tứ phương, chứ thật sự chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ đi ăn cơm 2.000 đồng. Bởi vì mình nghĩ mình là nam nhi nên có lòng tự trọng. Thế thôi. Còn lại thì mình nghĩ tùy người và cũng tùy hoàn cảnh nữa, chứ không nên nhìn phiến diện”.

Nếu có điều kiện, họ đã ngồi những quán cơm có máy lạnh

Liên hệ với chủ các quán cơm 2.000 đồng, đa phần họ đều phản đối ý kiến chỉ trích sinh viên.

Ông Nam Đồng, chủ quán cơm Nụ Cười 1 (số 6, Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM), bức xúc bày tỏ: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến chỉ trích sinh viên. Tôi mở chuỗi các quán cơm Nụ Cười được 5 năm rồi, tôi chưa thấy sinh viên nào có thu nhập cao mà đến ăn cơm của quán tôi cả. Dù chưa có một điều tra nào nhưng nhìn vào áo quần người ta mặc, đôi giày người ta mang, xe người ta đi,… thì tôi biết được họ sinh ra trong những gia đình có thu nhập không cao. Mình nói họ là những người đi giành phần cơm của người có thu nhập thấp, nói như vậy là xúc phạm đến họ”.

Ông Đồng cũng nói thêm: “Nếu có cũng chỉ là một phần nào đó có thu nhập khá nhưng tỷ lệ đó rất là nhỏ, mà bất cứ hoạt động hay tổ chức nào cũng có một phần trăm sai sót nào đó, không thể nào tuyệt đối hết được. Đừng nên quơ đũa cả nắm mà làm tổn thương đến những sinh viên nghèo”.

Còn với ý kiến nói sinh viên sức dài vai rộng sao không đi làm thêm, ông Đồng cũng phân tích: “Mỗi tháng họ được gia đình gởi cho ít tiền, đủ để đóng tiền nhà, mua một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Họ dù có làm thì cũng chỉ là làm thêm, công việc không mang lại số tiền dư giả, chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Nhưng họ còn phải lo chuyện học, việc ăn ở các quán cơm 2.000 đồng chỉ đỡ cho họ khỏi gặp khó khăn, đỡ cho họ tiền cơm trưa là rất đỡ cho gia đình họ ở quê nhà rồi”.

Ông Đồng thẳng thắn bảo vệ quan điểm của mình: “Họ đến ăn thì có gì đâu mà nói là mất phần của người khác. Tôi là người chịu trách nhiệm tổ chức những quán ăn này, tôi chưa thấy thiếu phần cơm nào cả. Mỗi quán tùy theo vị trí người ăn mà chúng tôi sẽ tổ chức nấu cho phù hợp. Nếu ngày nào đó có vài người đến trễ thì chúng tôi cũng có phần dự trữ. Chính vì thế mà chưa bao giờ có trường hợp vì sinh viên ăn như thế mà mất phần của người lao động nghèo. Nói như thế là phỏng đoán”.

Ông Đồng cũng gửi gắm: “Trước đây chúng tôi cũng ăn cơm từ thiện, từ những năm 1975 và sau này chúng tôi thành đạt, chúng tôi lại quay lại giúp cộng đồng, lại càng đáng quý hơn. Và tôi cũng muốn nhắn nhủ là tại sao chúng tôi lại lấy 2.000 đồng mà không cho ăn miễn phí hoàn toàn, bởi vì chúng tôi không muốn người vào ăn cảm thấy mặc cảm. Để họ là người khách, họ vào họ mua và chúng tôi là người phục vụ họ. Vì thế họ là khách đến ăn và họ vẫn bỏ ra tiền đấy thôi, không phải đi ăn của bố thí”.

Cũng đồng quan điểm với ông Đồng, anh Trần Thanh Long (chủ quán cơm chay tình thương 78 đường D1 khu Him Lam, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM), bày tỏ: “Đừng nhìn bề ngoài mà vội đánh giá cuộc sống của họ. Ai cũng biết sinh viên là không có điều kiện. Mọi người nên hiểu và thông cảm cho nhau. Người ta đến ăn để sau này người ta ươm mầm làm việc tốt, hướng đến những việc tốt đẹp hơn. Tôi trước đây cũng vậy. Ở quán của tôi, sinh viên đến ăn rất nhiều và tôi thấy vui vì điều đó”.

Còn anh Nguyễn Quang, chuyên tổ chức các bữa cơm 2.000 đồng tại TP.Huế thì nêu rõ quan điểm: “Sinh viên không phải tuổi để làm thêm, sinh viên thời gian học là chính. Đến ăn cơm 2.000 đồng có thể người ta có những khó khăn không nói được, có thể bề ngoài như vậy nhưng chưa chắc đã không khó khăn. Ngay cả bản thân, nếu tôi có hoàn cảnh thì tôi cũng sẽ tìm đến những quán cơm từ thiện để đỡ bớt nhọc nhằn cho gia đình. Còn bản thân tôi khi tổ chức những bữa cơm như thế này cũng không bao giờ phân biệt đối tượng đến ăn, mình giúp đỡ người ta thì mình vui, mình đâu cần phải suy nghĩ là phần cơm đó phải đến đúng người. Vì mình đâu có thước đo nào để xác định được”.

Anh Quang cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Bản thân người đi ăn chưa chắc họ đã muốn vậy, nếu họ có điều kiện, họ có tiền bạc họ đã đi ngồi quán ăn có máy lạnh, ăn phần cơm đầy đủ hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.