Vượt qua trở ngại giai đoạn chuyển cấp

26/08/2011 17:02 GMT+7

Theo các chuyên gia giáo dục, giai đoạn chuyển cấp (lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên lớp 10) là thời điểm học sinh (HS) gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý, phương pháp cũng như chương trình học tập.

Giúp HS thích nghi môi trường mới

Theo bà Hoàng Thị Diễm Trang - Phó hiệu trưởng trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), những HS lớp 6 và lớp 10 thường có thành tích học tập không cao ở học kỳ 1, có em kéo dài tình trạng này đến hết học kỳ 2. Nguyên nhân là đầu mỗi cấp học, HS có những thay đổi tâm lý rất lớn. Đồng thời, phương pháp dạy và học cũng thay đổi phụ thuộc vào nội dung từng cấp nên các em không kịp thích nghi trong giai đoạn đầu.

Nói về vấn đề này, ông Trần Tấn Tài - Phó phòng GD Q.5 (TP.HCM), cho biết: “Ở bậc tiểu học, một giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều môn (toán, văn…). Các em quen với việc này trong 5 năm liên tiếp. Khi bắt đầu vào cấp 2 (lớp 6), HS thường phải học nhiều thầy cô giáo khác nhau (mỗi giáo viên thường phụ trách một môn). Đó là chưa kể đến việc mỗi giáo viên có tâm tính riêng và phương pháp truyền đạt cũng khác nhau. Do vậy, HS trong giai đoạn đầu có thể không kịp bắt nhịp ở một số môn”.

Ông Tài giải thích thêm: “Chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng HS lớp 6 thích một vài thầy cô này và chán thầy cô khác. Khi thích thầy cô giáo dạy môn nào, các em học rất tốt môn đó. Ngược lại, nếu chán học, các em sẽ lơ là, bỏ học và mất căn bản về sau”. Trước thực tế này, ông tài khuyên: “Giáo viên cần mềm mỏng, không đặt nặng các môn học trong giai đoạn đầu, để các em cảm thấy mến giáo viên, yêu môn học. Ngoài ra,  phụ huynh cần chia sẻ xem con mình không thích học những môn nào, yếu môn nào để bồi dưỡng thêm, giúp các em lấy lại căn bản và yêu thích môn học đó”.

Dạy con tự lập 

Giai đoạn chuyển tiếp từ lớp 9 lên lớp 10 của HS khá phức tạp. Phần đông các em đều cho rằng mình là người lớn. Qua thực tiễn giảng dạy, bà Hoàng Thị Diễm Trang nhận định: “Sau kỳ thi tuyển sinh, hầu hết HS lớp 10 đều học ở trường mới, tiếp cận với bạn mới. Biểu hiện đầu tiên là ít chịu phát biểu vì các em sợ sai, sợ bạn bè cười. Phần nữa là do các em muốn khẳng định cái tôi, thường có thái độ chống đối với cả giáo viên và cha mẹ. Mặt khác, về phương pháp học tập, đối với lớp 9, thầy cô vẫn dò bài trong các kỳ thi. Trong khi lớp 10, kiến thức bắt đầu nặng dần và yêu cầu HS tự học nhiều hơn. Ở một vài môn học, HS cần có cách ghi bài sao cho dễ hiểu, dễ học, ghi ý hay…”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều trường THPT hiện nay, có nhiều HS lớp 10 có thành tích học tập giảm so với những năm học cấp 2. Điều này làm cho các em bị sốc, phụ huynh cũng bị sốc và đôi khi còn đổ lỗi cho nhà trường. Nhưng nhìn ở bình diện chung, đây là một hiện tượng bình thường. Trước thực trạng này, phụ huynh cần chấp nhận sự thật và chia sẻ, giúp các em vượt qua. Nếu phụ huynh tỏ thái độ xem thường, la mắng về việc học hành sa sút của các em, rất dễ gây tác dụng ngược.

 Bà Hoàng Thị Diễm Trang khuyên phụ huynh: “Trong giai đoạn hè lớp 9, phụ huynh nên dạy cho con sống tự lập và chủ động giải quyết một số vấn đề trong sinh hoạt hằng ngày: tự lo đồ mặc, ăn uống, dọn dẹp nhà cửa… Vì khi chủ động, tự lập trong sinh hoạt hằng ngày thì trong học tập, các em sẽ bộc lộ tố chất tự học mà không chờ ai nhắc nhở. Nếu càng cưng con, ăn dọn đến nơi, đồ mặc có người giặt… thì rất khó để các em thích nghi trong trường mới”.

Nên bố trí giáo viên có kinh nghiệm chủ nhiệm lớp Đầu cấp

Tâm lý các em trong giai đoạn này cũng thay đổi. Đối với con gái, có thể bắt đầu chu kỳ của một người phụ nữ, con trai cũng bắt đầu dậy thì. “Đầu trẻ thơ trong cơ thể người lớn” thường khá phức tạp. Hơn thế, hiện nay, hầu hết các trường học thường bố trí giáo viên mới ra trường chủ nhiệm hoặc giảng dạy lớp 6. Theo tôi việc này là sai lầm. Tốt nhất, nhà trường nên bố trí những giáo viên có kinh nghiệm chủ nhiệm và giảng dạy, hiểu rõ tâm sinh lý của lứa tuổi các em để có cách ứng xử và phương pháp dạy hiệu quả, giúp các em nhanh chóng thích nghi và không bị mất căn bản về sau.

Thạc sĩ LƯƠNG NGỌC TÀI- Nghiên cứu chính, Viện Nghiên cứu giáo dục trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.