Vô tư xài sách sao chép - Kỳ 2: Bất cập về xử lý sách lậu

22/08/2011 15:41 GMT+7

Trước những bất cập trong việc xử phạt sách - đĩa lậu, nhiều doanh nghiệp phải chọn con đường đi kiện như là một biện pháp cuối cùng!

>> Kỳ 1: Những chiêu “luộc” sách tinh vi

Cậy nhờ chốn công đường

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News), cho hay First News và Tập đoàn xuất bản Compass Media - Mỹ đang tiến hành thủ tục để khởi kiện những trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM đã và đang vi phạm bản quyền bộ sách - đĩa TOEIC và TOEFL iBT mà công ty này đang giữ bản quyền in và phát hành tại Việt Nam (theo hợp đồng chuyển giao bản quyền đã ký với Compass Media).

 
Các cơ quan chức năng bắt quả tang và sau đó xử phạt hành chính một cửa hàng tiêu thụ sách lậu tại Hà Nội - Ảnh: V.P

Trước câu hỏi: “First News từng phát hiện nhiều vụ in ấn, phát hành sách lậu. Vì sao lần này mới quyết định đi kiện?”, ông Phước giải thích: “Cách đây hai năm, các cơ quan chức năng đã bắt quả tang hệ thống trường Ngoại ngữ IWEP-Đông u tại TP.HCM đã đổi tên sách, in và photo bộ giáo trình TOEFL iBT và TOEIC bán cho học viên với giá cao gần gấp đôi sách thật. Lúc đó, chúng tôi đã định kiện IWEP-Đông u nhưng chủ trường năn nỉ, nói rằng họ chưa biết gì về Luật Bản quyền VN và Công ước Berne, nên chúng tôi đã bỏ qua, còn IWEP-Đông u chỉ bị phạt hành chính. Tuy nhiên, lần này sự vi phạm ở mức độ rộng hơn vì có rất nhiều trung tâm ngoại ngữ đã cố ý thực hiện thường xuyên để trục lợi bất chính”. Ông Phước nhấn mạnh: “Đây quả là giọt nước làm tràn ly nên không thể không kiện. Với việc in, bán sách - đĩa lậu chất lượng rất kém kèm theo logo của First News, họ đã vi phạm bản quyền, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và tổn hại uy tín, thương hiệu của công ty cũng như gây ngộ nhận, lừa dối học viên”.

TS Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) cho hay: “Trong lĩnh vực bản quyền tác giả, đã từng có những đơn vị, cá nhân đệ đơn kiện ra tòa án  hoặc gửi đơn đến những cơ quan có thẩm quyền giải quyết liên quan đến vấn đề bản quyền như: Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, Thanh tra văn hóa hoặc gửi bên Cục Bản quyền tác giả để giải quyết khiếu nại tố cáo…”. Đề cập đến sự kiện First News đang xúc tiến kiện những trung tâm ngoại ngữ vi phạm bản quyền, ông Vũ Mạnh Chu nói: “Nếu First News có đủ căn cứ pháp lý thì có quyền đưa ra tòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng, chúng tôi ủng hộ việc đó”.

Còn ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin - Truyền thông) thẳng thắn nhận định: “First News không phải là đơn vị đầu tiên đi kiện. Thời gian qua, đã có nhiều NXB đi kiện rồi nhưng kết quả không đến đâu, nên người ta đành bỏ cuộc nửa chừng. Chính vì thủ tục dây dưa, kéo dài, hiệu quả kinh tế nếu thắng kiện cũng không được cao đã khiến họ không còn mặn mà đi kiện”.

 
Quyển sách gốc Developing Skills for the TOEFL iBT (Intermediate) được Trung tâm ngoại ngữ Cali "xẻ" làm hai cuốn photo và bán với giá cao hơn 54% giá gốc - Ảnh: Như Lịch

Phạt vài chục triệu đồng, không hiệu quả

Trăn trở về vấn nạn sách lậu, sách photo trái phép ngang nhiên tồn tại mà chưa có cách ngăn chặn tận gốc, Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm phân tích: “Người ta làm sách lậu trước hết là vì lợi nhuận. Họ có được lợi nhuận cao do trốn thuế, quỵt tiền nhuận bút của tác giả, tiền quản lý phí của NXB. Mặt khác, người mua sách lại ham rẻ hoặc tiện đâu mua đấy. Cho đến nay, chúng ta chưa xây dựng được một xã hội có thói quen tự giác chấp hành luật pháp, quý trọng các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa tiêu dùng…”. Ông Kiểm nhìn nhận: “Chưa bao giờ chúng ta thực hiện việc tịch thu phương tiện để in lậu, ví dụ một cái máy in có giá hàng tỉ đồng. Tịch thu tang vật và rút giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn hoặc lâu dài thì mới làm người ta sợ, chùn tay. Theo tôi, cần sửa đổi luật để áp hành vi in sách lậu vào tội làm hàng giả, xử lý mới nghiêm được. Còn nếu chỉ phạt tối đa vài chục triệu đồng như lâu nay sẽ không có hiệu quả”.

Ngoài khía cạnh luật pháp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, xử lý lại không nghiêm, Cục trưởng Cục Xuất bản nhìn nhận sự bất cập, chồng chéo trong xử phạt hiện nay là: “Nhiều cơ quan, cá nhân cùng có quyền nhưng lại không chịu trách nhiệm gì, xử lý đúng hay sai không có người kiểm tra đủ thẩm quyền. Trong khi đó, có những cơ quan chuyên môn trực tiếp như Cục Bản quyền, Cục Xuất bản nắm rõ về luật pháp và thực tiễn trong lĩnh vực mình phụ trách lại không có chức năng thanh tra và xử phạt”.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành - nguyên cán bộ pháp chế Công an TP.HCM - cho rằng ông khá ngạc nhiên khi những cơ quan chủ quản không hề lên tiếng hay có động thái gì đáng kể sau khi “con” hoặc “cháu” của họ (ý nói các trung tâm ngoại ngữ vi phạm bản quyền) liên tục bị nêu tên trên những phương tiện truyền thông đại chúng gần đây. “Ít ra thanh tra chuyên ngành phải vào cuộc tiến hành kiểm tra, xác minh và có những chấn chỉnh kịp thời. Trung tâm ngoại ngữ cũng là một đơn vị làm về giáo dục. Mà đã là cơ quan giáo dục, nếu vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, tại sao lại được tồn tại mãi?” - ông Thành đặt vấn đề.

Ý kiến

Đau lòng, mệt mỏi

“Để tạo ra quyển sách vài trăm trang tương đối tử tế phải lao công khổ tứ, có khi mất cả năm trời. Trong khi đó, chỉ cần một ngày thôi, người in sách lậu có thể sao chép toàn bộ công trình ấy. Đây thực sự là điều đau lòng không phải chỉ riêng cho cái nghề của mình mà rộng hơn là cho văn hóa của mình. Nếu in lậu cứ tiếp diễn thì những người làm công việc như chúng tôi sẽ không còn sức lực, tâm huyết để theo nghề này nữa”.

Chị Dương Ngọc Hân
Trưởng phòng biên tập First News

NXB nước ngoài có thể ngừng ngay việc bán bản quyền

“Sách có bản quyền không bán được dẫn đến nguy cơ có thể bị đóng cửa vì tiền bản quyền, tiền dịch, hiệu đính, biên tập, trình bày, in thử… làm sao trả được. Mặt khác, những công ty, NXB nước ngoài, họ thấy sách lậu hoành hành đâu có để yên. Đã có những đối tác nước ngoài từng tuyên bố: Chúng tôi có thể ngừng ngay việc bán bản quyền nếu VN không ngăn được nạn vi phạm bản quyền”.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà

Mất lòng tin vào sự công bằng

“Một đơn vị làm sách chịu rất nhiều áp lực và rất nhiều chi phí để xuất bản những tác phẩm giá trị cho bạn đọc, phải đóng thuế và tất cả những chi phí khác đúng pháp luật, nhưng lại không được pháp luật bảo vệ bất cứ quyền lợi gì. Trong khi đó, những người in lậu lại được hưởng lợi lớn và sống phây phây ngoài vòng pháp luật, sống trên công sức lao động và mồ hôi của những người làm sách tâm huyết. Thử hỏi, lòng tin vào sự công bằng trong xuất bản có còn nữa hay không?”.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News

Như Lịch (ghi)

Thay đổi thói quen dùng sách photo

Nhiều trường ĐH, CĐ có những động thái tích cực giúp sinh viên (SV) dùng sách gốc thay vì sách photo.

Tiến sĩ Huỳnh Bá Lân - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Đã khoảng chục năm nay, ĐHQG TP.HCM đã đầu tư kinh phí để trợ giá sách giáo trình khi in từ các trường thành viên cho SV thông qua Nhà xuất bản ĐHQG TP.HCM. Mức giá hỗ trợ lên tới trên dưới 30% so với sách khi bán ra ngoài thị trường nhằm phục vụ trực tiếp cho SV khi mua tại các trường thành viên. Với mức hỗ trợ này, giá sách gốc khi bán ra cũng xấp xỉ bằng với mức giá khi đi photo sách. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên thói quen sử dụng sách gốc của một bộ phận SV”.

Trường ĐH Luật TP.HCM cũng từng đặt ra quy định cấm SV sử dụng tài liệu photo trong quá trình học tập, đặc biệt là trong phòng thi. Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Sở dĩ chúng tôi đưa ra quy định này bởi lẽ chúng tôi xác định rõ việc sử dụng giáo trình photo trong quá trình học và thi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để thực hiện quy định này, trong quá trình ra đề thi chúng tôi đã hạn chế ra dạng đề mở. Bên cạnh đó, trường cũng có những bộ giáo trình riêng được bán với giá gốc không đắt hơn nhiều so với giá sách photo”.

Thạc sĩ Nguyễn Việt Tuấn, Phó hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho rằng: “SV trường CĐ Kinh tế đối ngoại cũng được mua giáo trình với giá chỉ đắt hơn giá đi photo vài ngàn. Nhà trường đã soạn được 11 cuốn giáo trình có giá ở mức thấp nhất để SV mua nhiều chứ không photo nữa. Trường cũng đề nghị người biên soạn không đưa nhiều tài liệu tham khảo vào vì nếu sách dày sẽ đội giá, chỉ đưa vào khối lượng kiến thức cần thiết cho SV. Còn các tài liệu khác thì chỉ nguồn cho SV đọc”.

 Hà Ánh - Mỹ Quyên (ghi)

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.