Ứng thí khắp nơi để vào lớp 1

16/05/2011 08:16 GMT+7

Để chọn một trường cho con vào học lớp 1, nhiều bậc phụ huynh đã “kéo” con vào 3-4 cuộc thi tuyển ở các trường khác nhau.

Cho con học trường tư đang phổ biến trong những gia đình có mức thu nhập khá ở Hà Nội.

Nhiều năm qua, mùa tuyển sinh vào lớp 1 ở nhiều trường diễn ra nóng không kém gì tuyển sinh vào ĐH, đặc biệt là ở những trường có tên tuổi như Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Lý Thái Tổ.

Có trường chỉ có thể tuyển hơn 100 học sinh nhưng số dự tuyển lên tới 500-600.


Con thi thế nào? (Ảnh chụp tại trường TH Đoàn Thị Điểm năm 2010) - Ảnh: Quý Hiên

Để tránh dùng chữ “thi” vì quy định tuyển sinh vào trường tiểu học là cấm mọi hình thức thi cử nên trường thì gọi là “đo nghiệm”, trường thì gọi là “kiểm tra trắc nghiệm”... tuy nhiên các bé đều phải trải qua một cuộc tuyển chọn khá căng thẳng, từ cân nặng, chiều cao đến việc kiểm tra các chỉ số khác về khả năng học tập.

Các trường thường sắp xếp lịch thi tuyển vào thời gian khác nhau. Điều này có ưu điểm là tăng thêm cơ hội và sự lựa chọn cho các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, cũng có không ít phụ huynh đã lạm dụng, thậm chí nộp hồ sơ cho con vào tất cả các trường có tổ chức thi tuyển và nghĩ đơn giản đó là một cuộc “thử sức”.

Vì thế, khi trường Nguyễn Siêu thông báo kết quả ngày 9.5 vừa qua, một số phụ huynh biết con mình trượt nhưng vẫn... vui vì không xác định cho con học trường này mà chỉ thi cho... biết.

Một phụ huynh nói ngay tại nơi thông báo điểm thi: "Mặc dù trượt nhưng tối nay về vẫn khích lệ tinh thần của bạn ấy để tiếp tục “chinh chiến” ở trường Thực nghiệm vào đầu tháng 6 và cuối cùng thì vẫn “chốt” vào trường dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm ở gần nhà".

Còn một phụ huynh khác thì rỉ tai: đã xin được một “suất” vào trường Lê Quý Đôn nhưng vẫn cho con thi vào vài trường khác, cụ thể là Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Thực nghiệm để cháu quen với tâm lý thi cử và biết “sức” của mình tới đâu.

Trên một diễn đàn lớn, có phụ huynh bày tỏ băn khoăn: trước khi con đi thi thì nên nói "hôm nay con đi thi, cố gắng lắng nghe đề bài rồi suy nghĩ trả lời" hay chỉ bảo là "con đi giao lưu với các bạn".

Sở dĩ phải đặt câu hỏi như vậy vì theo vị phụ huynh này, năm trước có người bạn nói với con là đi giao lưu, nên sau khi thi về, con bảo: "Mẹ bảo là đi giao lưu nên việc gì phải nghĩ kỹ nhỉ, câu nào khó con tảng lờ đi, không giao lưu, có sao đâu".

Một phụ huynh khác thì nói: việc chuẩn bị tâm lý cho con rất cần thiết, năm ngoái, thi vào trường thực nghiệm, có một số con lo lắng ra mặt, cô giáo gọi đến tên, xếp vào hàng, nhưng mẹ cứ ra khỏi là lại chạy ra ôm mẹ, không chịu rời mẹ để vào phòng thi.

Rõ ràng, việc tham gia cuộc tuyển chọn vào lớp 1 không phải tất cả trẻ đều thấy nhẹ nhàng như một số ông bố bà mẹ vẫn nghĩ.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) chỉ rõ: với mục đích loại bớt số học sinh vượt quá chỉ tiêu nên dù thi tuyển hay chỉ là một cuộc kiểm tra đầu vào đơn giản cũng không tránh khỏi áp lực đối với trẻ. Việc “thi trượt” ngay từ khi chưa đi học sẽ khiến tạo một tâm lý không tốt cho trẻ, trẻ sẽ mất tự tin và có gì đó như sự mặc cảm.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.