Tư vấn mùa thi: Ngành vật lý hạt nhân tuyển sinh như thế nào ?

07/03/2015 13:41 GMT+7

(TNO) Tại chương trình trực tiếp Tư vấn mùa thi , nhiều học sinh tại Quảng Nam băn khoăn: Ngành vật lý hạt nhân tuyển sinh như thế nào, trường nào đào tạo ngành này?

(TNO) Sáng 7.3, chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 16 (do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Bộ GD-ĐT thực hiện) đã diễn ra tại tỉnh Quảng Nam.

Báo Thanh Niên phát tặng miễn phí cho học sinh đĩa CD ôn tập, luyện thi trắc nghiệm…
Chương trình phát sóng trực tiếp trên Đài PT-TH Quảng Nam, thu hút khoảng 1.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn huyện Điện Bàn, Quảng Nam, tham gia; cùng hàng chục ngàn phụ huynh, học sinh… trên địa bàn Quảng Nam và các tỉnh lân cận theo dõi qua buổi phát sóng trực tiếp (từ 8 giờ đến 10 giờ 10 cùng ngày).
Tại chương trình trực tiếp, học sinh Phạm Nguyệt Ánh (Trường THPT Điện Bàn) hỏi: “Năm nay phương thức thi hoàn toàn mới, vậy tụi em phải ôn tập như thế nào, đề thi có thay đổi không? Các khối thi cũ có còn được sử dụng nhiều?”.
Trả lời về vấn đề này, tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Như mọi năm, các em tập trung vào những kiến thức học trong 3 năm THPT, trong đó trọng tâm là chương trình lớp 12. Về cơ bản cấu trúc đề thi không có gì khác so với những năm trước, là sự kết hợp giữa đề thi tốt nghiệp và đề thi ĐH-CĐ năm 2014”.
Riêng về khối thi, tiến sĩ Quốc cho rằng đa số các trường vẫn dùng tổ hợp môn theo khối truyền thống với 75% chỉ tiêu. Các tổ hợp môn mới chỉ chiếm 25% tổng chỉ tiêu của mỗi trường.
Trần Thị Minh Dung, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huy Hiệu, băn khoăn: “Ngành vật lý hạt nhân tuyển sinh như thế nào, trường nào đào tạo ngành này?
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin: “Hiện có một số trường đào tạo ngành này như ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, Khoa học tự nhiên TP.HCM, Bách khoa Hà Nội, Điện lực, Đà Lạt. Tổ hợp môn gồm toán, lý, hóa. Ngành này trong tương lai có nhu cầu nhân lực cao, đang được nhà nước đưa ra chính sách đầu tư như cấp học bổng học trong nước lẫn nước ngoài”.
Học sinh Trần Thị Em (ngụ Hội An, Quảng Nam) gọi điện đến đường dây nóng nhờ giải đáp thắc mắc: “Gia đình em làm công việc đánh bắt cá. Vậy em học ngành nào để có thể chế biến cá, tôm xuất khẩu ra nước ngoài được?”.
Thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, gợi ý: “Hiện nay Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản nhưng thua thiệt nhiều vì chất lượng sản phẩm chưa cao, dẫn đến giá trị cũng chưa cao. Các em có thể chọn học ngành chế biến thực phẩm tại các trường ĐH như Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Nông lâm TP.HCM… để có thể làm việc trong lĩnh vực này”.
Ngày mai (8.3), chương trình sẽ tiếp tục đến với học sinh tỉnh Quảng Ngãi.
Đông đảo học sinh huyện Điện Bàn đến tham gia chương trình và đặt câu hỏi cho các chuyên gia
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.