Trường từ chối học sinh khuyết tật vì... không có chỗ kê bàn!

01/08/2010 23:20 GMT+7

Dù rất khát khao được đến trường nhưng con đường học vấn của Nguyễn Lê Duẩn, 17 tuổi, ở xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn (Bình Định) đột ngột phải dừng lại vì nhà trường từ chối tiếp nhận.

Vượt khó học giỏi

Duẩn bị bại liệt bẩm sinh. Bố mẹ của Duẩn (anh Nguyễn Văn Dưỡng, 38 tuổi và chị Lê Thị Phương Dung, 35 tuổi) đã cố gắng chạy chữa nhưng bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm. Dẫu bị tật nguyền, nhưng càng lớn, Duẩn càng thể hiện một nghị lực phi thường, ngày ngày đến trường và học khá như bao bạn bè đồng trang lứa khỏe mạnh khác.

Tứ chi của Duẩn teo tóp, co rút ngày một nặng hơn. Mỗi khi chép bài, Duẩn khó nhọc gập người xuống bàn. Cách Duẩn cầm bút, thước kẻ cũng rất đặc biệt, đó là kết hợp cùi tay phải và bàn chân phải. Các ngón tay yếu ớt không thể cầm nắm được vật gì. Chỉ mỗi chân trái là có thể nhúc nhích lên - xuống, qua - về được, nên Duẩn dựa vào đó để lấy thăng bằng khi ngồi viết.

Cơ thể bị bại liệt ngặt nghèo nhưng Duẩn đã miệt mài tập và lựa thế viết rất khéo. Tập vở của nhiều bạn trong lớp không thể bì kịp với Duẩn. Nhờ trí nhớ tốt và nỗ lực vượt qua số phận, Duẩn luôn đạt thành tích khá trong suốt 4 năm học ở trường THCS Nhơn Mỹ, được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen "Vượt khó học giỏi".

Nhiều lần tôi lên huyện, lên gặp lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh khi họ đi tiếp xúc cử tri ở xã, tôi đều trình bày hoàn cảnh mong được tạo điều kiện cho con tôi được đến trường, nhưng rồi chẳng có nơi nào giải quyết...
Anh Nguyễn Văn Dưỡng, bố của em Nguyễn Lê Duẩn

Năm 2008, sau khi Thanh Niên đăng bài viết Đến trường trên đôi tay của bạn, bạn đọc của báo đã tặng cho Duẩn hai bộ máy vi tính, trong đó có một máy tính xách tay. Từ đó, Duẩn miệt mài tập đánh bàn phím, vẽ trên máy tính bằng một chân; và đến nay em có thể soạn thảo văn bản thành thạo, vẽ tranh cũng rất đẹp.

Bị bỏ rơi

Năm học 2008-2009 kết thúc, Duẩn đủ điều kiện tốt nghiệp THCS. Khi dự thi vào trường THPT An Nhơn 2 năm học 2009-2010, Duẩn đạt 21 điểm thi 3 môn Toán, Văn và Hóa (thiếu 2 điểm so với điểm chuẩn vào trường này). Theo thông lệ, học sinh thiếu điểm vào trường THPT An Nhơn 2 được nhận vào học ở trường THPT Nguyễn Trường Tộ. Khi anh Dưỡng nộp đơn cho con vào học, lãnh đạo nhà trường từ chối tiếp nhận vì “phòng học không có chỗ để kê bàn riêng cho học sinh khuyết tật”(!). Anh Dưỡng thuyết phục bằng cách sẽ thu hẹp chiếc bàn học đóng riêng của con để khỏi gây phiền cho nhà trường, nhưng cuối cùng trường vẫn thẳng thừng từ chối.

Hơn 1 năm qua, Duẩn buộc phải nghỉ học ở nhà, nhưng khát vọng chữ nghĩa vẫn luôn cháy bỏng trong em. Em vẫn ngày ngày một mình tự học chương trình sách giáo khoa lớp 10, và vẫn ấp ủ ước mơ được đến trường trong năm học mới này. Bạn học cũ của Duẩn nay đã lên lớp 11. Nhiều bạn học sẵn sàng đưa đón Duẩn đi học dẫu trường cách nhà hơn 5 km.

Anh Dưỡng nghẹn ngào: “Nhiều lần tôi lên huyện, lên gặp lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh khi họ đi tiếp xúc cử tri ở xã, tôi đều trình bày hoàn cảnh mong được tạo điều kiện cho con tôi được đến trường, nhưng rồi chẳng có nơi nào giải quyết. Nếu sức học con tôi không đạt, nhà trường không nhận cũng không sao. Đằng này con tôi rất chịu khó, đủ điều kiện học tiếp THPT mà nhà trường “chê” vì khuyết tật thì tội cho gia đình chúng tôi quá. Nếu không đi học, con tôi như rơi vào ngõ cụt”.

Anh Dưỡng làm nghề phụ bếp nấu ăn đám cưới ở quê, chị Dung ở nhà nội trợ và nuôi nấng 3 đứa con. Nhìn đứa con trai đầu sống cảnh tật nguyền buồn bã vì nghỉ học giữa chừng, vợ chồng anh Dưỡng chỉ biết ứa nước mắt.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.