Trang bị kỹ năng giải quyết xung đột cho học sinh

05/04/2010 23:45 GMT+7

* Đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy Ông Nguyễn Vinh Hiển (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

* Thưa ông, nhiều người cho rằng vấn nạn bạo lực học đường xảy ra là do nhà trường “nặng” về dạy chữ, “nhẹ” về dạy người, ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Cũng có biểu hiện đó ở một số trường nhưng không phải tất cả. Tôi nghĩ, về mặt xã hội thì nhà trường và Đoàn thanh niên chịu trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh (HS) nhưng vai trò của gia đình quan trọng lắm chứ. Vai trò của nhà trường cũng quan trọng nhưng không thể thay thế gia đình được.


Ảnh: Tuyết Mai

Nhà trường có thế mạnh về giáo dục nhận thức, thông qua nhận thức tác động tới tình cảm, nhưng nhà trường không thể nào gần gũi hiểu sâu được từng cá nhân HS, có tác động tình cảm liên tục như gia đình được. Do vậy, giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách cho HS thì gia đình có thế mạnh hơn nhà trường. Nhà trường có thể giáo dục HS tốt về mặt kiến thức nhưng về mặt tình cảm đạo đức thì gia đình là chính.

* Vậy ngành giáo dục có giải pháp nào để giải quyết tình trạng bạo lực trong HS hiện nay?

 - Gần đây, công tác giáo dục đạo đức HS gặp nhiều khó khăn. Về mặt tâm lý, HS bây giờ khác thế hệ trước rất nhiều. Các em bây giờ được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin trên phim ảnh, sách báo, internet nên bị ảnh hưởng từ cách học tập, ứng xử.

Bộ đã suy nghĩ rất nhiều để nâng cao đạo đức HS hiện nay nhưng rất khó thực hiện vì các em bị ảnh hưởng nhiều từ môi trường chung quanh. Nhà trường bây giờ không thể đứng độc lập mà cần có sự phối hợp, liên kết với nhiều ngành khác thì mới giáo dục HS tốt hơn được.

* Phải chăng, đã đến lúc cần nhìn nhận việc giáo dục kỹ năng sống cho HS một cách nghiêm túc?

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phát đi công văn gửi giám đốc các sở GD-ĐT yêu cầu thống kê số lượng các vụ bạo lực, đánh nhau do học sinh gây ra trong năm học này, đồng thời nhận định, đánh giá về tình trạng vi phạm pháp luật của học sinh ở địa phương hiện nay cũng như nguyên nhân của tình trạng này. Bộ GD-ĐT còn đề nghị các giám đốc sở GD-ĐT đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm phòng ngừa từ xa, ngăn chặn kịp thời và xử lý có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh.
- Không chỉ đến lúc này Bộ GD-ĐT mới thấy phải đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống cho HS. Hiện tại, chúng tôi đã giao Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nghiên cứu, xây dựng tài liệu để đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống dạy tích hợp với một số môn học trong nhà trường sau năm 2010. Dự kiến, năm học tới sẽ triển khai thí điểm ở các cấp học phổ thông, từ tiểu học đến THPT.

Tuy nhiên, do thời lượng của chương trình hiện nay còn eo hẹp nên sẽ phải giảng dạy lồng ghép. Ví dụ như ở bậc tiểu học thì lồng ghép vào môn Tiếng Việt, ở bậc THPT lồng ghép ở các môn Giáo dục công dân, các môn Xã hội, Sinh học, Vật lý, Địa lý...

Ngoài ra, ngành giáo dục cũng phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ để thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho các em thông qua các hoạt động ngoại khóa.

* Bộ GD-ĐT dự định sẽ chú trọng trang bị kỹ năng sống nào cho HS, thưa ông?

- Phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Trong đạo đức, lối sống có ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật. Rèn luyện những kỹ năng sống như ứng xử trong nhóm, giải quyết những xung đột nhằm hạn chế hướng giải quyết tiêu cực của bản thân các em khi có xung đột.

* Để HS hiểu và nắm được kỹ năng sống đòi hỏi giáo viên cũng phải có kiến thức về kỹ năng sống. Vậy, Bộ có triển khai và tập huấn cho đội ngũ giáo viên về những kiến thức này không?

- Ngoài việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng sống cho giáo viên thì Bộ cũng rất quan tâm tới việc triển khai chương trình này tới các trường sư phạm. Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ giáo sinh về tư vấn học đường để trực tiếp tư vấn cho học sinh. Tuy nhiên, đội ngũ này hiện nay chưa có trong hệ thống sư phạm vì liên quan đến biên chế... nhưng Bộ sẽ suy nghĩ để triển khai.

Học kỹ năng sống ở đâu?

* Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM) thường xuyên mở các lớp chuyên đề về kỹ năng thực hành xã hội dành cho đông đảo bạn trẻ. Chương trình được tổ chức 1 lần/tháng vào cuối tuần. Học viên được tham gia miễn phí hoặc đóng phí 10.000 - 20.000 đồng/người tùy từng chuyên đề.

* Nhà văn hóa SV TP.HCM (643 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM) có lớp kỹ năng sống, học vào mỗi cuối tuần. Học phí 30.000 đồng/buổi/học viên.

* Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM (33 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) đang có chương trình Hội Quán sinh viên Café 360 độ, là nơi các bạn trẻ gặp gỡ và trò chuyện cùng các doanh nhân thành đạt, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng, tâm lý... Chương trình diễn ra sáng thứ bảy, 2 lần/tháng. Ngoài ra, một số trang web cũng hướng dẫn các bạn trẻ một số kỹ năng trong cuộc sống như http://kynangsong.org/ hoặc  http://deltaviet.com/

Phương Nguyên

Ý kiến

Phòng tư vấn học đường còn quá ít!

Theo tôi, việc xử lý HS vi phạm bằng biện pháp dừng học một thời gian là không mang ý nghĩa giáo dục. Bởi lẽ, khi không được đến trường, những em này không được gặp thầy cô, bạn bè, tâm lý bị ức chế, trầm cảm và có những em khi trở lại trường đã tiếp tục quậy phá... Thay vào đó, nhà trường nên mời các em cùng gia đình, đại diện đoàn thể từ cộng đồng để phân tích nguyên nhân, hậu quả vụ việc. Có như vậy, mới đánh động lương tâm các em, để các em nhìn nhận hành vi ấy là không thể chấp nhận được, từ đó kiểm soát những hành vi sau này và phấn đấu vươn lên.

Chương trình giáo dục cũng phải được xem lại vì hiện nay thầy cô giáo lo “chạy” cho kịp bài vở truyền tải, không có thời gian tìm hiểu tâm tư, bức xúc của các em để “tháo ngòi nổ” kịp thời. Mô hình tư vấn học đường đã và đang đem lại những kết quả nhất định, trong đó góp phần làm giảm tình trạng bạo lực học đường. Thế nhưng, hiện số lượng phòng tư vấn học đường trên cả nước còn quá ít, không đáp ứng nhu cầu bức thiết của HS. (Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Sở LĐ - TB và XH TP.HCM

HS cần được tham gia vào các hoạt động tập thể

Những kỹ năng sống mà HS được học trong nhà trường hiện nay còn nặng tính hình thức, do đó các em chưa chuyển dịch được những kiến thức học trong nhà trường thành kinh nghiệm sống trong gia đình và xã hội.

Giải pháp tối ưu nhằm giúp các em có được những kỹ năng sống cần thiết vẫn là tăng cường giảng dạy cho HS kỹ năng sống, khuyến khích học sinh chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể, các hoạt động xã hội... (Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Lan - Viện Nghiên cứu con người)

Như Lịch - Thiên Long - Tuệ Nguyễn (ghi)

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.