Tín chỉ nửa vời, khó cho sinh viên: Vất vả đăng ký học

22/06/2011 23:06 GMT+7

Đào tạo theo tín chỉ cho phép sinh viên (SV) được lựa chọn môn học, giảng viên phù hợp với khả năng, điều kiện thời gian… Thế nhưng, ngay khâu đầu tiên là đăng ký tín chỉ, SV cũng hoàn toàn bị động.

Trắng đêm đăng ký

Nguyễn Thị Hồng Thắm, SV năm 3 ngành văn hóa du lịch trường ĐH Sài Gòn phản ánh: “Mỗi lần đến kỳ đăng ký, bọn em đứa nào cũng phải thức trắng đêm. Em chực chờ từ 0 giờ nhưng không tài nào vào mạng của trường được vì bị nghẽn. Có hôm 3 giờ sáng mới vô được thì cũng chỉ đăng ký được 2, 3 môn. Rốt cuộc phải thay đổi lịch học nhiều môn. Có bạn học năm 3 rồi mà chưa đăng ký được Anh văn năm nhất vì toàn bị chậm chân”.


SV Đại học Kinh tế TP Đà Nẵng chầu chực trắng đêm ở hành lang nhà trường để chờ đăng ký tín chỉ vào tháng 11.2010 -  Ảnh: Nguyễn Tú 

Một SV trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) cũng chia sẻ trên diễn đàn của trường: “Thật là kinh khủng! Thức trắng đêm, vừa ôn thi vừa thức canh lớp, lại còn đăng ký theo số lượng tín chỉ đã tích lũy nên lần nào các lớp cũng đầy hết, canh me từng tí một. Có khi đăng ký được lớp rồi, lát sau quay lại không biết là mình ở đâu, tự dưng bị đá ra khỏi lớp, kinh hoàng nhất là hủy lớp...”.

Ngọc Bích, SV ngành Tài chính ngân hàng trường ĐH Mở (TP.HCM) cũng bức xúc: “Mấy ngày đầu số lượng đăng ký đông quá trời nên mạng nghẹt chờ rất lâu. Đây quả là cuộc tranh đua quyết liệt. Năm trước, mình đăng ký xong xuôi hết rồi thì bất ngờ mạng báo lỗi, bị mất mấy môn học nên phải đăng ký lại, được theo ý muốn như lúc đầu, phải đổi hết thời khóa biểu”.

Học theo lịch đã xếp

Nói là theo tín chỉ nhưng phần lớn các trường bắt SV học theo lịch đã quy định không khác gì niên chế vì khả năng của trường chỉ có thế.

N.V.L - SV năm thứ hai ngành quản trị kinh doanh trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Trước mỗi học kỳ, nhà trường chuẩn bị sẵn một danh sách các môn học dự kiến, và dựa trên danh sách “cứng” đó, SV đăng ký theo số lượng tín chỉ được quy định với từng đối tượng SV. Như vậy, SV hoàn toàn không có quyền lựa chọn môn học cũng như giảng viên mà học theo sự phân công của nhà trường”. Về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương - Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM, giải thích: “Sở dĩ SV phải đăng ký dựa trên chương trình dự kiến bởi lẽ chương trình học có những môn bắt buộc theo thứ tự tiên quyết. SV vẫn có quyền lựa chọn đăng ký môn học tự chọn nhưng chỉ chiếm từ 20 - 30% tổng số môn học”.

Có trường tuy đào tạo tín chỉ nhưng SV không được đăng ký vì trường đã lên lịch học từ trước. Theo Q.N - SV ngành luật hình sự trường ĐH Luật TP.HCM: “Trong cẩm nang SV có hướng dẫn đăng ký tín chỉ nhưng đến khi vào học trường sắp sẵn các môn để học luôn và không được đăng ký gì cả”. Điều này khiến các bạn rất khó hiểu và không biết đến khi nào mình mới được đăng ký theo tín chỉ để lựa chọn môn mình thích hoặc có thể học vượt...

Ngay cả ở trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), một trường được đánh giá là áp dụng tín chỉ thành công, SV cho biết đăng ký rất hạn chế. TS Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng Đào tạo, giải thích: “Đa phần SV mới vào trường đều chưa được chuẩn bị về việc đăng ký theo học chế tín chỉ. Để đảm bảo cho SV đạt yêu cầu, đúng tiến độ, học đúng chương trình, trong 3 học kỳ đầu, chúng tôi đưa ra một số môn học gợi ý để SV đăng ký. Từ học kỳ 4 trở đi SV sẽ được đăng ký tự do”.

Chưa đúng chất tín chỉ

Lãnh đạo của một trường ĐH có thâm niên đào tạo theo học chế tín chỉ thừa nhận:“Chỉ khi nào mình giống như người ta, khi thầy giáo không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, toàn tâm toàn ý cho chuyện giảng dạy thì mới đào tạo theo tín chỉ tốt được”. Nhiều ý kiến khác cũng thừa nhận do điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất còn hạn hẹp nên việc đào tạo theo tín chỉ ở VN hiện nay chưa triệt để. 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương khẳng định: “Tín chỉ hiện nay của chúng ta mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, chưa thực sự đáp ứng được mọi nguyện vọng của người học. SV chưa thể sử dụng triệt để quyền chủ động của mình trong việc sắp xếp môn học, giờ học, lớp học, người dạy... Nguyên nhân quan trọng ở đây là do các trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất và giảng viên”.  Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng thẳng thắn thừa nhận: “Việc đào tạo theo tín chỉ hiện nay của chúng ta chưa hoàn toàn đúng với tính chất của nó. Ví dụ, SV  không được lựa chọn giảng viên mà hoàn toàn là do trường bố trí”.

Mỹ Quyên - Hà Ánh - Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.