Tìm nơi biến ý tưởng thành hiện thực

31/12/2011 01:02 GMT+7

Nếu không tìm được nơi “ươm mầm”, nhiều ý tưởng của bạn trẻ sẽ không có cơ hội phát triển thành sản phẩm sử dụng rộng rãi trong thực tế.

Nếu không tìm được nơi “ươm mầm”, nhiều ý tưởng của bạn trẻ sẽ không có cơ hội phát triển thành sản phẩm sử dụng rộng rãi trong thực tế. 

Chủ động bước ra cuộc sống

Thạc sĩ Trần Ngọc Anh Khoa, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, người tham gia nghiên cứu và sản xuất sản phẩm khóa xe thông minh sử dụng thẻ từ và khóa xe thông minh sử dụng công nghệ sóng RFID, nhận định: “Các sinh viên (SV) có rất nhiều ý tưởng hay, thậm chí những ý tưởng đó đã đoạt giải cao tại những cuộc thi cấp quốc gia hay thành phố, nhưng khó có ý tưởng trở thành sản phẩm được sử dụng đại trà trong đời sống. Ai cũng biết SV không thể có vốn và kinh nghiệm để tự mình thực hiện, nhưng đừng trông chờ mà hãy tự mình đi tìm kiếm”.

Thủy Tiên, cựu SV Trường ĐH Dược Hà Nội cùng nhóm nghiên cứu chế tạo những sản phẩm công nghệ cao với Anh Khoa, chia sẻ: “Bạn đừng nên chỉ tới giảng đường rồi về nhà miệt mài với sách vở. Hãy bước ra cuộc sống nếu bạn muốn những sáng kiến của bạn được nhiều người biết đến, được mọi người cầm, nắm, dùng nó hằng ngày. Chẳng hạn khi muốn sản xuất một thiết bị chống trộm cho xe máy, bạn không phải chỉ biết về cái khóa xe, mà còn phải am hiểu rất nhiều lĩnh vực như thị trường xe máy, thiết kế, nhựa, con chip, tâm lý người tiêu dùng… Đó là tất tần tật những thứ sẽ làm thành sản phẩm. Hãy tự mình đi xin tài trợ, tự mình tìm tòi, đọc sách, xâm nhập thực tế, trải nghiệm để có được những kiến thức ấy”.

 
Mai Hà Lâm Viên và sản phẩm xe hơi đầu tay được ấp ủ từ nhỏ - Ảnh: Mỹ Quyên

Mai Hà Lâm Viên là cựu SV Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, người tự thiết kế và chế tạo một chiếc xe hơi sau nhiều năm nghiên cứu để làm đề tài tốt nghiệp. Đầu tiên, Lâm Viên dùng đất sét để làm mô hình chiếc xe hơi mà mình thiết kế. Sau đó, cùng với thợ tự tay gò từng bộ phận của chiếc xe bằng chất liệu tôn kẽm. Sau 2 năm trời vất vả bôn ba tìm kiếm chất liệu, rồi kiếm thợ, tiếp xúc với các chuyên gia trong ngành xe hơi để tham khảo ý kiến, tự tìm hiểu kiến thức về buồng khí khí động học, qua chỗ kiểm duyệt xe…, chiếc xe hơi đẹp như mơ đã hiện hữu trước mắt chàng sinh viên đầy nhiệt huyết. Lâm Viên đưa ra lời khuyên: “Để biến ý tưởng thành thực tế, bạn cần phải có đam mê và dám hy sinh cho niềm đam mê ấy. Sẽ tốn rất nhiều mồ hôi, công sức và cả tiền bạc. Tuy nhiên, thành quả sẽ khiến bạn hạnh phúc”.

Tìm đến các “vườn ươm”

Nếu dám nghĩ, dám làm thì hiện nay có rất nhiều cầu nối để SV có thể biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế. Thành Đoàn TP.HCM có “Vườn ươm sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ” đã hỗ trợ, ứng dụng nhiều ý tưởng, đề tài, công trình khoa học kỹ thuật của thanh niên vào sản xuất và đời sống. Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM cũng có “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”.

Ngoài ra, một số trường ĐH cũng có các “vườn ươm” giúp SV khởi sự doanh nghiệp ở các trường như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội… Phía doanh nghiệp có “vườn ươm” doanh nghiệp của Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao TP.HCM…

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết: “Đến nay chúng tôi đã hỗ trợ giúp SV và cán bộ trẻ thành lập khoảng 10 doanh nghiệp nhỏ, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm như nấm bào ngư, trà thuốc, rau mầm, phân bón vi sinh, máy sấy… Theo tôi, một ý tưởng được đánh giá là có tính ứng dụng cao thì tác giả phải cố gắng nghiên cứu ra sản phẩm và sản phẩm này phải được thương mại hóa, có như vậy ý tưởng đó mới thực sự có ích cho cuộc sống”.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.