Tiến sĩ kinh tế đi dạy tiếng Anh

14/02/2015 13:06 GMT+7

(TN Xuân) Tốt nghiệp thủ khoa ngành kinh tế ở Anh, học tiến sĩ ở Mỹ, Nguyễn Chí Hiếu (30 tuổi) bỏ công việc có thu nhập hàng nghìn USD, những lời mời gọi và cơ hội thăng tiến ở nước ngoài để về nước dạy học, giúp sinh viên Việt Nam “săn” học bổng du học.

(TN Xuân) Tốt nghiệp thủ khoa ngành kinh tế ở Anh, học tiến sĩ ở Mỹ, Nguyễn Chí Hiếu (30 tuổi) bỏ công việc có thu nhập hàng nghìn USD, những lời mời gọi và cơ hội thăng tiến ở nước ngoài để về nước dạy học, giúp sinh viên Việt Nam “săn” học bổng du học.

Nguyễn Chí Hiếu Nguyễn Chí Hiếu - Ảnh: nhân vật cung cấp

 
“Vua” săn học bổng

Trong cộng đồng nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam, Nguyễn Chí Hiếu là cá nhân duy nhất được trao danh hiệu: Sinh viên giỏi nhất thế giới 2006, khi học tại Đại học Kinh tế và Chính trị London (Anh). Danh hiệu này tôn vinh sinh viên có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc và có khả năng lãnh đạo, được lựa chọn từ khắp các trường đại học danh tiếng toàn cầu. Hiếu còn là một  trong 3 thủ khoa tốt nghiệp tại Đại học Kinh tế và Chính trị London, thủ khoa khối ngành kinh tế trong hệ thống các trường đại học tại London.

Chuyển từ xứ sở sương mù qua nước Mỹ, bảng thành tích học tập của Hiếu tiếp tục được nối dài và rạng danh hơn, đặc biệt là suất học bổng tiến sĩ loại “khủng” với tổng trị giá 375.000 USD tại Đại học Stanford. Ở ngôi trường danh tiếng này, Hiếu có 5 lần được tôn vinh danh hiệu giảng viên xuất sắc.

Có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc ở ngành kinh tế, cộng thêm tố chất lãnh đạo qua nhiều hoạt động cộng đồng, Nguyễn Chí Hiếu là mục tiêu chiêu mộ nhân sự của nhiều tổ chức, tập đoàn kinh tế quốc tế. Trên thực tế, Hiếu từng là chuyên gia nghiên cứu chính sách tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chuyên gia phân tích tiền tệ tại Ngân hàng HSBC. Chính vì thế, việc Hiếu chọn về Việt Nam dạy học trong khi tiền đồ tương lai rộng mở khiến gia đình, bạn bè ngỡ ngàng.

Trở về

Quyết định này khởi nguồn từ năm 2010, khi Hiếu có dịp về Việt Nam nghỉ hè và nhận lời giúp đỡ bạn bè dạy tiếng Anh. Gần 10 tuần đứng lớp, Hiếu chia sẻ kinh nghiệm học tập và trải nghiệm bản thân tích lũy ở nước ngoài. Trở lại Mỹ 2 năm sau đó, Hiếu nhận được email chất chứa lòng biết ơn của học trò từng nghe anh giảng bài. Trong thư, họ báo tin vui mới nhận học bổng đi Úc, Anh, Nhật Bản. “Lần đầu tiên trong đời, mình có cảm nhận đầy đủ niềm hạnh phúc, khi nhận ra giá trị công việc dạy học, thế là quyết định trở về Việt Nam thôi”, Hiếu kể lại.

Chọn về nước, Hiếu chấp nhận và làm quen những trở ngại khó khăn, đó là môi trường điều kiện làm việc chưa đầy đủ, thu nhập cá nhân giảm sút. Bù lại, phần thưởng lớn nhất Hiếu cảm nhận được là tình cảm trân quý của học trò khi họ thành công trong mỗi bài thi hay chia sẻ niềm vui khi đón nhận cơ hội học bổng; là tấm lòng tri ân từ phụ huynh. “Có lẽ rất khó cho mỗi người để tìm thấy hạnh phúc từ công việc hằng ngày. Còn với mình trong giai đoạn hiện nay, dạy học mang lại tinh thần hứng khởi khi công việc hiện tại góp phần mở ra con đường mới giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận môi trường giáo dục quốc tế”, Hiếu trải lòng.

Gần 3 năm làm việc trên quê nhà, Nguyễn Chí Hiếu để lại dấu ấn trong vai trò nghiên cứu kiến thiết chương trình đào tạo, cấu trúc bài giảng tiếng Anh theo hướng khắc phục điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam với môn ngoại ngữ này. Cụ thể, Hiếu ưu tiên nhiều hơn khối lượng bài tập rèn luyện kỹ năng viết, giao tiếp thuyết trình. Bài giảng luôn có sự cập nhật nhiều chủ đề từ cuộc sống, thời sự hằng ngày kích thích học viên tự tìm hiểu, tích lũy kiến thức từ đời sống xã hội. Kiến thức nền không tốt, ngại quan sát và tìm hiểu thực tế khiến học sinh, sinh viên Việt Nam khó khăn trình bày quan điểm cá nhân trước những vấn đề hoặc phân tích tình huống. Đây cũng là điểm mà Hiếu và các cộng sự đầu tư, lồng ghép vào bài giảng, giúp mỗi sinh viên Việt Nam khắc phục tối đa trong cuộc cạnh tranh “săn” học bổng.

Nguyễn Chí Hiếu - từ cậu học trò 17 tuổi, sinh ra và lớn lên ở quê hương Bình Định bước ra thế giới từ những suất học bổng. Biệt danh Hiếu “vua học bổng” cũng xuất phát nhờ kỹ năng “săn” được nhiều học bổng giá trị lớn, có sự cạnh tranh khốc liệt. Trong những chuyến đi giao lưu, có nhiều người mong muốn được chia sẻ bí kíp, Hiếu đưa ra lời khuyên: Giả sử bạn đặt mục tiêu 3 hoặc 5 năm tới du học hay học lên tiến sĩ, thì ngay từ bây giờ, bạn hãy nghĩ về nó hằng ngày, cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.