Thầy cô không phải lúc nào cũng đúng

23/05/2013 03:30 GMT+7

Tuy còn nhiều ý kiến tranh cãi nhưng việc học sinh, sinh viên đánh giá giáo viên đã giúp giáo viên hiểu ra rằng quá trình giảng dạy chính là “đi học” và tự sửa mình để đẹp hơn trong mắt trò.

Tuy còn nhiều ý kiến tranh cãi nhưng việc học sinh, sinh viên đánh giá giáo viên đã giúp giáo viên hiểu ra rằng quá trình giảng dạy chính là “đi học” và tự sửa mình để đẹp hơn trong mắt trò.

Thầy cô không phải lúc nào cũng đúng 
Một giờ học của cô trò Trường THPT Phan Huy Chú, Q.Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh: Lê Đăng Ngọc

Tìm đến trái tim học sinh

Cô Ngô Thị Thành, giáo viên dạy sử Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội), tâm sự: “Lúc mới về công tác tại trường. Trẻ tuổi đời, non tuổi nghề, tôi đã tìm cách để làm học sinh sợ, tưởng như thế các em kính nể và yêu quý. Nhưng khi các em sợ, giờ lên lớp tôi phải đối mặt với không khí căng thẳng, âu lo, khiến bài giảng không hề có sức cuốn hút.  Đến lúc đó tôi hiểu rằng mình đã nhầm”. Cô Thành chia sẻ thêm: “10 năm qua của tôi là hành trình đầy trăn trở trên con đường tìm đến trái tim học sinh. Đó là quá trình học hỏi và dám thay đổi chính mình. Tôi đã học cách nghiêm khắc nhưng tế nhị. Bớt đi dáng vẻ đạo mạo, tôi cười với học sinh nhiều hơn, tham gia nhiều hoạt động cùng các em. Tôi tìm tòi sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, trong công tác chủ nhiệm...”.

 

Mười năm qua của tôi là hành trình đầy trăn trở trên con đường tìm đến trái tim học sinh. Đó là quá trình học hỏi và dám thay đổi chính mình

Ngô Thị Thành - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)

Cô Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên dạy văn của trường, cũng phải đi một hành trình không hề dễ dàng để kết luận: “Thầy cô cũng biết ơn học sinh vì sự đánh giá của các em đã  giúp nuôi cho cô lòng yêu nghề”. Cô Kim Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Bên cạnh việc dạy có “lửa”, chúng tôi đã hát, nhảy, lắc vòng, diễn thời trang (cho dù từng lúng túng và mệt)... Tuổi của học sinh ưa cảm nhận sự hết mình của thầy cô trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nên ta phải theo cách của học sinh”.

Nhà giáo như vận động viên điền kinh

Trường THPT Phan Huy Chú được xem là trường phổ thông đầu tiên của Hà Nội áp dụng mô hình lấy ý kiến nhận xét của học sinh về giáo viên trong suốt 17 năm qua. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Qua mỗi năm học, mỗi giai đoạn việc lấy ý kiến học sinh ngày càng được đổi mới và nhận được sự quan tâm, chú ý của học sinh”. Bốn năm gần đây, nhà trường đã tổ chức tôn vinh những giáo viên được học sinh đánh giá cao.

Mỗi học kỳ, Trường dân lập Đinh Tiên Hoàng lại phát phiếu góp ý để học sinh nhận xét về giáo viên của mình với các câu hỏi, như giáo viên nào dạy giỏi; giáo viên nào thường xuyên quan tâm, giúp đỡ học sinh; giáo viên nào dạy khó hiểu… Học sinh không bắt buộc phải điền tên vào những phiếu khảo sát này. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng cho hay: “Qua những kênh thông tin như vậy, nhà trường sẽ có hướng điều chỉnh hoạt động cũng như nắm bắt được tâm tư của học sinh”. Còn cô Nguyễn Thị Kim Anh khẳng định: “Làm nghề giáo nghĩa là không có sự chủ quan, buông xuôi “sáng cắp ô đi, tối cắp về” mà phải như một vận động viên điền kinh, phải đoạt giải mà phần thưởng là tiếp tục đường chạy dài hơn, nhanh hơn”.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi dự buổi tọa đàm về tấm gương đạo đức nhà giáo, đã cho rằng ông rất ấn tượng về cách làm của  Trường Phan Huy Chú trong việc tổ chức cho học sinh đánh giá giáo viên. Ông nhận xét: “Những người làm nghề giáo thường mắc bệnh nghề nghiệp, coi mình là đúng, những gì mình nói là chân lý. Tâm lý này vô cùng nguy hiểm vì nó sẽ làm cho người thầy không bao giờ có nhu cầu cần phải đổi mới, ngành GD-ĐT sẽ trở nên trì trệ”. Ông Nhân cũng đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội, Bộ GD-ĐT xem xét, có những thảo luận thật kỹ để có thể nhân rộng mô hình này theo từng năm.

Động lực để giảng viên thay đổi

Từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã triển khai cho các trường ĐH, CĐ thực hiện việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Nhưng đến tận tháng 5 năm nay Bộ mới dự kiến tiến hành họp bàn với các trường về tiêu chí và cách thức thực hiện hiệu quả. Trong khi đó, mỗi trường thực hiện một kiểu.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thực hiện công việc này đã 5 năm, với quy mô toàn trường. Tương tự, Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng thí điểm năm 2009 và chính thức thực hiện từ năm 2010 vào mỗi khi kết thúc học kỳ. Tuy nhiên, trường này chỉ thực hiện khảo sát ngẫu nhiên với khoảng từ 10-20% sinh viên toàn trường. Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM chỉ mới bắt đầu triển khai việc đánh giá này thường xuyên trong hai học kỳ gần đây. Trường cũng làm theo hình thức khảo sát mẫu thử ngẫu nhiên, với khoảng 25-30% sinh viên toàn trường. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trước nay cũng chỉ áp dụng ở một số khoa trước khi bắt đầu triển khai toàn trường kể từ năm học này. Tuy nhiên, cách làm của trường là khuyến khích chứ không bắt buộc sinh viên tham gia.

Vấn đề cũng được nhiều người quan tâm là cách thức xử lý kết quả sau khi khảo sát thế nào để hiệu quả cao nhất. Hầu hết cách làm hiện nay của các trường là thông tin kết quả khảo sát cho trưởng khoa và chính giảng viên đó để bảo mật thông tin. Với những giảng viên có vấn đề, các trường cũng chưa xử lý mạnh mà chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở. PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng thừa nhận: “Nói thật, chúng tôi chưa dám lấy ý kiến sinh viên để phạt giảng viên vì đây là vấn đề hết sức tế nhị liên quan đến con người, cần phải có minh chứng rõ ràng hơn”. Tuy nhiên, tiến sĩ Phúc nói thêm: “Có thể trong tương lai sẽ tiến hành công bố thông tin khảo sát ở phạm vi rộng rãi hơn, cũng như sẽ có quyết định mạnh hơn trong xử lý kết quả. Tuy nhiên, đó là việc của tương lai khi đã có thông số đánh giá nhất định qua nhiều năm”.

Theo đánh giá của các trường, dù thực hiện chưa đồng bộ nhưng việc làm này mang lại hiệu quả rõ rệt. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Trước hết việc này tạo cho sinh viên quyền dân chủ khi được nói lên ý kiến của mình. Quan trọng hơn, buộc giảng viên phải tự nhận thức để thay đổi mình trong hoạt động giảng dạy. Đặc biệt, hiện tượng mua bán điểm hoặc tiêu cực trong mối quan hệ thầy trò không còn nữa”. Từ đó, tiến sĩ Dũng cho rằng: “Lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên là việc làm quan trọng và cần thiết. Trong xu hướng quản lý chất lượng như hiện nay, thước đo quan trọng nhất chính là sự hài lòng của người học với người thầy, cũng chính là sự hài lòng với công tác quản lý đào tạo của nhà trường”.  

H.A

Tuệ Nguyễn

>> Vị thế người thầy có giá trị bất biến
>> Thầy cô là tấm gương
>> Mong thầy cô lắng nghe chúng em!
>> Giảng dạy đại học phải có kỹ năng sư phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.