Tâm tư mùa thi

19/06/2009 10:41 GMT+7

Chỉ mong thi đậu

Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bài học, luôn cầm quyển sách trên tay, miệng lẩm nhẩm, đó là hình ảnh của Lưu Nguyễn Thảo Nguyên, học lớp 12A12, trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Nguyên dự thi khối C vào trường ĐH KHXH-NV TP.HCM.

Nguyên cho biết đã lên kế hoạch luyện thi ĐH từ trước khi thi tốt nghiệp THPT. Và cũng như bao học sinh khác, mong ước của cô là “thi đủ điểm đậu, vào đúng ngành mình đăng ký”.

Dương Thị Ngọc Thơ, đang luyện thi vào khối D ở trường ĐH Sài Gòn (Q.5, TP.HCM), đến từ Hậu Giang. Lên TP.HCM lần đầu tiên nên trông Thơ còn ngơ ngác, lạ lẫm với mọi thứ và cuộc sống nơi đây. “Chỉ mong đến ngày thi và làm bài tốt, chứ bây giờ em thấy mình còn quá nhiều thứ phải học, phải ôn, hồi hộp lắm”, Thơ tâm sự.

Học vì bản thân và gia đình

Những học sinh sống xa nhà, không nhận được sự quan tâm chu đáo từ phía gia đình, luôn ý thức về việc phải nỗ lực hết mình thi đậu để báo hiếu cha mẹ ở quê ngày ngày cật lực làm việc kiếm tiền giúp con luyện thi.

Nguyễn Thị Bích Phượng, quê ở Gia Lai rơm rớm nước mắt cho biết “gia đình em có đến 6 anh chị em nhưng ba mẹ ở quê vẫn cố gắng chắt chit nuôi em ăn học, không để em làm thêm”. Tiền luyện thi và chi phí sinh hoạt từ Tết đến giờ tiêu hao hơn 10 triệu đồng. Em cố gắng tìm nhà trọ thật rẻ tiền ở Q.2 và đạp xe đến trường ĐH KHXH-NV học mỗi ngày mất hơn nửa tiếng.

Phượng dự định thi vào khối D của trường ĐH Mở TP.HCM và Cao đẳng công nghiệp dệt may thời trang TP.HCM. Rút kinh nghiệm ở đợt thi năm trước vào trường ĐH Quy Nhơn, Phượng chia sẻ: “siêng chưa chắc đậu, phải thông minh, tự tin và có năng lực riêng”. Mặc dù đây không phải là lần thi đầu tiên nhưng Phượng cho biết cô vẫn rất căng thẳng...

Dán mắt vào quyển sách trong lúc đợi xe buýt trước cổng trường là hình ảnh của hai cô gái Đỗ Quỳnh Thi và Nguyễn Hoài Trâm Anh, quê ở Đồng Nai, đang học luyện thi ở trường ĐH Sư Phạm TP.HCM.

Đến TP.HCM lần đầu tiên, thuê nhà trọ ở Q.Bình Tân, thấy đường phố quá ồn ào, nhưng hai bạn vẫn cố gắng tập trung để ôn bài, không bị chi phối bởi các hoạt động xung quanh.

 
Quỳnh Thi và Trâm Anh đang ôn bài, chờ xe buýt

Vừa học vừa làm

Ngời ở trong góc, phía cuối lớp cặm cụi ôn bài và thỉnh thoảng nhìn xa xăm về phía cửa sổ là bạn Nguyễn Thị Duy Thảo, quê ở Bến Tre. So với các bạn trong lớp, có lẽ Thảo là “đàn chị”. Thế nhưng, không hề chủ quan, mà Thảo vẫn cố gắng đến trường ôn bài mỗi ngày mặc dù khóa học luyện thi em học đã kết thúc hồi cuối tháng 5. Tốt nghiệp THPT từ năm 2006, đã học xong trung cấp 2 năm và hiện đang làm tiếp thị, nhưng em vẫn hun đúc giấc mơ được vào Đại học nên nỗ lực vừa học, vừa làm trang trải học phí. Thảo sống cần kiệm, hiện đang thuê phòng ở Q.Tân Phú với giá khá bèo, rồi đạp xe đạp đến trường ĐHKHXH&NV TP.HCM hơn một tiếng mỗi ngày chỉ để ôn bài, vì “ở nhà trọ ồn ào và nóng nực quá, học không vô”, Thảo tâm sự. Và từ 2h trưa, Thảo lại tiếp tục đạp xe đi làm đến 9 giờ tối. Nhớ lại thời gian cách đây một tháng, Thảo chia sẻ “Vừa học vừa làm oải lắm, nhiều lúc mệt đến không mở mắt nổi nhưng vẫn cố gắng đi học và nhờ bạn chép bài phụ, chỉ với ước mơ có được bằng ĐH”.

Cũng là một trong những “đàn chị” trong số học sinh thi ĐH năm nay, Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã tốt nghiệp THPT từ năm 2006 và làm công việc bán hàng đến nay mới đủ tự tin đăng ký thi ĐH. “Trước đây, em học giỏi Toán và Anh nhưng thi rớt ĐH vì môn Văn lười biếng học bài, đề thi kêu phân tích thơ mà lại không trích bài thơ nên e mới bị rớt”, Trâm tâm sự. Nhiều lần nuôi ý nghĩ sẽ không bao giờ thi lại ĐH, chỉ thích làm việc kiếm tiền, nhưng qua hai năm đi làm, Trâm mới thấu hiểu được tầm quan trọng của một nhân viên có học thức, bằng cấp cao trong công ty của mình. Sau thời gian suy nghĩ, quyết định trở lại trường thi, Trâm đã chuẩn bị kỹ lưỡng, và dành toàn bộ số tiền dành dụm đăng ký học trọn vẹn một khó luyện thi ĐH mong có được kết quả thi tốt nhất.

Vừa học vừa làm trang trải chi phí sinh hoạt, nhất định không làm phiền ba mẹ. Đó là ý chí mà Trâm đã đặt ra cho bản thân và gia đình trong mùa thi này.

Dù tự tin, hay còn căng thẳng thì tất cả họ vẫn ấp ú một ước mơ được đậu vào ngành học mà mình yêu thích để có một việc làm ổ định tương lai khi ra trường. Mong sao ước mơ ấy sẽ sớm thành hiện thực…

Bài, ảnh: Cẩm Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.