Tại sao tiếng Anh là ngoại ngữ duy nhất?

18/11/2008 23:01 GMT+7

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế mới về đào tạo thạc sĩ - trong đó có một số quy định về môn thi ngoại ngữ - nhiều cơ sở đào tạo cũng như người học đã phản ứng.

PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Bành Tiến Long (ảnh) - Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, tại sao trước đây khi thi cao học, người học được chọn 5 ngoại ngữ, nay lại chỉ thi ngoại ngữ duy nhất là tiếng Anh?

 
- Quy chế tuyển sinh sau ĐH ban hành năm 2001 quy định sử dụng 5 ngoại ngữ trong tuyển sinh đào tạo thạc sĩ là: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung (trình độ B). Quy định trên tuy có đem lại một chút thuận lợi cho người dự thi nhưng lại không đáp ứng yêu cầu hiện nay trong hội nhập và giao lưu quốc tế. Trong hội nhập quốc tế hiện nay, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ được dùng phổ biến nhất và gần như chiếm địa vị độc tôn trong các diễn đàn. Vì thế, cán bộ khoa học có trình độ thạc sĩ trở lên, ở bất kỳ lĩnh vực, ngành, chuyên ngành khoa học nào, ngôn ngữ dùng truyền đạt ý tưởng, quan điểm, chính kiến khoa học của mình trong các hội nghị, hội thảo hoặc trao đổi học thuật với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đều cần và phải biết tiếng Anh ở mức độ nào đó.

* Nhưng thưa ông, học sau đại học là một quá trình tự nghiên cứu. Ví dụ nghiên cứu về Hán nôm thì người học cần đọc các tài liệu, sách báo bằng tiếng Hán chứ chẳng lẽ lại phải đọc sách báo tiếng Anh?

- Quy định dùng tiếng Anh trong thi tuyển sinh đào tạo thạc sĩ của quy chế trên đây mới chỉ ở mức độ tối thiểu và cần được xem như một công cụ không thể thiếu của mọi cán bộ khoa học có trình độ học vấn thạc sĩ, như công nghệ thông tin vậy. Quy định cũng hoàn toàn không làm khó cho người học, bởi người học nếu nghiên cứu về lĩnh vực nào, có trình độ ngoại ngữ nào hoàn toàn có thể sử dụng trong quá trình học tập, nghiên cứu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các mức độ quy định của môn tiếng Anh trong đào tạo cao học chỉ yêu cầu người học có một công cụ tối thiểu để giao tiếp và trao đổi học thuật khi tham gia vào các hoạt động khoa học quốc tế. Thêm nữa, việc đưa vào yêu cầu này sẽ giúp việc đào tạo thạc sĩ trong nước tiến tới gần với chuẩn quốc tế, người học có thể thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc học liên thông, chuyển tiếp sang các chương trình đào tạo của nước ngoài...

“Quy chế lần này buộc tất cả thí sinh thi tuyển vào các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải dự thi môn tiếng Anh, trình độ tối thiếu là TOEFL 400; sau đó tiếp tục học thêm để khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ phải có trình độ tiếng Anh tối thiểu là TOEFL 450” - ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT.

* Vấn đề lo ngại nữa là việc quy định như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc liên thông giữa các bậc học. Ở bậc phổ thông và đại học, học sinh - sinh viên vẫn học nhiều ngoại ngữ khác nhau, nhưng khi lên đến cao học lại phải học và chỉ thi mỗi môn tiếng Anh. Như vậy những học sinh theo học môn ngoại ngữ khác sẽ không có cơ hội học sau đại học? Thêm nữa, các thầy cô giáo dạy các môn ngoại ngữ khác sẽ có nguy cơ mất việc làm vì các em sẽ không học nữa. Ông nghĩ sao?

- Theo tôi, quy định này hoàn toàn không mâu thuẫn với chủ trương về đào tạo ngoại ngữ ở các cấp học. Bộ GD-ĐT vẫn chủ trương đào tạo nhiều ngoại ngữ ở bậc phổ thông và đại học. Các em vẫn có quyền học và theo đuổi môn ngoại ngữ mà mình yêu thích và phù hợp với khả năng, định hướng nghề nghiệp sau này. Còn việc phải thi môn tiếng Anh khi học cao học thì như tôi đã nói, các yêu cầu về môn tiếng Anh chỉ dừng lại ở mức tối thiểu và người học chỉ cần học một thời gian ngắn (khoảng 6 tháng) là có thể đạt được trình độ mà quy chế yêu cầu.

* Người học cũng cần có định hướng và thời gian để chuẩn bị. Việc quy chế ban hành ngay mà chưa có sự thông báo trước, liệu khi thực hiện có khả thi hay không, thưa ông?

- Tôi xin nhấn mạnh, đây không phải là một quy định hoàn toàn mới, được đưa ra đột ngột, mà đã có lộ trình chuẩn bị trước. Quy định về thi tiếng Anh đã có trong quy chế đào tạo thạc sĩ ban hành từ năm 2005; nhưng đến nay chúng ta mới có điều kiện cụ thể hóa và đưa vào áp dụng. Hơn nữa, để phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi của học viên cũng như có thời gian để các cơ sở đào tạo chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu của quy chế đào tạo thạc sĩ mới, các quy định mới sẽ được bắt đầu áp dụng theo lộ trình. Cụ thể là đối với hai kỳ tuyển sinh tháng 8.2008 và tháng 2.2009, môn tiếng Anh thi theo quy định cũ, các môn khác thực hiện theo quy chế mới. Đến khóa tuyển sinh tháng 8.2009, khâu tuyển sinh sẽ thực hiện hoàn toàn theo quy chế mới.

Về chương trình đào tạo, học viên của khóa 2008 vẫn áp dụng theo chương trình cũ, từ khóa tháng 2.2009 sẽ đào tạo theo chương trình mới. Theo quy chế mới, chương trình đào tạo thạc sĩ của chúng ta sẽ chuyển sang phương thức đào tạo tín chỉ. Tuy nhiên, để tăng tính khả thi, lộ trình thực hiện sẽ chuyển dần từng bước: đối với khóa tuyển sinh trong hai năm 2009 và 2010, sẽ tùy theo điều kiện của từng cơ sở để áp dụng phương thức đào tạo tín chỉ hay niên chế. Nhưng từ năm 2011, tất cả các chương trình đào tạo thạc sĩ ở VN sẽ theo phương thức tín chỉ và học viên tốt nghiệp từ năm 2011 sẽ phải bảo vệ luận văn theo yêu cầu của quy chế mới.

Đối với quy định thi môn ngoại ngữ Anh văn theo dạng thức TOEFL, IELTS sẽ được bắt đầu từ kỳ thi tháng 8.2009. Từ nay cho đến kỳ thi tháng 8.2009, những thí sinh có điều kiện có thể đăng ký tham dự các kỳ thi tiếng Anh dạng thức TOEFL hoặc IELTS quốc tế hoặc nội bộ (Institutional), đạt mức độ nêu trên, nộp cho cơ sở đăng ký đào tạo để được xem xét cho miễn thi.

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.