Tại sao không?

18/08/2009 08:00 GMT+7

Nhiều người cho rằng xã hội có thầy thì phải có thợ, thợ cần thầy để được hướng dẫn, thầy cần thợ để thực hành. Điều đó đúng. Thế nhưng có vội vã lắm không khi kết luận thợ và thầy đều quan trọng như nhau?

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng thầy luôn quan trọng hơn thợ. Lẽ nào một người mất những 4 năm, thậm chí là 5, 6 năm trên giảng đường ĐH lại ngang với những anh chỉ có trình độ CĐ, TCCN, trung cấp nghề... với thời gian đào tạo ngắn hơn và đương nhiên lượng kiến thức cũng hạn chế hơn rất nhiều. Người thợ luôn bị phụ thuộc và chịu sự chi phối của người thầy. Thực tế cho thấy, cùng trình độ ĐH như nhau mà cũng phân hóa, có người làm sếp, người làm nhân viên chứ đừng nói vai vế giữa thầy và thợ... Ngày nay Nhà nước đã tạo điều kiện cho người có trình độ dưới ĐH được học lên cao bằng các chương trình liên thông (đi đường vòng) để mọi công dân có quyền được học tập suốt đời. Thế nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để đi từng bước như thế. Nhiều người trong số họ làm việc quần quật vẫn không đủ ăn trước thời buổi khó khăn như hiện nay thì lấy đâu thời gian, vật chất, tinh thần để học lên cao. Nhắc đến vật chất, ta thấy ngay được rằng, trừ những trường hợp hiếm, đa số những người có trình độ ĐH luôn lĩnh nhiều tiền hơn những người có trình độ thấp ở tháng lương đầu tiên...

Một người trượt ĐH đâu phải chỉ vì người ấy kém... Đôi khi đó lại là người chưa biết phát huy thế mạnh của mình. Có thể người ấy rất giỏi Toán nhưng trượt khối A vì Lý, Hóa học kém. Tôi tin chắc rằng nếu vì hoàn cảnh khó khăn hoặc chán nản trước thất bại, người ấy sẽ tìm kiếm cơ hội ở những bậc học thấp hơn để tiếp tục được học tập... Có thể chúng ta sẽ có thêm một người thợ giỏi. Tuy nhiên, nếu người này nỗ lực hơn ở 2 môn Lý và Hóa để năm sau thi lại khối A hoặc chuyển sang thi những khối không có 2 môn "sở đoản", thí dụ như khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) thì có ai dám khẳng định người này sẽ tiếp tục trượt, mà biết đâu chúng ta lại có thêm một người thầy xuất sắc? Theo tôi, hãy nỗ lực vào ĐH bằng mọi giá bằng cách khắc phục những hạn chế và phát huy những ưu điểm của bản thân vì con đường ĐH là con đường bằng phẳng nhất để đi đến thành công dù đó không phải là con đường duy nhất.

 Phùng Ngô Hà Châu

Với chủ đề "Có cần vào đại học để thành công?", Báo Thanh Niên và NESCAFÉ mong nhận được ý kiến đóng góp và tham gia của bạn đọc trên mọi miền đất nước về vấn đề nóng hổi này khi kỳ thi ĐH bước vào giai đoạn kết thúc. Ý kiến dưới dạng bài viết (bằng tiếng Việt) khoảng 600 chữ, xung quanh chủ đề trên gửi về e-mail: cungtrochuyen@thanhnien.com.vn ;Bạn cũng có thể chia sẻ thêm ý kiến về các chủ đề khác của chương trình “Cùng trò chuyện với NESCAFÉ” tại www.cungtrochuyen.com.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.