Sở GD-ĐT làm sao có thể thẩm định mở ngành ở bậc ĐH?

18/05/2011 00:01 GMT+7

Sở GD-ĐT trước giờ chỉ chuyên trách giáo dục phổ thông, TCCN giờ lại “tiền kiểm” hồ sơ mở ngành của ĐH-CĐ.

 

Sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM trong giờ thực hành thí nghiệm - ảnh: Đ.N.T

Thông tư 08 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 17.2.2011 quy định điều kiện, quy trình, hồ sơ... mở ngành đào tạo trình độ ĐH-CĐ mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã làm cho những người quản lý các trường ĐH, CĐ bức xúc. Còn các chuyên gia giáo dục nhận định: thông tư này thêm “cửa” hành chính rườm rà, đơn vị thẩm định hồ sơ không đủ năng lực, rối nhân sự...

Quá sức

Bộ GD-ĐT không nên giao cho bất kỳ một đơn vị hành chính nào làm việc này mà đây là việc của các cơ sở giáo dục đại học. Các trường tự mở và tự chịu trách nhiệm.

GS Nguyễn Quang Toản Viện trưởng Viện Kiểm định và phát triển chất lượng TP.HCM

Điều 6 của thông tư nêu: cơ sở đào tạo mở ngành phải gửi hồ sơ đến Sở GD-ĐT, nơi trường đặt trụ sở đào tạo. Tiến sĩ Đặng Chí Chơn, Hiệu trưởng trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp TP.HCM nhận định: “Nhiều sở giáo dục khó lòng kham nổi vì họ luôn trong tình trạng thiếu nhân sự lẫn chuyên môn để đánh giá một chương trình đào tạo của các bậc học CĐ-ĐH”. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Văn Lang, cũng cho biết: “Thẩm định về cơ sở vật chất, giảng viên, thư viện... Sở GD-ĐT lớn thì còn có thể làm được, chứ Sở GD-ĐT nhỏ thì chưa biết thế nào. Vì nhân viên Sở GD-ĐT khó mà hiểu hết ngành nghề trong các trường ĐH, CĐ được...”.

 Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói: “Giao cho Sở GD-ĐT thẩm định là không khả thi. Bởi nếu như vậy, Sở cần phải có một phòng ban chuyên môn và nhân sự phải thực sự am hiểu về giáo dục ĐH-CĐ. Phải hiểu nội dung đào tạo gắn với chủng loại thiết bị dạy học, số lượng bao nhiêu... thì mới đánh giá chính xác được. Nếu có phòng ban này thì bộ máy của sở lại quá to so với chức năng nhiệm vụ của nó”. Chính sự không am hiểu trong quá trình kiểm tra sẽ dẫn đến tình trạng cơ sở xin mở ngành nói sao thì nghe vậy. Phần khác, cơ sở đào tạo lại mất nhiều thời gian vì phải qua một... cửa hành chính.

Về phía Sở GD-ĐT, nhiều lãnh đạo cũng tỏ ra băn khoăn. Ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Hầu hết các sở đều thiếu nhân sự lại kiêm nhiệm thêm việc thẩm định mở ngành nên gặp không ít khó khăn. Hiện Sở GD-ĐT Đồng Tháp chỉ có 51 cán bộ. Sắp tới, Bộ cho sở tăng biên chế (60 biên chế với địa phương nào có số dân dưới 2 triệu người và trên 65 biên chế với địa phương có số dân trên 2 triệu) thì may ra kham nổi”.

Nên giao các trường tự chịu trách nhiệm

GS Nguyễn Quang Toản - Viện trưởng Viện Kiểm định và phát triển chất lượng TP.HCM cho rằng, việc giao quyền thẩm định mở ngành ở các trường ĐH, CĐ cho các sở GD-ĐT là một việc không thể làm được. “Các Sở không đủ người để làm việc này. Ở các Sở thì lấy đâu ra các giáo sư, tiến sĩ đủ hiểu biết về các lĩnh vực đào tạo mà thẩm định? Trong khi việc này cần phải có hội đồng thẩm định của các nhà khoa học mới có thể đánh giá được. Vì vậy việc giao cho các Sở làm sẽ chẳng khác nào “bắt chuột đi cày” - GS Toản ví von.

Ông Toản cũng cho biết, trên thế giới không có nước nào làm vậy. Việc mở ngành được giao cho các trường. Việc thẩm định sẽ do Chủ nhiệm bộ môn của các trường thực hiện vì bộ môn là đơn vị cơ bản để đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ở đây tập trung những giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, đủ kiến thức chuyên ngành để thẩm định. Vì vậy, GS Toản kiến nghị: “Bộ GD-ĐT không nên giao cho bất kỳ một đơn vị hành chính nào làm việc này mà đây là việc của các cơ sở giáo dục đại học. Các trường tự mở và tự chịu trách nhiệm. Nếu họ thấy ngành đó phát triển được thì tự họ mở. Khi mở rồi, ngành đó không “sống” được thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Còn bây giờ, cứ cấp phép cho họ nhưng ngành đó không phát triển được thì hiện cơ quan cấp phép có phải chịu trách nhiệm đâu?”.

Cần xóa bỏ cơ chế xin - cho

GS Trần Phương - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã bày tỏ những bức xúc xung quanh những quy định về mở ngành của Bộ GD-ĐT.

Theo ông thì những quy định đó chỉ mang tính xin - cho. Ông nói: “Khi trường tôi muốn mở một ngành học, cũng phải chờ ít nhất 6 tháng mới nhận được cái giấy phép của Bộ GD-ĐT. Điều đáng nói việc xin - cho này chỉ là những thủ tục rườm rà và tạo kẽ hở cho “văn hóa phong bì!”. GS Phương nhấn mạnh: “Ở các nước trên thế giới, các trường ĐH đều có quyền tự chủ mở các ngành đào tạo và thiết kế nội dung các chương trình đào tạo. Nói đến quyền tự chủ của các trường ĐH thì trước tiên là nói đến quyền này...

Nước ta có 200 trường ĐH, nếu bình quân mỗi trường ĐH 10 ngành (thực tế thì nhiều hơn), cả nước sẽ có 2.000 ngành. Trong số các ngành này có nhiều ngành có tên gọi giống nhau, nhưng nội dung đào tạo thì lại không hoàn toàn giống nhau vì mỗi trường có một điểm mạnh riêng của mình. Nếu Bộ giữ lấy quyền cho phép mở ngành thì bộ có đủ chuyên gia để thẩm định chương trình đào tạo của 2.000 ngành không?”.

GS Phương cho rằng cần phải bỏ tư duy quản lý về giáo dục đại học như hiện nay. Ông phân tích: “Quản lý giáo dục ĐH không giống như quản lý tiểu học hay giáo dục trung học phổ thông. 1.000 trường tiểu học chỉ là một trường. Vì 1.000 trường chỉ dạy chung một chương trình, sử dụng chung một hệ thống giáo trình. 1.000 trường THPT cũng vậy. Trong khi đó một trường ĐH thường "ôm" trong nó ít nhất 10 trường (10 ngành nghề đào tạo), 20 trường hoặc nhiều hơn thế.

Để thiết kế một chương trình đào tạo cho một ngành học (cũng tức là cho một nghề), trường ĐH phải dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của một tập thể chuyên gia gồm hàng chục nghề khác nhau. Công việc này chỉ có các trường ĐH mới làm nổi, không cơ quan quản lý nào thay thế được họ”.

Vũ Thơ

Minh Lộc - Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.