Sách tham khảo gây “nhiễu” sĩ tử

06/04/2010 14:05 GMT+7

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các môn thi tốt nghiệp THPT, thị trường sách tham khảo ngay lập tức nóng lên, tuy nhiên đa số học sinh đều bị nhiễu bởi số lượng quá lớn các đầu sách loại này.

Những ngày này, tại hầu hết các cửa hàng, siêu thị sách ở Hà Nội, khu vực dành cho học sinh cuối cấp luôn chật kín học sinh và phụ huynh. Đáng nói là trong khi mỗi bộ môn đã có vài chục đầu sách khác nhau thì mỗi nhà xuất bản (NXB) lại sở hữu vài bộ sách tham khảo trọn gói, từ Toán, Văn, Anh tới Sử, Địa... dành cho các sĩ tử.

Tại một hiệu sách nổi tiếng trên phố Lý Thường Kiệt, nhẩm đếm sơ qua chúng tôi đã thấy có xấp xỉ ba mươi đầu sách tham khảo chỉ cho một bộ môn Lịch sử với sự góp mặt khá đông đủ của các NXB như: NXB Giáo dục, ĐH Sư phạm, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM... Từ Câu hỏi tự luận lịch sử, Trắc nghiệm lịch sử cho tới quyển Trọng tâm kiến thức lịch sử hay Chuẩn bị kiến thức lịch sử... quyển nào cũng vài trăm trang, cuốn nào cũng không quên hứa hẹn sẽ bổ trợ kiến thức tốt nhất cho học sinh...

Kém “nóng” như môn Địa lý thì sách tham khảo cũng ngập tràn trên giá với những tựa đề vô cùng hấp dẫn và “cấp thiết” như: Hướng dẫn luyện kỹ năng và trắc nghiệm địa lý, Trọng tâm kiến thức và bài tập địa lý, Trắc nghiệm thực hành địa lý... Đương nhiên, với các môn chính như Toán, Văn, Anh, số lượng các đầu sách còn lớn hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nếu nhìn lướt qua mục lục sẽ thấy, rất nhiều nội dung tương đồng, thậm chí khá trùng nhau. Trong số đó, NXB Giáo dục đóng góp nhiều đầu sách nhất, ở tất cả các bộ môn.

Cả cô và trò đều “loạn”

Sau khi đứng “tẽn tò” khá lâu trước một rừng sách tham khảo bộ môn Lịch sử trong hiệu sách Nguyễn Văn Cừ (Cầu Giấy), bạn Nguyễn Thùy Linh (lớp 12 trường THPT dân lập Trần Quốc Hoàn) “phán” một câu xanh rờn với cô bạn đi cùng: “Một là mua tất cả, hai là không mua quyển nào”. Giải thích với chúng tôi, Linh cho biết: “Những học sinh thi khối A như em thường chỉ cần một quyển sách tham khảo, ôn tập tổng hợp và dễ hiểu để học, đủ thi tốt nghiệp. Thế nhưng, môn nào cũng nhiều sách như thế này thì thực sự em không biết chọn thế nào”.

Không chỉ học sinh “hoa mắt”, mà ngay cả các giáo viên cũng bối rối trong việc lựa chọn sách tham khảo. Có thâm niên lâu năm trong nghề, cô Bùi Minh Hà, một giáo viên bộ môn Toán của một trường THPT dân lập có tiếng cho biết: “Bản thân tôi cũng phải đứng tần ngần một lúc lâu, cứ lựa 4-5 quyển rồi mãi sau mới lọc được một quyển gọi là tương đối vì thực sự có quá nhiều đầu sách, có quá nhiều NXB để mà lựa chọn”. Vì vậy mà để tránh bị “tẩu hỏa nhập ma”, học sinh hiện nay rất ít mua sách. Chủ yếu, các em đi học theo nhóm, lớp luyện thi, tài liệu hoàn toàn do các thầy cô chọn sẵn.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Kim Hoa, giáo viên bộ môn Địa lý trường THPT Việt Đức, Hà Nội nói: “Sách tham khảo ở trên thị trường năm nào cũng tràn ngập các hiệu sách nhưng quyển nào cũng na ná giống quyển nào. Công bằng mà nói, sách tham khảo cũng có ích nhưng chỉ với những học sinh khá, có thời gian ôn luyện cho kỳ thi đại học. Còn để thi tốt nghiệp thì các em chỉ cần sử dụng quyển sách hướng dẫn của Bộ là được rồi. Riêng với môn Địa lý, luyện thêm một số bài tập và nắm cách đọc Atlas là có thể đạt điểm cao, không cần thiết phải mua nhiều sách tham khảo”.

Thanh Thanh Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.