Ra đi mang kiến thức về

27/11/2008 12:10 GMT+7

Đưa nhân viên sang các nước làm việc là xu hướng đang được các công ty liên doanh, các tập đoàn đa quốc gia áp dụng.

Đầu năm 2007, Phạm Vũ Minh Đan, phụ trách nhân sự Công ty BAT VN, lên đường sang Malaysia đảm nhận vị trí chuyên viên nhân sự. Cô đã có một năm làm việc với những đồng nghiệp mới tại nước bạn. Đây cũng là thời gian để Minh Đan học hỏi thêm kiến thức từ những đồng nghiệp mới.

Xu hướng đưa nhân viên sang nước ngoài

Từng làm việc ở Singapore, Úc nên với Phạm Vũ Minh Đan, việc đến Malaysia không nằm ngoài mục tiêu biết thêm những điều mới mẻ từ các nước đang phát triển. Cô cho biết: “Khi đến Malaysia, đồng nghiệp mới tiếp đón tôi thật nồng hậu. Dù họ đã quen với cách làm việc rất độc lập nhưng luôn hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau”.

Đưa nhân viên sang các nước làm việc là xu hướng đang được các công ty liên doanh, các tập đoàn đa quốc gia áp dụng. Những chương trình hoán đổi nhân sự giữa các quốc gia trong cùng một tập đoàn được thực hiện khá phổ biến. Tại Công ty Procter & Gamble (P&G) VN, có hơn 20 nhân viên thuộc các bộ phận như marketing, tài chính, nhân sự, IT sang các nước như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Úc, Canada... làm việc. Trong tương lai, sẽ có nhiều nhân viên giỏi được chọn làm việc theo chương trình này. Ở Công ty Unilever VN cũng có vài chục nhân viên, nhà quản lý được đưa sang các nước làm việc. Mô hình này cũng được các công ty Pepsi, KPMG... thực hiện hằng năm dành cho những nhân viên ưu tú.

Học hỏi xứ người

Cách đây 10 năm, anh Nguyễn Hồng Sơn, hiện là Giám đốc tài chính cao cấp của Công ty Ace Life VN, là người Việt đầu tiên thi đậu chương trình trao đổi nhân viên quốc tế và được KPMG đưa sang Mỹ làm việc. Đến Mỹ, anh gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa. Anh Sơn kể: “Tôi đã cố gắng bắt nhịp cuộc sống hiện đại, tập làm quen với những đồng nghiệp mới. Thời gian ấy, ban ngày làm việc, tối đến tôi theo học những khóa nâng cao”. Cũng trong thời gian ấy, dù vừa học vừa làm nhưng anh vẫn tham gia khóa học lấy chứng chỉ CBA- chứng chỉ hành nghề kiểm toán độc lập. Sau những tháng năm vất vả, anh đã đạt được chứng chỉ CBA và là niềm tự hào của những người làm tài chính lúc bấy giờ.

Còn với chị Lê Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính Công ty P&G VN, suốt 10 năm làm việc cho P&G cũng là những năm tháng chị làm “đặc sứ” về tài chính tại các quốc gia như Singapore, Úc, New Zealand... Chị cho biết: “Đi qua nhiều quốc gia, nhiều vùng, điều mà tôi cần học hỏi chính là văn hóa, ngôn ngữ ở mỗi vùng miền”. Chính vì thế mà chị đã học hỏi không ngừng từ ngoại ngữ đến văn hóa của người bản địa để hòa nhập với đồng nghiệp, môi trường mới. “Những năm tháng làm việc ở các nước là một thách thức lớn đối với tôi. Song, qua đó, tôi đã trưởng thành, vững vàng hơn về mọi mặt”- chị Hà nói.

Trở về đảm nhận vị trí chủ chốt

Tháng 9-2008, anh Vũ Đông Hiệp sau 3 năm làm việc ở nước ngoài đã trở về P&G VN đảm nhận vị trí giám đốc nhà máy. Có được kết quả trên là sự phấn đấu không ngừng của những năm tháng anh khổ luyện nơi đất khách quê người. Còn với Phạm Vũ Minh Đan, sau gần một năm làm việc tại Malaysia, cô cũng đã trở về VN đảm nhận vị trí trưởng bộ phận phát triển tổ chức và quản lý thay đổi doanh nghiệp. Minh Đan cho biết: “Những kiến thức học hỏi được từ đồng nghiệp các nước giúp tôi có cái nhìn thấu đáo hơn về cách quản lý và phát triển nguồn nhân lực. Đó chính là cách vận dụng sức mạnh của tập thể, của mọi người để đạt mục tiêu chung”.

Chị Lê Thị Thanh Hà sau gần 10 năm làm việc ở các nước cũng trở về VN đảm nhận vị trí Giám đốc tài chính P&G VN. Chị cho rằng: “Thay đổi môi trường làm việc là một cách huấn luyện rất hiệu quả. Nó làm cho người ta phát huy mọi khả năng của mình để tồn tại. Đồng thời nó làm cho mình luôn ham muốn được tiếp thu, học hỏi thật nhiều để mang về phụng sự quê hương, đất nước”.

Theo Huỳnh Nga / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.