Quy chế, hiểu sao cũng được

21/07/2012 03:20 GMT+7

Một số quy chế của Bộ GD-ĐT thiếu chặt chẽ dẫn đến việc các trường vận dụng khác nhau, gây ảnh hưởng tới thí sinh (TS), học sinh, sinh viên.

Quy chế, hiểu sao cũng được
Nhiều trường vận dụng khác nhau trước quy định những vật dụng được mang vào phòng thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nơi cho, nơi cấm

Dù đã áp dụng nhiều năm nhưng quy định được hay không được mang Atlat địa lý Việt Nam vào phòng thi vẫn còn là vấn đề tranh cãi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Trong khi hầu hết các trường đều cấm TS mang Atlat vào phòng thi thì hội đồng thi Trường ĐH Mở TP.HCM lại cho phép sử dụng.

Trao đổi vấn đề này, một cán bộ đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết: “Việc trường cho phép TS mang cuốn Atlat địa lý Việt Nam vào phòng thi là căn cứ vào Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ. Trước đây khi cấm mang Atlat thì quy chế liệt kê rõ trong phần những vật dụng TS không được mang vào phòng thi. Nhưng quy chế tuyển sinh hiện hành không cấm việc này”. Vị cán bộ này nói thêm: “Thực tế Atlat địa lý Việt Nam chỉ là một dụng cụ, giống với bảng tuần hoàn hóa học chỉ cung cấp các thông số, số liệu, sơ đồ… mà TS không cần thiết phải nhớ hết. Với đề thi được ra theo xu hướng đòi hỏi sự tổng hợp và suy luận cao như hiện nay, việc cho phép sử dụng các dụng cụ trên là cần thiết”.

Hiểu theo cách khác, thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng: “Điểm 3d điều 25 Quy chế tuyển sinh đã quy định rõ, TS không được mang tài liệu vào phòng thi, và Atlat địa lý Việt Nam chính là một tài liệu nên nếu TS mang vào là vi phạm quy chế”.

 Cũng liên quan đến quy chế thi, Thông tư số 24 ra ngày 29.6 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy cũng tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau về việc cho phép mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình.

Chẳng hạn, trước khi đợt thi CĐ diễn ra, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội đã tập huấn cho giám thị là nếu TS mang những vật dụng như máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi phải báo cáo công khai và để trên bàn. Trường này sẽ thu lại các vật dụng đó để kiểm tra xem thiết bị có được phép không và sẽ trả lại sau 10 ngày. Đặc biệt, nếu TS sử dụng trong phòng thi sẽ bị lập biên bản! Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM không cho mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, trừ trường hợp nào quá đặc biệt thì cho mang vào nhưng theo dõi chặt chẽ. Ở mỗi phòng thi của Trường ĐH Luật TP.HCM đều có sẵn danh sách để TS dự thi có nhu cầu mang theo loại máy nào thì đăng ký trước…

Cơ hội để lách

 

Những quy chế trước khi ban hành cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên cái nhìn tổng thể mới tránh được sai sót

Tiến sĩ NGUYỄN TIẾN DŨNG Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Quy định không cụ thể cũng tạo điều kiện cho nhiều trường “lách”. Cụ thể là việc xét tuyển thẳng TS 62 huyện nghèo theo quy định mới năm nay.

Theo điều 33 quy chế tuyển sinh, TS là người dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tại các huyện nghèo, học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này sẽ được hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ xem xét tuyển thẳng. Tuy nhiên, nhiều trường đưa ra những quy định quá ngặt nghèo gây khó cho TS. Kết quả là rất ít TS đáp ứng đủ điều kiện của các trường.

Đến nay không TS nào được xét vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khi trường này đưa ra tiêu chí TS phải đạt học lực giỏi 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT loại giỏi. Thậm chí một số trường còn tuyên bố thẳng không xét tuyển TS huyện nghèo như Trường CĐ Y tế Thái Nguyên, Trường ĐH Kinh tế Hà Nội… Rõ ràng là các trường có quyền chủ động đặt ra những tiêu chí để xét tuyển, nhưng không thể từ chối không nhận hoặc đặt ra những điều kiện quá mức để các TS này không vào được.

 Quy chế lỏng lẻo, trong nhiều trường hợp còn là kẽ hở để các trường lợi dụng “vượt rào” trong tuyển sinh. Chẳng hạn quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ được ban hành vào năm 2008 của Bộ GD-ĐT. Trong đó, điều 4 về đối tượng đào tạo liên thông ghi rõ: “Đối với đào tạo liên thông từ trình độ TC lên CĐ hoặc từ trình độ CĐ lên ĐH, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất một năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển”. Tuy vậy, năm 2009 và 2010 Trường ĐH Lao động - Xã hội (cơ sở 2, TP.HCM) đã cấp giấy báo trúng tuyển CĐ, ĐH liên thông chính quy cho một số sinh viên vừa tốt nghiệp chỉ đạt loại trung bình - khá. Trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này, một cán bộ phòng đào tạo trường cho rằng: “Quy định về đào tạo liên thông chỉ nói đến đối tượng tốt nghiệp loại khá trở lên và loại trung bình, không đề cập đến đối tượng tốt nghiệp trung bình - khá. Do vậy, căn cứ vào đó thì trường không làm sai quy định”!

 Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nhận định: “Nhiều quy định, quy chế mà Bộ đặt ra quá cụ thể, chi tiết nhưng thiếu bao quát, tổng thể. Chẳng hạn điều 25 Quy chế tuyển sinh nếu đã có mục c quy định các vật dụng được mang vào phòng thi thì không cần có mục d về các vật dụng không được mang vào. Có như vậy mới tránh được những lỗ hổng, cách hiểu sai dẫn đến tình huống “tréo ngoe” trong thực tế. Những quy chế trước khi ban hành cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên cái nhìn tổng thể mới tránh được sai sót”.

Hà Ánh

>> Tăng vọt thí sinh vi phạm quy chế
>> Quy chế riêng cho trường nghệ thuật
>> Để không phạm quy chế thi
>> Xét tuyển ĐH-CĐ: Không được đặt ra quy định trái quy chế
>> Kiểm điểm cán bộ vi phạm quy chế thi
>> Trường TCCN vi phạm quy chế sẽ không được tuyển sinh
>> Bước tiến trong quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.