Nhiều sai phạm tại các trường ĐH lớn

02/04/2015 21:11 GMT+7

(TNO) Ngày 31.3, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp VN và các trường ĐH: Vinh, Luật TP.HCM, Kinh tế TP.HCM trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định 43/2006 của Chính phủ.

(TNO) Ngày 31.3, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp VN (trước đây là Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) và các trường ĐH: Vinh, Luật TP.HCM, Kinh tế TP.HCM trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định 43/2006 của Chính phủ (Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập).

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tuyển vượt chỉ tiêu

Theo đó, về việc thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo, tại một số trường thành viên thuộc ĐH Huế và Trường ĐH Luật TP.HCM có một số học viên trúng tuyển sau ĐH chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đào tạo thạc sĩ kinh tế khóa K20 thời gian vượt quá quy định 1 năm theo quy định.

Bộ GD-ĐT còn hạn chế trong giám sát

Riêng với Bộ GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ kết luận Bộ này đã ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp rất chậm.

Tháng 10.2013, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản thông báo ủy quyền cho các đơn vị sự nghiệp về dự toán thu - chi ngân sách nhà nước, dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh lý tài sản hết hiệu lực. Do đó các đơn vị không còn được tự chủ trong một số lĩnh vực, đã được phân cấp, ủy quyền. Điều này không phù hợp với xu hướng phân cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị và chưa phù hợp với các quy định tại nghị định 43 của Chính phủ. Hơn nữa, việc kiểm tra giám sát thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị sự nghiệp của Bộ GD-ĐT còn hạn chế, các sai phạm tại những đơn vị trực thuộc chưa được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.

Trong tuyển sinh và đào tạo ĐH chính quy, liên thông CĐ lên ĐH, một số đơn vị tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao. Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế) không được giao chỉ tiêu vẫn tuyển sinh liên thông CĐ lên ĐH chính quy năm 2011 với 110 sinh viên. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) mở ngành đào tạo bậc ĐH văn bằng 2 chính quy nhưng chưa được sự đồng ý của Giám đốc ĐH Huế. Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Huế cũng đào tạo ĐH liên thông chính quy năm 2011 vào cuối tuần và buổi tối, không đúng thời gian quy định. Cũng tại ĐH Huế, Trung tâm đào tạo từ xa tuyển sinh vượt chỉ tiêu được phê duyệt (năm 2011 vượt 53,7% và năm 2012 vượt 11,48%).

Nhiều trường ĐH còn vi phạm quy định trong liên kết đào tạo với nước ngoài. Cụ thể, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội chương trình liên kết đào tạo với Hội đồng Liên ĐH Cộng đồng Pháp ngữ (Bỉ) có 7 học viên chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ. Trường ĐH Luật TP.HCM có một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm luận văn tốt nghiệp theo Quy chế đào tạo thạc sĩ ban hành năm 2008.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có chương trình đào tạo cao học được Bộ GD-ĐT phê duyệt đến nay 20 năm nhưng chưa làm thủ tục gia hạn chương trình đào tạo, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển phù hợp với chương trình đào tạo quốc tế bậc sau ĐH. Riêng khóa 18 (năm 2012) 100% học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM còn liên kết với ĐH Victoria (Úc) đào tạo cấp bằng cử nhân kinh doanh (năm 2012 khóa đào tạo IBBus 3.1), có 34/52 học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ.

Thu “phí điều hành học phí”

Cũng theo kết luận này, hầu hết các đơn vị đều thu vượt, thu ngoài quy định của Nhà nước. Trong đó đáng chú ý là sai phạm của ĐH Huế khi quy định các đơn vị sự nghiệp cấp dưới phải nộp về ĐH này “phí điều hành học phí” từ 3% đến 14% trên tổng số học phí thu được để chi vốn đối ứng xây dựng cơ bản, hỗ trợ hoạt động đoàn thể và hoạt động chung. ĐH Huế đã sử dụng số tiền thu được để chi tại Văn phòng ĐH này. Việc thu và sử dụng phí điều hành học phí những năm qua của ĐH này không đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, ĐH này còn trích lại 6% phần kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù sư phạm của các đơn vị trực thuộc được coi như thu “phí điều hành học phí”. Việc quy định thu phí điều hành học phí và trích kinh phí cấp bù sư phạm là không đúng quy định.

Trên cơ sở này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan và các đơn vị hướng xử lý các sai phạm cụ thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.