Nhà toán học John Nash và vợ: Cuộc tình làm rung động hàng triệu người

25/05/2015 16:45 GMT+7

(TNO) 'Tất cả các nhà toán học đều đồng thời sống trong hai thế giới, một thanh cao thuần khiết kiểu triết gia Plato và một cuộc đời hiện thực ngắn ngủi, hỗn độn, đòi hỏi phải luôn luôn thích ứng mọi biến đổi. Riêng Nash, ông còn sống 30 năm trong một thế giới đặc biệt nữa, đó là thế giới hoang tưởng của người điên dại'.

(TNO) "Tất cả các nhà toán học đều đồng thời sống trong hai thế giới, một thanh cao thuần khiết kiểu triết gia Plato và một cuộc đời hiện thực ngắn ngủi, hỗn độn, đòi hỏi phải luôn luôn thích ứng mọi biến đổi. Riêng Nash, ông còn sống 30 năm trong một thế giới đặc biệt nữa, đó là thế giới hoang tưởng của người điên dại”.

Đó là đoạn miêu tả được trích trong cuốn tiểu thuyết A Beautiful Mind (tạm dịch: Một tâm hồn đẹp) của tác giả Sylvia Nasar, lấy cảm hứng từ cuộc đời của nhà toán học John Forbes Nash Jr., một trong những khoa học gia lỗi lạc của thế kỷ 20, người vừa tử nạn cùng với vợ trong một tai nạn giao thông tại Mỹ hôm 23.5.
Nhà toán học John Forbes Nash Jr., tác giả giải Nobel Kinh tế 1994 - Ảnh: Reuters
Trong 86 năm của cuộc đời mình, ông Nash đã để lại cho nhân loại không chỉ những học thuyết quan trọng được ứng dụng rộng rãi trong kinh tế, trí tuệ nhân tạo, sinh học tiến hóa, kế toán, chính trị,... mà còn cả câu chuyện về cuộc đời chống chọi với căn bệnh kỳ lạ và mối tình kéo dài hơn nửa thế kỷ với người vợ của ông.
"Ông già lang thang" trong khuôn viên Đại học Princeton
John Forbes Nash Jr. sinh ngày 13.6.1928 ở Bluefield, West Virginia (Mỹ) trong một gia đình trí thức có cha là kỹ sư điện tử, mẹ là giáo viên dạy tiếng Anh và tiếng Latin. Cậu bé Nash sớm tỏ ra… lập dị, tính tình hướng nội, không ham chơi đùa mà chỉ thích đọc sách, tờ The New York Times (Mỹ) cho biết.
Lấy bằng thạc sĩ ở tuổi 20 và được giáo sư của mình, ông Duffin, viết trong thư giới thiệu học tiếp với vỏn vẹn một câu: “Người đàn ông này là một thiên tài”, John Nash được đồng thời cả 4 trường đại học ở Mỹ gồm: Havard, Princeton, Chicago và Michigan nhận làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nash kết hôn với bà Alicia Lardé, một sinh viên ngành vật lý tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), vào tháng 2.1957.
Tháng 7.1958, khi tạp chí Fortune bầu chọn Nash là "ngôi sao sáng nhất" trong số các nhà toán học của thế giới hiện đại cũng là lúc ông bị phát hiện mắc chứng tâm thần phân liệt. Cuộc đời ông tuột dốc từ đây.
Nash phải nhập viện, trải qua nhiều đợt điều trị bằng biện pháp sốc điện. Trong nhiều năm liền, người ta thấy ông đi lang thang trong khuôn viên Đại học Princeton (Mỹ), cô đơn và lặng lẽ viết nguệch ngoạc những công thức khó hiểu trên bảng đen ở Hội trường Fine, nơi ông từng có những phát hiện toán học vĩ đại của cuộc đời, theo The New York Times.
Trong những năm tháng đó, khi Lý thuyết trò chơi được giảng dạy trong khắp các khóa học kinh tế trên toàn thế giới, Nash - cha đẻ của lý thuyết đó - lại chìm trong ảo tưởng rằng mình là thành viên của một tổ chức bí mật đang thực thi một sứ mạng vĩ đại. Ông để tóc dài, ra nước ngoài và có lúc từng muốn từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình, vào lúc khác ông tưởng bản thân là một tướng quân Nhật Bản hoặc một người tị nạn Palestine, theo The New York Times.
“Bên ngoài Đại học Princeton, người ta đơn giản nghĩ rằng Nash đã không còn tồn tại trong cuộc đời này", tác giả Sylvia Nasar mô tả giai đoạn này trong cuộc đời Nash.
Tình yêu cứu rỗi cuộc đời
Trong gần một phần tư thế kỷ, mặc dù nhiều lần không thể chịu nổi cuộc sống với người chồng bị hoang tưởng nặng và ba lần đã ký vào đơn ly dị, nhưng cuối cùng bà Alicia vẫn kiên trì ở lại chăm sóc ông.
Năm 1970, khi ông Nash ra viện, bà Alicia đã đón về ông về chăm sóc. Trong thời gian này, bà dùng tiền lương ít ỏi của một nhân viên làm chương trình máy tính, đồng thời nhận trợ cấp từ gia đình và bạn bè để nuôi con và chữa bệnh cho chồng.
Ông John Forbes Nash và vợ, bà Alicia Lardé - Ảnh: Reuters
Cũng trong năm này, Đại học Princeton đã mời ông quay trở lại giảng dạy tại trường. Chính bàn tay nhân ái của Đại học Princeton và các đồng nghiệp nơi đây đã giúp Nash tránh khỏi thảm kịch, bởi nếu về quê, ông chỉ có thể làm kẻ lang thang xin ăn.
Phép màu đã xảy ra khi bệnh tình của Nash từ từ thuyên giảm, tuy rất chậm. Cuối những năm 1980, người ta thấy ông bắt đầu trò chuyện tỉnh táo với mọi người, làm quen với một vài nghiên cứu sinh và bàn bạc một vài vấn đề toán học có ý nghĩa.
Ông Nash và vợ đã tái hôn vào năm 2001, cũng là năm mà A Beautiful Mind, bộ phim về cuộc đời ông, ra mắt công chúng. Cuộc đời đầy sóng gió của ông cùng tình yêu của Alicia đã lay động trái tim nhiều khán giả trên thế giới. Họ cho rằng tình yêu này chính là liều thuốc quan trọng giúp Nash dần hồi phục, trở lại với cuộc sống, và quan trọng hơn là, giúp ông lại có thể làm toán.
Lý thuyết trò chơi và tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài toán học
Lý thuyết trò chơi được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống - Ảnh: Reuters
Nash được coi là cha đẻ của Lý thuyết trò chơi, hay còn gọi là mô hình toán học nghiên cứu những xung đột và hợp tác giữa những người đưa ra quyết định. Lý thuyết trò chơi giả định một "trò chơi", về cơ bản, bao gồm những người chơi và quy tắc. Mỗi người chơi muốn tối đa hóa sự hài lòng của cá nhân bằng cách đưa ra những quyết định, trong khi đó, quyết định này bị ảnh hưởng bởi quyết định của người chơi khác.
Khi mô tả quá trình đưa ra quyết định dưới hình thức một bài toán tối ưu, Nash chỉ ra rằng nhiều trò chơi có xu hướng phát triển đến một trạng thái ổn định và có thể dự đoán được, hay còn gọi là Trạng thái cân bằng Nash.
Bằng cách biến các doanh nghiệp trong một nền kinh tế cạnh tranh thành những người chơi trong trò chơi, với động cơ tối đa hóa lợi nhuận, Lý thuyết trò chơi của Nash đã trả lời câu hỏi vốn được xem là trung tâm và tồn tại từ lâu trong Kinh tế học, đó là tại sao doanh nghiệp lại ra quyết định này, mà không phải là một quyết định khác; quan trọng hơn, Lý thuyết trò chơi và Trạng thái cân bằng Nash còn dự đoán được trạng thái tự nhiên mà thị trường sẽ tự động điều chỉnh để hướng đến.
Mô hình tương tự xuất hiện trong khoa học chính trị, quân sự, trí tuệ nhân tạo, triết học... và bất ngờ, Lý thuyết trò chơi cung cấp công cụ mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề này.
Lý thuyết trò chơi này giúp John Nash nhận được giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1994, dù vậy, ông lúc nào cũng chỉ nhận mình là nhà toán học thuần túy. 
“Những thành tựu của John đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà toán học, kinh tế học và khoa học nói chung”, giáo sư Christopher L. Eisgruber, Hiệu trưởng Đại học Princeton, phát biểu sau cái chết của Nash. “Còn câu chuyện về cuộc đời ông cùng mối tình với Alicia đã làm rung động hàng triệu người bằng dũng khí của họ trong cuộc đối đầu với những thử thách không tưởng”, The New York Times dẫn lời giáo sư Eisgruber.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.