Nghề giáo - Bao người quên, mấy người nhớ: Cô, trò cùng ghi điểm

20/11/2013 08:00 GMT+7

(TNO) Học trò ngày nay có cách thể hiện tình cảm riêng với thầy, cô giáo và chính thầy cô giáo trẻ của họ, cũng có cách riêng để đi vào tim học trò.

(TNO) Những bạn trẻ, học trò ngày nay có rất nhiều cách thể hiện tình cảm riêng với thầy, cô giáo và chính thầy cô giáo trẻ của họ, cũng có cách riêng để đi vào tim học trò.

 
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) chụp ảnh lưu niệm nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay

>> Nghề giáo - Bao người quên, mấy người nhớ: Những món quà 30 năm

Món quà theo kiểu… “teen”

Đã qua thời cách đây gần 20 năm khi những món quà tặng thầy cô thường là một cành hoa, một cục xà bông, hay một chai dầu thơm, dầu gội đầu. Ngày nay, với sự sáng tạo và năng động cùng tấm lòng quý mến thầy cô, các cô cậu học trò có rất nhiều cách thể hiện tình cảm với thầy cô của mình.

Dịp mừng ngày nhà giáo năm nay đối với cô giáo Lâm Ngọc Minh Thư, ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM), để lại kỷ niệm khó quên.

Là giáo viên thể dục, cô Thư chia sẻ rằng hình ảnh người giáo viên thể dục thường mờ nhạt trong tâm trí học trò. Nhưng ý nghĩ của cô đã sai khi được nhận những tình cảm đặc biệt từ học trò mình.

Trong tiết học cuối cùng trước khi ngày nhà giáo diễn ra, cô Thư vô cùng ngạc nhiên khi học trò bất ngờ mang theo trống vào lớp. Cô vừa tập họp lớp xong thì một em dẫn nhịp ca khúc “cô giáo em” cho cả lớp cùng hát theo, kèm món quà nhỏ tặng cô.

Sau giây phút đó, học trò nhanh chóng đứng xếp thành hình trái tim, ở giữa trái tim là chữ T, chữ cái đầu tiên trong tên của cô. 

 
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ xếp hình trái tim, cùng chữ T ở giữa tặng cô giáo Lâm Ngọc Minh Thư

Đứng giữa sân trường, nhìn học trò, cô Thư không biết nói gì hơn ngoài sự xúc động.

“Chín năm dạy học, tôi từng đón nhận nhiều món quà của học trò, nhưng món quà tình cảm dễ thương như thế này khiến tôi thực sự xúc động. Tôi không nghĩ các em lại có một tình cảm đặc biệt như thế”, cô Thư bộc bạch.

Với cô Thư, cô quan niệm giờ thể dục là tiết học để các em vui chơi, giải trí sau những giờ học văn hóa ở lớp nên luôn tạo điều kiện cho học sinh cảm thấy thoải mái nhất.

Nguyễn Thanh Tiến, một học sinh trong lớp của cô Thư, chia sẻ: “Cô Thư không chỉ là cô giáo trong giờ thể dục mà còn là người bạn trong những buổi sinh hoạt đoàn, hội. Cô rất dễ chịu và thương học trò nên trong lớp bạn nào cũng yêu mến cô”.

Ấy thế mà căn phòng Đoàn thanh niên trong trường mỗi giờ ra chơi luôn đông đúc học trò đến vui chơi, thư giãn.

Có kỹ thuật để “hút” học trò

Vì học trò bây giờ cũng có những suy nghĩ riêng, nhiều cách bày tỏ, thể hiện nên để "đi vào tim" học trò, thầy cô giáo cũng phải có “kỹ thuật” rất riêng.

Anh Lê Trung Hiếu, giáo viên Trường THCS Chu Văn An (23 tuổi, Củ Chi, TP.HCM), nhận xét học trò thường rất thích thầy cô giáo trẻ, những người vui tính nên khi giáo viên vui tươi, trẻ trung, cũng dễ dàng gây thiện cảm với học trò hơn.

“Thường trong lớp chỉ cần tạo thoải mái cho các em, nói chuyện vui vẻ, hài hước thì các em cũng dễ nghe lời. Khi thấy lớp mà ồn quá mình lại có kỹ thuật khác”, anh Hiếu chia sẻ.

Song song đó, anh nói thêm “Thầy vui tính chứ thầy không dễ tính”, đó cũng là cách anh khiến học trò vừa thấy vui vẻ, thoái mái nhưng không đi quá đà.

Trong khi đó, chị Bùi Thị Thùy, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn, người có 5 năm trong nghề, kể chị thường lên facebook, trò chuyện với học sinh để tạo sự thân thiện. “Đó cũng là cách để tôi kết nối với các em và hiểu các em hơn. Từ đó mà có cách ứng xử cho phù hợp khi lên lớp”.

 
Truyện vui về thầy trò và facebook được nhiều thầy cô, học trò lấy lại đăng trên facebook

Trước khi bắt đầu mỗi bài học, chị thường kể một câu chuyện cho học trò nghe để không tạo áp lực cho học trò khi bắt đầu vào bài học.

Còn với anh Nguyễn Trần Khánh Bảo, giáo viên Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), anh thường cho các em ghi lại cảm nhận của mình về cách dạy. Sau đó, anh đọc là xem lại chỗ nào không hay thì sửa theo ý học trò.

“Học sinh bây giờ rất tinh ý nên các em cũng là một kênh đối chiếu về cách dạy của mình. Có những thứ mình không nhận ra nhưng học sinh lại nhìn ra”, anh Bảo nói thêm.

Anh Hiếu đúc kết: “Tôi nghĩ rằng dù có cách gì đi nữa thì nếu thầy cô xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim của học trò”.

Hoàng Quyên

>> Cấm giáo viên và học sinh trao đổi qua Facebook
>> Nước mắt rơi trong buổi tọa đàm về nghề giáo
>> Đánh giá học sinh không bằng điểm số
>> Nhà giáo thời công nghệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.