Ngày Nhà giáo ở nơi không có hoa hồng

19/11/2008 18:13 GMT+7

(TNO) Sơn Tây - ranh giới cuối cùng của tỉnh Quảng Ngãi giáp huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Ở nơi heo hút này, sau 15 năm chia tách huyện, đội ngũ giáo viên miền xuôi từ 27 người nay đã phát triển lên đến 350 người. Ở một nơi không có hoa hồng, cuộc sống của giáo viên miền cao muôn ngàn gian khó.

“Giáo viên cắm bản n trong 1”

Sơn Tây đồi núi trùng điệp, dân cư rải rác, địa hình phức tạp, bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, dân trí thấp nên các em không được cha mẹ quan tâm cho đi học. UBND huyện đã chủ trương mở trường theo phương châm “mỗi ngọn núi là một điểm trường”, “giáo viên cắm bản” phải xuống tận nơi, vận động gia đình cho các em đến lớp.

Chính vì vậy, con đường đến lớp của giáo viên vùng cao càng xa xôi cách trở. Xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây) có 13 điểm trường, lực lượng giáo viên vốn đã mỏng, lại phải “căng” ra để bám lớp, bám trò. Giáo viên ít, trường hợp thầy cô dạy một lúc vài ba môn không lạ. Cô Thu Vân – giáo viên dạy văn, giáo dục công dân cho biết, các em học sinh, đặc biệt là nữ hoàn toàn không biết gì về kiến thức giáo dục giới tính, cha mẹ các em cũng cứ theo hủ tục mà làm. Giáo viên cắm bản còn kiêm luôn vai trò người chị, người mẹ cho các học sinh nữ, đặc biệt khi đến tuổi dậy thì.

 
Sáng 18.11, cô Trương Thị Cẩm Thúy trong giờ lên lớp chỉ vài ba học sinh
Ở vùng đất Sơn Tây này, tình trạng tảo hôn đã “cướp” đi không ít học sinh. Ngoài việc dạy, giáo viên vừa phải “dỗ” làm sao để các em đừng bỏ học. Năm học 2008 – 2009 đã qua được nửa học kỳ, nhưng bắt đầu mùa mưa lũ, làm rẫy, các lớp học vắng hoe. 9 giờ sáng ngày 18.11, chờ mãi cũng chỉ có 10/30 em đến lớp, cô giáo Trương Thị Cẩm Thúy (26 tuổi) ở trường THCS Sơn Mùa cùng cô Cao Thị Thanh Thân (27 tuổi) xắn quần, đội mưa chia nhau đi tìm học sinh về dạy. Thầy Phạm Văn Thạch – Chủ tịch Công đoàn trường THCS Sơn Mùa, cho biết không chỉ riêng giáo viên nhà trường, mà công tác vận động học sinh đến lớp gắn liền với đặc thù của giáo viên vùng cao.

Dạy buổi chiều, buổi sáng các cô đã phải lặn lội vượt những con đường đất đỏ lở lói vào mùa mưa, để đi đến tận những xóm làng kêu gọi các em đi học. “Xa nhất là xóm ông Rò, thôn nước Vương, xe không lên được, đi bộ phải mất cả buổi. Có lần em với cô Nguyễn Thị Văn lên đó gặp lũ, bọn em bị mắc kẹt cả chục ngày” – cô Trần Thị Thanh Dung (24 tuổi) nói.

Các thầy cô ở đây cho biết cứ thấy giáo viên đến nơi vận động là các em trốn nhủi, lý do các em nghỉ học rất... trời ơi. Hỏi em Đinh Trọng Khuôn (lớp 4 trường tiểu học Sơn Mùa 1), em bảo: “Cha mẹ nói trong xóm có người chết, không được ra khỏi xóm 7 ngày”. Ngoài ra, không có áo mưa, quần áo do chưa khô, không có dép, không có bút... cũng là cớ các em đưa ra.

Thế nên, các cô đành phải “dỗ”, cứ mỗi dịp cuối tuần về quê ở đồng bằng, các cô Đặng Thị Kim Tuyên, Đinh Vân... lại đi quyên góp áo ấm, áo mưa ở dưới xuôi, ở nhà bà con để lên tặng các em.

Ông Đặng Đức Thủ - Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây - cho biết: “Ý thức người dân chưa cao trong việc đưa con em đến trường khiến các giáo viên “cắm bản” rất vất vả. Thậm chí có khi, các thầy cô giáo phải bỏ tiền túi, làm giúp hồ sơ, thủ tục để các em đến trường”.

Nơi không có hoa hồng

 
Cô Đinh Vân trong một lần đến nhà vận động các học sinh trở lại lớp học
Tuy chỉ cách trung tâm TP Quảng Ngãi, quốc lộ 1A  80km đường bộ, nhưng từ Sơn Tây qua Kon Plong thì xa ngút, tuyến đường qua Nam Trà My thì trong tương lai mới mở, nên Sơn Tây nằm cô độc sau lưng ngọn đèo Cà Đáo. Thầy Phạm Văn Thạch, trường Sơn Mùa cho biết: “Không chợ búa, nên cái gì cũng đắt, lương giáo viên cũng không đến nỗi nào, nhưng mọi thứ cứ đắt gấp rưỡi. Hầu hết thầy cô giáo quê ở đồng bằng, cuối tuần chạy về, đầu tuần chạy lên tốn thêm tiền xăng xe”.

Gian khổ là vậy, nhưng thầy giáo Lê Hoài Thạnh – Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây - cho biết từ khi chia tách, lập huyện Sơn Tây năm 1993 đến nay, đội ngũ giáo viên từ khoảng 30 người, nay đã lên đến 350 người, nhưng chưa có bất kỳ ai bỏ nghề giáo. Có điều, trận lở núi năm 1999 đã lấy đi của huyện Sơn Tây hai giáo viên. Cái chết luôn treo lơ lửng đối với những giáo viên đi phổ cập, chen ngang các điểm trường là không biết bao nhiêu sông suối. Cũng theo thầy Thạnh, hai năm gần đây, dòng sông Rin không yên bình cũng đã cuốn đi hai đồng nghiệp từ huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum xuống Sơn Tây.

Những chiếc xe máy của giáo viên ở Sơn Tây đều có chung đặc điểm là phải tháo bửng, ở những con đường chỉ toàn sỏi đá, vỡ bửng, vỡ lốc máy là chuyện thường ngày. Năm nay, không khí ngày Nhà giáo ở huyện Sơn Tây vẫn đìu hiu, không một cành hoa hồng. Ông Bùi Đức Thạch – Phó chánh văn phòng huyện Sơn Tây - cho biết: “Từ lâu nay người dân đồng bào Ca Dong vẫn không hề biết ngày 20.11 là ngày gì, chỉ tội các thầy cô giáo tự vui vầy với nhau”.

Cô giáo Trần Thị Thanh Dung cho biết, mùa lễ hội của đồng bào dân tộc Ca Dong lại chính là mùa... buồn nhất đối với các thầy cô giáo. Hầu như toàn bộ học sinh đều nghỉ học suốt nửa tháng trời để cùng gia đình chuẩn bị đón cái Tết sớm của dân tộc Ca Dong.

Những lúc như thế, tất cả giáo viên trường THCS Sơn Mùa quây quần với nhau trong căn phòng tập thể ngăn đôi bởi một tấm ván ọp ẹp, một bên là thầy, một bên là cô. Ngoài kia văng vẳng điệu Ca Choi giao duyên của nam nữ Ca Dong say sưa. Trường THCS Sơn Mùa có 2/3 là giáo viên nữ, xinh như hoa mua rừng, đa số vẫn chưa lập gia đình.

Bài, ảnh: Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.