Mỹ: ĐH tư thục là một tổ chức phi lợi nhuận

30/09/2011 23:24 GMT+7

Nhiều người làm trong ngành giáo dục tại VN vẫn còn mơ hồ về chữ “phi lợi nhuận” trong trường ĐH. Tư tưởng và cách xây dựng mô hình ĐH tư thục tại VN không giống như ĐH tư thục của Mỹ.

ĐH tư thục tại Mỹ là một tổ chức phi lợi nhuận (PLN) vì phải tuân theo những luật của liên bang và của một tổ chức PLN. Nếu mở trường theo dạng lợi nhuận cho cá nhân thì không được hưởng đặc quyền và hoạt động của một tổ chức PLN.

Cái mấu chốt để định nghĩa PLN là từ mô hình tài chính. Số tiền một người bỏ ra xây dựng trường ĐH chỉ là con số rất nhỏ. Số tiền lớn mà trường thu được là nhờ vào sự quyên góp và đầu tư - gọi là endowment. Các trường ĐH tư thục và cả công lập của Mỹ đều sống bằng nguồn endowment.

Những cá nhân, công ty hay tổ chức đóng góp tài chính và tài sản cho trường ĐH sẽ được miễn thuế một phần vào nguồn thu nhập hằng năm. Họ hiểu rằng phần đóng góp này là phục vụ cho trường và sẽ không rơi vào tay cá nhân hay nhóm riêng biệt nào. Những trường ĐH danh tiếng sản sinh ra nhiều cá nhân nổi tiếng trong kinh doanh và họ rất thành công trong việc vận động quyên góp. Theo Los Angeles Times số ra ngày 3.2.2010, ĐH Stanford đứng đầu bảng gây quỹ trong năm 2009 và đạt được 640 triệu USD, ĐH Harvard được 601 triệu, ĐH Southern of California  (USC) 369 triệu, ĐH California - Los Angeles (UCLA) 351 triệu…

Tài sản của trường là của chung, không thuộc về các cá nhân hay nhóm riêng biệt. Trường ĐH có ban tài chính (Board of Trustees) điều hành và quyết định mọi vấn đề về tài chính của trường. Ban có nhiệm vụ phát triển nguồn tài sản

endowment để trường có ngân sách mạnh đầu tư cho việc giáo dục như xây dựng cơ sở học tập, nghiên cứu và cấp học bổng. Nguồn endowment của các ĐH danh tiếng rất uy lực và bằng cả GDP của một quốc gia.

Trong khi đó, ĐH tư thục VN có mô hình tài chính như kiểu một công ty cổ phần. Một số người góp vốn, góp đất vào dự án rồi xây trường và tuyển sinh. Nguồn tài chính của trường phụ thuộc vào nguồn thu học phí của sinh viên. Khi quyền lợi của thành viên trong ban cổ phần không thuận ý là trường học bắt đầu có dao động.

Trần Thắng
Chủ tịch Hội Văn hóa - Giáo dục VN tại Mỹ - IVCE

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.