Một nghề bình dị

18/11/2008 23:03 GMT+7

Ta thường thấy nhiều người có thói quen nói về nghề của mình như một sự chọn lựa tự thuở nào, và nói về nghề của mình như một sự hy sinh cao cả. Tôi cũng từng có lúc nghĩ ngợi lãng mạn mông lung như thế, để bây giờ sau hơn hai chục năm trong nghề dạy học, có dịp chợt nhìn lại, thấy mình đã nghĩ khác và cũng cần nghĩ khác.

Ban đầu, việc chọn nghề dạy học gần như tình cờ. Chắc là không có nhiều những con người hoàn toàn chủ động đi học sư phạm và chủ động biến mình thành một nhà giáo. Nhưng chọn nghề nào cũng thế, kể cả nghề giáo, cũng gần giống như chọn vợ chọn chồng, thường có hai phần ý thức và tình cờ. Nếu biết chắc ngay từ năm mười tám tuổi mà đã chọn được đúng “trăm phần trăm” một anh chồng hay một chị vợ lý tưởng cho đến tận cuối đời, thì tôi tin chắc khi đó loài người sẽ vô cùng hạnh phúc nhưng lại vô cùng bất hạnh. Bất hạnh, vì không còn việc gì phải làm để mà yêu vợ hoặc yêu chồng, để mà gây dựng một tình yêu hăm hở rồi có lúc như nó sắp bị tàn phá đến nơi.

Ngẫm lại đời mình, tự trả lời câu hỏi vì sao tôi yêu nghề dạy học, thì thấy đó là câu hỏi có phần rất riêng nhưng lại có thể rất chung. Trước hết, có câu trả lời: nay tôi đã sống được bằng đồng lương không ít quá, không nhiều quá để có thể ngày ngày tiếp tục công việc mà chẳng cần phải hy sinh cao cả gì hết.

Thầy giáo tôi lâu không gặp, cách đây vài năm gặp lại thì câu hỏi đầu tiên của thầy là: “Em làm cách gì cho giáo viên trường em đủ sống?”. Tôi kể thầy nghe về khoản “lương bố mẹ”, “lương chồng” của nhiều thầy giáo và cô giáo trẻ. Tôi kể thầy nghe về khoản lương tự tạo theo đúng hành lang pháp luật. Còn khoản lương chính thức thì dẫu sao cũng tăng dần từng chút một, chứ không đáng trông đợi như “triều cường”. Tôi những mong nghề giáo sẽ được đảm bảo đồng lương chắc chắn hơn nữa. Khi ấy, chúng tôi sẽ càng thêm yêu nghề.

Một yếu tố khác khiến tôi có thể yêu nghề, ấy là tôi có điều kiện gần gũi với những đổi mới đích thực về sư phạm, khiến cho công việc dạy học của mình ngày càng mang tính chất nghề nghiệp hơn, bớt cầu may hơn, hiệu quả hơn. Điều này trong hoàn cảnh một nền giáo dục ốm yếu như hiện nay, cũng tương tự như việc con bệnh gặp thầy gặp thuốc hay là chỉ gặp lang băm. Tôi phải nói luôn rằng, từ năm 1987, tôi hoàn toàn hạnh phúc khi bắt gặp hệ thống công nghệ giáo dục, khi ấy ở TP.HCM, hình như đâu đâu cũng học theo sách của thầy Hồ Ngọc Đại và tôi thấy mình rõ ràng là đã gặp may trên con đường nghề nghiệp.

Hệ thống Hồ Ngọc Đại dạy chúng tôi “Đi học là hạnh phúc - Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, khẩu hiệu đó đến nay tôi vẫn còn cho giữ nguyên ở phân hiệu của trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.

Vấn đề là làm cách gì cho trẻ em thấy “đi học là hạnh phúc”, là một ngày vui thay vì cứ mù mờ với lễ nghĩa. Toàn bộ bí quyết sư phạm hiện đại nằm trong việc nhà giáo có nương theo được cách học của trẻ em để thay đổi cách dạy của mình hay không.

Đến đây, có thể thấy mối quan hệ qua lại giữa niềm vui nhà giáo và niềm vui học sinh đã tạo ra những sản phẩm giáo dục từ công việc giản dị hằng ngày, khỏi cần đến sự hy sinh ghê gớm của nhà giáo…

Diễm Linh
(Giáo viên tiểu học)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.