Mong ước khi xuân về

05/02/2013 03:00 GMT+7

Trong không khí náo nức, rộn ràng và thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ai cũng mong chờ những điều tốt đẹp, cùng hoạch định những kế hoạch cho tương lai.

Nhiều học sinh - sinh viên (HS-SV) bày tỏ ước mong, nguyện vọng giản dị nhưng thiết thực và gần gũi.

Mong ước khi xuân về
HS-SV TP.HCM làm thiệp xuân, viết lời chúc tết tặng các chiến sĩ biên giới, hải đảo nhân dịp tết cổ truyền -  Ảnh: Lê Thanh

Học đi đôi với hành không còn là khẩu hiệu

Không hẹn mà gặp, hầu hết  HS-SV mà chúng tôi tiếp xúc đều mong rằng các môn học đều có thực hành để hiểu rõ hơn những gì mình được học. Lê Minh Đăng, SV lớp QT08DB Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ: “Tôi mong muốn việc học của SV sẽ được thay đổi theo hướng giảm bớt các kiến thức hàn lâm và tăng cường thực hành, tiếp xúc với các chuyên gia  trong ngành để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Ví dụ, thay vì chỉ học các lý luận về tiền tệ, nhà trường nên tăng cường các ngân hàng mô phỏng, cho sinh viên tiếp cận các phần mềm về thuế… Các trường cũng nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành trao đổi kỹ năng, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm”.

Tương tự, Lưu Thị Hường, SV ngành báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hy vọng: “Mình rất mong trong quá trình học tập SV sẽ được thực hành nhiều hơn, giảm bớt các môn đại cương. Do ít được thực hành nên đa số SV khi đi thực tập hay đi làm đều bỡ ngỡ, thiếu mạnh dạn và tự tin”. Mạnh mẽ hơn, Nguyễn Thị Hải Yến, cũng là SV của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, khẳng định: “Có một điều mà mình và nhiều SV vẫn mong ước là bất cứ môn học nào cũng đều được thực hành, được tham gia các buổi tham quan thực tế, gặp gỡ giao lưu với các chuyên gia có kinh nghiệm. Hiện nay, vẫn có một số môn học chỉ được học lý thuyết nên SV cũng khó hình dung được quy trình thực tế sẽ diễn ra như thế nào”.

Không chỉ SV, các HS cũng mong ước điều này. Thường Định, HS lớp 11B2 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, cho biết: “Em mong muốn trong năm mới, chương trình học sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể là giảm giờ lý thuyết và tăng thời lượng thực hành. Em học lớp thường (khối B), mỗi tuần có 4 tiết sinh học nhưng trong suốt học kỳ 1 vừa qua chúng em chỉ được thực hành khoảng 3 lần. Em thấy chương trình học hiện nay quá nặng về lý thuyết. Trong khi đó, điều mà chúng em cần là giờ thực hành. Vì có thực hành nhiều, chúng em mới có thể ứng dụng được những kiến thức đã học. Mặt khác, chúng em cũng sẽ hiểu và nhớ bài lâu hơn”.

Từ sự nghiệp, tình yêu đến môi trường sống

Mỗi người đều có một mong ước cho riêng mình và tất cả đều hướng đến những điều tốt đẹp. Lê Minh Đăng ao ước: “Một là, học thêm văn bằng 2 ngành luật kinh tế. Tôi vừa tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, do muốn bổ sung kiến thức để làm tốt công việc hiện tại và mở ra thêm nhiều cơ hội cho mình nên tôi quyết tâm phải có thêm bằng ĐH. Thứ hai là, tôi sẽ cố gắng để làm tốt công việc hiện tại của mình tại một trường đào tạo Anh ngữ, hỗ trợ cho sự phát triển chung của trường”. Cũng ước mơ giản dị nhưng thiết thực, Lưu Thị Hường tâm sự: “Tết xong, mình sẽ trở lại TP.HCM để học bổ sung Anh văn và tin học để đủ điều kiện tốt nghiệp. Mình mong bằng tốt nghiệp sẽ đạt loại khá. Sau khi có bằng, mình sẽ xin việc tại một công ty truyền thông để học hỏi kinh nghiệm trong khoảng 1, 2 năm. Sau khi có đủ kỹ năng làm việc, mình mong muốn sẽ được làm tại một tòa soạn báo”. Còn mong muốn của Hải Yến: “Năm 2013, mình mong thi đậu bằng Anh văn để đủ điều kiện ra trường. Sau đó là xin được một công việc đúng chuyên ngành”. Ngoài ra, Yến còn cho rằng: “Điều ước cuối cùng là mong cho mình, ba mẹ, bạn bè có thật nhiều sức khỏe để học tập, làm việc và sống hết mình với những đam mê”.

Chuyện tưởng bình thường nhưng lại trở thành ước mơ của Thế Luân, HS  lớp 6/11 Trường THCS Ba Đình, Q.5, TP.HCM. Luân thổ lộ: “Trong năm mới, em mong ước mọi người, nhất là các bạn HS ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác nơi công cộng. Nếu ai cũng làm được việc này thì ở trường không ai phải tốn công đi nhặt rác, dành thời gian đó cho học tập”. Ước mơ này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.

Cũng tương tự như vậy, khi nghe ước mơ của  Nguyễn Minh Vương (HS lớp 10A20 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM): “Em chỉ mong thầy cô giáo hãy quan tâm và hiểu HS của mình hơn, kể cả trong học tập, tâm lý, hoàn cảnh gia đình... Một vài lần, gia đình em có chuyện buồn nên không tài nào học bài được. Vào lớp, em bị gọi lên trả bài. Không thuộc bài nên em bị điểm kém. Buồn hơn nữa là thầy cô giáo không ai tìm hiểu hoặc hỏi vì sao em không thuộc bài”.

Mỹ Quyên - Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.