Máy ghi âm, ghi hình được vào phòng thi ?

30/06/2012 04:10 GMT+7

Trong khi mọi công tác chuẩn bị cho thi tuyển sinh đã hoàn tất thì hôm qua Bộ GD-ĐT bất ngờ sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, với những nội dung bị chỉ trích là “tăng độ phức tạp” trong công tác coi thi.

Ngày 29.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư  sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Trong đó thay đổi quy định các vật dụng không được mang vào phòng thi như sau: “Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Không được hút thuốc trong phòng thi”.

 

Bộ chỉ cấm những phương tiện có chức năng để có thể gian lận trong thi cử. Còn những phương tiện không dùng cho mục đích đó thì không cấm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Như vậy, so với quy chế cũ, quy chế mới khái quát hơn và không đề cập cụ thể máy ghi âm, ghi hình là thiết bị thí sinh (TS) không được mang vào phòng thi.

Khuyến khích tố giác tiêu cực

Bộ cũng bổ sung quy định về việc xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi và chế độ báo cáo lưu trữ. Theo đó, có 3 nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh: Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT; Hội đồng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ; Thanh tra tuyển sinh và Thanh tra giáo dục các cấp. Các bằng chứng vi phạm quy chế sau khi đã được xác minh về tính xác thực là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.

Bộ khuyến khích TS, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh. Người phát hiện những hành vi này cần kịp thời báo cho nơi tiếp nhận theo quy định để có biện pháp xử lý. Người có bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận quy định trong vòng 7 ngày từ khi kết thúc ngày thi để xử lý.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh nhưng với các điều kiện bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin.

Máy ghi âm, ghi hình được vào phòng thi ?
Thí sinh và người tham gia coi thi được ghi hình để chống tiêu cực thi cử ? - Ảnh: Đ.N.T

Chỉ cấm phương tiện có chức năng để gian lận

PV Thanh Niên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga để làm rõ những vấn đề còn băn khoăn xung quanh quy định mới vừa ban hành về những vật dụng được mang vào phòng thi.

 

Quy chế tuyển sinh năm 2012: “Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Không được hút thuốc trong phòng thi”.

Theo quy chế sửa đổi, Bộ bỏ quy định cấm TS mang vào phòng thi các phương tiện như máy thu, ghi âm, ghi hình. Vậy TS có được công khai khi mang những phương tiện đó vào phòng thi?

Trước đây, Bộ có quy định cụ thể các phương tiện cấm mang vào phòng thi như các phương tiện kỹ thuật thu, phát, ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều phương tiện đa dạng mà nếu quy định cụ thể thì không thể chi tiết hết được. Ví dụ có những phương tiện vừa là máy tính, vừa là ghi âm...  Vì vậy, quy chế sửa đổi chỉ quy định tổng thể là “những thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi”. Như vậy, quy định mới có tính bao quát hơn về những thiết bị mà TS không được phép mang vào phòng thi.

Trong vụ gian lận thi cử ở Trường THPT Đồi Ngô (tỉnh Bắc Giang) vừa qua, TS chỉ mang bút có chức năng ghi hình để phát hiện tiêu cực trong thi cử, chứ không nhằm mục đích gian lận để làm bài thi. Vậy trong đợt thi ĐH, CĐ sắp tới, nếu TS cũng mang phương tiện đó vào thì có được phép không?

Bộ chỉ cấm những phương tiện có chức năng để có thể gian lận trong thi cử. Còn những phương tiện không dùng cho mục đích đó thì không cấm. Tuy nhiên theo tôi, khi TS có mục đích mang vào thì phải xét bản chất của việc mang vào phòng thi để làm gì. Nếu như mang vào mà không nhằm gian lận trong thi cử thì không vi phạm quy chế.

 

Quy chế tuyển sinh năm 2011: “Không được mang vào khu vực thi giấy than, bút xóa, các tài liệu, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vận dụng khác. Không được hút thuốc trong phòng thi”.

Hiện nay có nhiều phương tiện hiện đại với rất nhiều chức năng, liệu giám thị có thể kiểm soát được không? Trường hợp nếu TS dùng máy quay để nhìn bài của bạn thì liệu giám thị có phát hiện được và có bị xử lý hay không?

Đó là nhiệm vụ của giám thị. Nếu giám thị cho TS mang vào mà làm lộ đề thi hoặc gian lận trong thi cử thì giám thị sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu TS mang vào để quay bài của bạn là phục vụ cho gian lận rồi, vì vậy phải xử lý đình chỉ thi. Như tôi đã nói, những thiết bị đó mà phục vụ gian lận là vi phạm quy chế.

Nếu TS muốn mang máy ghi hình vào phòng thi chỉ muốn quay làm kỷ niệm thì có được phép không? Liệu như vậy có làm ảnh hưởng đến các TS khác và không khí trường thi? Trường hợp này sẽ xử lý như thế nào?

Nếu mục đích quay để làm kỷ niệm thì phải giám sát, TS phải báo và giám thị kiểm soát nội dung quay. Tuy nhiên, quy chế cũng đã quy định trách nhiệm của TS là phải giữ trật tự, im lặng trong phòng thi. TS đi thi chỉ có nhiệm vụ thi. Vì vậy, nếu việc quay làm ảnh hưởng đến các TS khác thì sẽ bị xử lý kỷ luật.

Rắc rối “truyền tin” và “chứa thông tin”

Tiến sĩ Huỳnh Hữu Thuận - quyền Trưởng khoa Điện tử viễn thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Truyền tin là truyền thông tin từ một thiết bị này sang thiết bị khác, có thể là mạng không dây, có dây... Còn chứa thông tin thì lại có thể hiểu theo 2 cách. Nghĩa đầu tiên là “lưu trữ thông tin”, tức các thiết bị ghi âm, ghi hình nào cũng đều có chức năng lưu trữ thông tin và sẽ bị cấm. Nghĩa thứ hai là “chứa sẵn thông tin”, tức là chỉ cấm thiết bị có chứa thông tin trước đó, chứ không cấm thiết bị ghi lại thông tin từ trong phòng thi. Tuy vậy, tôi nghiêng theo nghĩa “lưu trữ thông tin” vì không lẽ phải kiểm tra từng thiết bị xem có chứa sẵn tài liệu hay không. Việc này rất phức tạp và muốn kiểm tra, mỗi thiết bị lại phải có máy để kiểm tra riêng. Giám thị cũng đâu có quyền mang máy móc vào khu vực thi để làm điều này”.

Đ.Nguyên (ghi)

Ý kiến

Không có thời gian để các trường tập huấn

“Mọi công tác chuẩn bị cho thi tuyển sinh đã hoàn tất, sự thay đổi quy chế thời điểm này là gây khó cho các trường. Sự thay đổi cần có lộ trình, thời gian để các trường chuẩn bị. Đó là chưa kể những khó khăn của cán bộ coi thi trong việc nhận dạng các loại thiết bị công nghệ cao này. Do vậy, Bộ cần có quy định cụ thể về các loại dụng cụ được mang vào để dễ cho cán bộ coi thi trong quá trình làm việc”.

Tiến sĩ  PHẠM TẤN HẠ
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Tăng phức tạp trong công tác coi thi

“Kết quả tất yếu của việc đổi mới này tăng độ phức tạp nhất định trong công tác coi thi. Tuy nhiên, để thực hiện điểm mới này hiệu quả mà không tăng thêm gian lận trong thi cử còn phụ thuộc rất nhiều vào công tác tập huấn cho cán bộ coi thi”.

Tiến sĩ NGUYỄN TIẾN DŨNG
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Bộ phải có hướng dẫn chi tiết

“Cán bộ coi thi các trường, có cả giáo viên THPT sẽ không thể phân định đâu là máy quay phim đơn thuần và thiết bị thu phát sóng, có thể dẫn đến việc lộ đề thi và nhận thông tin bên ngoài. Nếu TS được mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, cũng cần quy định rõ loại nào được phép mang vào để dễ dàng quản lý. Nếu không, sẽ cực kỳ rối rắm”.

Thạc sĩ HOÀNG ĐỨC BÌNH
(Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen)

Sẽ có trường hợp cấm mọi thiết bị cho an toàn

“Dù giám thị có hiểu biết cũng không đủ thời gian và điều kiện để kiểm tra hết TS. Chưa kể, sẽ có giám thị sợ trách nhiệm, cấm TS mang vào mọi thiết bị cho an toàn. Vì vậy, tốt nhất là Bộ GD-ĐT có danh mục cụ thể những thiết bị nào TS được phép mang vào phòng thi để giám thị bớt căng thẳng”.

PGS-TS DƯƠNG ANH ĐỨC
(Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM)

Sẽ ảnh hưởng tâm lý thí sinh

“Dù thế nào việc này cũng sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý làm bài của TS. Các em sẽ không toàn tâm toàn ý vào việc quan trọng là làm bài thi, nếu như có ai đó đứng dậy quay phim. Khi đã được cho phép thì các em sẽ quay công khai và như vậy sẽ có việc đi lại trong phòng, sẽ rất lộn xộn và khó khăn cho việc kiểm soát của giám thị”.

Thạc sĩ GIANG VĂN KỊP
 (Hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính Hải quan)

H.Ánh - Đ.Nguyên - M.Quyên (ghi)

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.