Lều trọ học bên cạnh nhà nội trú

28/02/2011 00:25 GMT+7

Nhà nội trú xây xong khóa cửa, trong khi học sinh phải ở trong những túp lều rách nát để học tập. Đó là nghịch lý suốt nhiều năm qua tại trường THPT số 2 An Lão, Bình Định.

Năm 2007, trường THPT số 2 An Lão được tách ra từ trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện An Lão. Hiện trường có 480 học sinh, trong đó có đến 284 em là con em đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 60%). Nhiều em phải đi bộ vượt quãng đường hơn 30 km để đến trường.


Học sinh trường THPT số 2 An Lão phải sống trong căn lều tồi tàn để học tập trong khi khu nhà nội trú vẫn “cửa đóng then cài” - Ảnh: Đình Phú

Từ khi mới thành lập, do trường không có nhà ở nội trú nên phần lớn học sinh ở xa phải tự túc chỗ ở. Một số em có người thân quen thì xin ở nhờ. Số còn lại phải dựng lều hết sức tạm bợ để trọ học. Em Đinh Văn Xôi, học lớp 12, đã gồng mình chịu đựng cảnh sống ấy suốt 3 năm qua. Túp lều của em rộng chừng 6m2, trên lợp mái tôn, bốn phía phủ bạt trống trước hở sau. Lều của Đinh Văn Khuya và Đinh Văn n (cùng học lớp 10) nằm sát bên còn tuềnh toàng hơn. Nhưng rách nát nhất phải kể đến lều của Đinh Văn Hợi (lớp 10) ở chung với 4 bạn học. Do đông đúc, không gian quá chật hẹp, ẩm thấp, lều chỉ có một chiếc giường nên các em phải mắc thêm võng và luân phiên ngủ.

Lý do nhà nội trú đã nhận bàn giao từ lâu nhưng nhà trường không bố trí cho học sinh vào ở, theo ông Nguyễn Trực - Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện An Lão, là do nhà trường sợ không quản lý được học sinh. Cuộc họp vào chiều 22.2.2011 với sự tham dự của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và tập thể giáo viên nhà trường đã bước đầu thống nhất giải pháp tiến hành xây dựng tường rào, làm tạm khu nấu ăn để đưa các em học sinh vào ở, chấm dứt tình trạng sống lay lắt trong những túp lều rách nát.
Vật dụng sinh hoạt hầu như không có gì, chỉ có sách vở và vài bộ quần áo cũ để đến lớp. Hầu hết gia đình các em đều có hoàn cảnh khó khăn, đường sá xa xôi nên nhiều lúc một tháng các em mới về nhà một lần. Vào mỗi dịp cuối tuần, người thân gùi gạo, muối để lo cho các em sống qua ngày. Thức ăn chủ yếu là rau rừng và cá tôm tự đánh bắt ngoài giờ lên lớp.

Chứng kiến cảnh sống hết sức cơ cực của con em mình, nhiều phụ huynh đã bức xúc kiến nghị nhà trường và chính quyền địa phương sớm tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập. Sau đó, UBND huyện tiến hành xây dựng khu nhà nội trú khang trang. Tháng 5.2010, nhà nội trú hoàn tất và được bàn giao cho trường quản lý, sử dụng. Thế nhưng, từ đó đến nay, khu nhà này cửa đóng then cài, còn các học sinh vẫn phải chịu đựng cảnh sống lay lắt mặc dù trường nằm ngay trên địa bàn thị trấn.

Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường không có chức năng quản lý học sinh nội trú nên để xảy ra thực trạng nói trên. Huyện đã triệu tập 4 cuộc họp để giải quyết vấn đề, nhưng hiện khu nội trú chỉ có cái nhà còn người quản lý, bảo vệ, nơi nấu ăn thì vẫn chưa có.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.