Kỳ thi THPT quốc gia: Có gì mới trong đề thi minh họa ?

02/04/2015 09:00 GMT+7

Nhiều giáo viên nhận định cấu trúc đề thi minh họa giống đề thi ĐH, CĐ các năm trước, trong đó nhiều môn ở mức độ quá khó cho mục đích tốt nghiệp. Từ đây có thể thấy, ra một đề thi với nhiều mục đích không phải là chuyện đơn giản.

Nhiều giáo viên nhận định cấu trúc đề thi minh họa giống đề thi ĐH, CĐ các năm trước, trong đó nhiều môn ở mức độ quá khó cho mục đích tốt nghiệp. Từ đây có thể thấy, ra một đề thi với nhiều mục đích không phải là chuyện đơn giản. 
Chiều 1.4, giáo viên lớp 12C3 Trường THCS - THPT Thanh Bình (TP.HCM) hướng dẫn HS làm hồ sơ đăng ký dự thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cấu trúc đề không thay đổi
Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT giới thiệu đề minh họa là điều rất tốt cho phụ huynh, học sinh (HS) và cả giáo viên bộ môn. Nó giúp người sắp đi thi và cả người dạy học xác định được dạng và cấu trúc đề, giúp họ định hướng được mục tiêu ôn tập.
Một HS của Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội phấn khởi: "Chúng em đang lo đề toàn kiến thức cao siêu thì… chết. Đề thế này thì yên tâm học rồi vì cũng không thấy khác mấy năm trước".
Ông Phạm Văn Hoan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.Ba Đình, Hà Nội, nhận định: So với các đề thi tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước thì đề minh họa này có độ khó ở mức giữa. Vì thế nói chung là cũng sẽ tuyển được HS khá, giỏi vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên yêu cầu phân hóa chỉ ở mức độ vừa phải chứ không hẳn là tốt lắm. Nhìn qua thì có thể thấy đây đúng là một đề thi ĐH nhưng có nhiều câu dễ hơn để HS có thể tốt nghiệp. “Chính vì thế đề thi này không hay bằng đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước”, ông Hoan nói.
Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring, Hà Nội, nhận xét về đề thi môn văn: “Nếu đối chiếu với đề thi tốt nghiệp THPT năm trước thì khó hơn khá nhiều còn so với đề thi ĐH, CĐ thì lại có phần nhẹ hơn”. Đề thi chú trọng nhiều kỹ năng, quan tâm cả kiến thức “ngữ” lẫn “văn” và hiểu biết xã hội, thời sự. Yêu cầu của đề thi đề cao khả năng tư duy, phân tích nên nếu HS chỉ học tủ theo tác phẩm, văn mẫu sẽ không làm được bài. “Với cách ra đề như vậy HS buộc phải chịu khó đọc nhiều văn bản ngoài sách giáo khoa, học đào sâu suy nghĩ để hiểu về văn bản đó. Đây chính là vấn đề còn yếu của các em hiện nay”, ông Đại nói.
Ông Đại cho rằng, tâm lý chung của các trường THPT là chăm chút lo HS tốt nghiệp THPT, do vậy khi đọc đề minh họa, nhiều giáo viên lo rằng để đạt yêu cầu tốt nghiệp cũng không hề đơn giản.
Một HS lớp 12 ở Hà Nội nêu ý kiến: "Em thi khối D nên môn ngữ văn là một trong 3 môn thi xét tuyển ĐH. Em nghĩ nếu Bộ lấy đề này làm đề chính thức thì không hợp lý cho lắm vì đề khá dài với 2 phần đọc hiểu, nhiều hơn đề thi năm ngoái. Em mong Bộ sẽ cân nhắc lại về đề môn văn để chúng em có thể làm bài tốt hơn".
Trong khi đó, phân tích về đề thi môn toán, ông Phạm Văn Hoan cho rằng: "Đề này nhìn chung cũng khá hợp lý đối với mục đích xét tốt nghiệp. Ví dụ có câu khảo sát hàm số (2 điểm) với nội dung hỏi khá đơn giản, rất phù hợp để thi tốt nghiệp. Tôi tính thì thấy những câu đơn giản kiểu đó và chắc là để dành cho HS thi tốt nghiệp, chiếm khoảng 55 - 60% nội dung đề thi, tỷ lệ này cũng hợp lý".
Đề ngoại ngữ yêu cầu cao với HS chỉ cần tốt nghiệp
Bà Am Thùy Linh, giáo viên dạy ngoại ngữ Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nhận định: “HS học ban D thực sự thở phào với đề thi tiếng Anh vì lâu nay cả cô và trò vẫn hồi hộp không biết phần thi viết có đưa vào đề hay không và đưa ở mức độ nào. Tuy nhiên, với HS học ban khoa học tự nhiên thì đây sẽ là đề thi tương đối khó”.
Bà Linh chỉ ra rằng, đề thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 có đưa vào phần viết nhưng bài luận chỉ yêu cầu viết 80 từ; còn đề thi minh họa năm nay là 140 từ, như vậy là mức độ cao hơn khá nhiều.
Xung quanh một số ý kiến cho rằng đề thi dài so với thời gian làm bài, bà Linh đề xuất không đưa vào đề bài đọc quá dài vì như vậy sẽ chiếm nhiều thời gian làm bài của thí sinh.
Bà Lê Thu Hương, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP.Vinh, Nghệ An, nhận xét nếu so với đề tốt nghiệp các năm trước thì đề tiếng Anh khó hơn khá nhiều. Với đề này số HS chỉ đơn thuần lấy điểm tốt nghiệp đạt được điểm trung bình trở lên là không nhiều. Tuy nhiên, so với đề ĐH các năm trước của khối D thì đề này dễ chịu hơn vì nó bám khá sát chương trình phổ thông, ít câu đánh đố hơn.
Bà Hương phân tích kỹ hơn: Phần viết bài 1 có 5 câu thì 4 câu là kiến thức rất cơ bản của chương trình, chỉ có 1 câu khó. Nếu HS nắm chắc chương trình là làm tốt 4 câu đó, nếu HS ở mức độ trung bình khá là có thể làm được 3 - 4 câu. Bài 2 của phần viết không dễ nên để đạt được điểm cao trong bài này thì phải là HS khá giỏi. "Nếu là tôi, tôi sẽ cho phần trắc nghiệm có nhiều câu dễ hơn để HS thi tốt nghiệp làm được nhiều hơn, còn để chọn HS khá giỏi vào ĐH thì tôi sẽ tăng độ khó của bài 1 phần viết lên", bà Hương chia sẻ.
Nhiều tổ hợp xét tuyển mới
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đào tạo ngành kỹ thuật nên tổ hợp môn đặc thù toán, lý, hóa và toán, lý, tiếng Anh (riêng ngành kiến trúc có toán, lý, vẽ và toán, văn, vẽ). Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM bổ sung tổ hợp môn sử, văn, tiếng Anh để tạo điều kiện cho TS có môn thi lựa chọn thay thế môn toán vào các ngành xã hội nhân văn.
Trường ĐH Lạc Hồng có trung bình mỗi ngành 4 tổ hợp xét tuyển. Trong đó toán, văn, tiếng Anh là một tổ hợp chung xét tuyển vào nhiều ngành của trường.
Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM có tổ hợp môn mới văn, sử, tiếng Anh cho ngành ngôn ngữ Anh và tổ hợp văn, sử, địa cho ngành quản trị kinh doanh.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có 3 tổ hợp môn mới gồm: toán, hóa, văn (các ngành kỹ thuật công nghệ và kinh tế); văn, sử, tiếng Anh (ngành ngoại ngữ); văn, sử, địa (khối ngành quản trị).
Trường ĐH Hoa Sen bổ sung một số tổ hợp mới, trong đó lưu ý khai thác các môn liên quan đến xã hội nhân văn như: toán, sử, tiếng Anh (dành cho 10 ngành quản lý, kinh tế); văn, tiếng Anh, địa lý; văn, tiếng Anh, lịch sử (dành cho ngành ngôn ngữ Anh).
Nhận xét đề minh họa
80% câu hỏi dễ và 20% câu hỏi khó
Đề có sự phân hóa rõ ràng trong đó phần dễ chỉ yêu cầu thông hiểu những kiến thức cơ bản, còn phần khó là những kiến thức nâng cao, vận dụng để xét tuyển ĐH. Tỷ lệ phân hóa là 80% câu hỏi dễ và 20% câu hỏi khó, đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH.
Nguyễn Đăng Lợi
(Giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Môn toán: Đáp án dài dòng
Nhìn chung với đề này, HS ở mức độ trung bình có thể đạt được 4-5 điểm, đủ để xét tốt nghiệp. Dự đoán sẽ có nhiều HS đạt điểm 6. Những HS khá có thể đạt 7-8 điểm; chỉ có HS giỏi thực sự mới có thể đạt 9-10 điểm.
Tuy nhiên, hạn chế lại nằm ở phần đáp án. Chính cách giải dài dòng, phức tạp không đáng có ở một số câu làm HS có ấn tượng quá khó so với độ khó thật sự của chúng. Ở câu 7 về hình học giải tích Oxy, đáp án của Bộ khá dài dòng, rắc rối, hơn nữa đáp án này đã khai thác một số tính chất của đường tròn bàng tiếp mà HS sẽ rất khó nắm bắt. Chúng tôi có thể giải câu này theo cách khác chưa tới 10 dòng mà chỉ sử dụng định nghĩa của đường tròn bàng tiếp và không cần vẽ thêm bất kỳ đường nào như đáp án của Bộ. Ngoài ra, Bộ không nên cho những dữ kiện liên quan đến điểm C vì nó làm cho bài toán phức tạp một cách không cần thiết.
Tương tự, câu 10 là câu tìm giá trị nhỏ nhất, đây là câu khó nhất của đề, dành cho các HS giỏi. Câu này dễ hơn nhiều so với các câu đã ra thi trong các đề ĐH năm 2014. Tuy nhiên đáp án của Bộ lại quá phức tạp: Từ một biểu thức đại số, người ra đề đã “hình học hóa” bài toán rồi áp dụng một số phép biến đổi về vector để đi đến kết quả cuối cùng.
Thạc sĩ Phạm Hồng Danh
(Trung tâm luyện thi đại học Vĩnh Viễn)
Kiến thức toán lớp 10 quá nhiều
Có sự phân bố chưa hợp lý về dung lượng kiến thức ở đề minh họa. Cụ thể: Kiến thức lớp 12 có 5,5 điểm; lớp 10 có 3,5 điểm, trong đó có một câu khó của bài thi (1 điểm); lớp 11 có 1 điểm. Nếu phân bố kiến thức ở mức độ từ nhiều đến ít theo thứ tự lớp 12 - lớp 11 - lớp 10 thì sẽ hợp lý hơn. Dùng kiến thức lớp 10 đến 3,5 điểm như trong đề minh họa này là hơi nhiều. Trong phân bổ đó, có thể thấy ngay có câu không hợp lý, đó là câu hỏi về lượng giác và hỏi bằng kiến thức lớp 10, trong khi đó môn lượng giác kéo từ lớp 10 lên lớp 11.
Ông Phạm Văn Hoan
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội)
Môn tiếng Anh: Đề dài và khó
Đề gồm 64 câu trắc nghiệm, 5 câu yêu cầu viết lại câu và đoạn văn gồm 140 từ. Số lượng câu như vậy là tương đối nhiều, e rằng HS không đủ thời gian làm bài. Đặc biệt phải HS giỏi mới hoàn thành được đề thi này. Ở phần bài viết luận, trong khi đề thi tốt nghiệp THPT năm trước yêu cầu khoảng 80 câu và chỉ cần thỏa mãn 3 tiêu chí đúng chủ đề, đúng số từ, đúng ngữ pháp thì đề thi minh họa yêu cầu số câu đã tăng gần gấp 2 lần. Điều này không chỉ khó đối với HS mà ngay cả giáo viên chấm thi cũng sẽ vất vả và sẽ có ý kiến khác nhau. Với mức độ như vậy cho thấy đề thi thiên về mục tiêu phân hóa để xét tuyển ĐH và hầu như quên đi mục đích quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp.
Lê Thanh Tùng
(Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM)
Môn sinh học: Quá đơn giản, như tập hợp câu hỏi đề thi CĐ
Kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, có một số câu hỏi thuộc bài thực hành. Về độ phân loại, đề thì dừng lại ở mức độ trung bình bởi số lượng câu đòi hỏi HS sự suy luận ít, câu cần có kỹ năng tính toán không nhiều.
Cách ra đề như minh họa quá đơn giản, chỉ là tập hợp những câu hỏi dễ nhất của đề thi CĐ những năm trước.
Có lẽ Bộ đưa ra đề thi minh họa này nhằm trấn an dư luận, giúp giáo viên, HS, phụ huynh yên tâm trước một kỳ thi nhiều đổi mới.
Nguyễn Thái Định
(Giáo viên Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Học sinh trung bình khó đạt điểm 5 môn hóa
Đề thi môn hóa có 50 câu, trong đó có 40% câu hỏi tương đối dễ (tương đương với đề thi tốt nghiệp THPT trong những năm trước) và 60% câu hỏi khó (tương đương với đề thi ĐH năm trước). Theo tôi, học sinh có học lực trung bình môn hóa khó lòng đạt được điểm 5.
Thạc sĩ Lương Công Thắng
(Trường THPT Nhân Việt, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Môn địa lý: Sẽ không có điểm liệt
Nếu so với đề tuyển sinh ĐH khối C năm ngoái, đề này cũng không khác gì nhiều về độ khó. Nó chỉ khác ở chỗ đề mẫu này có thêm câu III (câu Atlat) là câu tương đối dễ, tạo điều kiện cho những HS chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp không bị rơi vào điểm liệt.
Còn so với đề thi tốt nghiệp năm ngoái thì cũng có câu khó hơn, nhưng điều này không ảnh hưởng tới việc đạt điểm đỗ tốt nghiệp của đa số HS.
Mã Thị Tới
(Giáo viên Trường THPT Trương Định, Hà Nội)
Môn ngữ văn: Chủ yếu hướng đến mục đích xét vào ĐH
Cách ra đề ở phần đọc hiểu dễ dàng đánh giá được trình độ đọc hiểu của thí sinh ở nhiều dạng văn bản khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là đề thi hướng nhiều đến cuộc sống, phát huy sáng tạo, khơi dậy quan điểm, chính kiến cá nhân của thí sinh về các vấn đề xã hội... nhưng nhìn vào đề thi minh họa ta thấy chất xã hội còn khá khiêm tốn... Bố cục trình bày, thang điểm chưa hợp lý.
Đề cho khá dài, với thời gian làm bài 180 phút chủ yếu đề hướng đến mục đích phân loại xét tuyển. Trong khi đó, phần lớn thí sinh thi môn ngữ văn để xét tốt nghiệp là chủ yếu. Cho nên cần có ngưỡng "giảm tải" cho đề thi, cho thí sinh. Vì vậy câu nghị luận xã hội (câu 1, phần II) nên yêu cầu viết trong khoảng từ 400 - 600 chữ. Khuyến khích cho điểm cao bài làm 600 chữ để phân loại.
Nên ra theo dạng tích hợp với câu hỏi nhiều vế, nhiều mức độ dễ - khó khác nhau trong một bài làm văn để tránh thí sinh ngộ nhận làm thành hai bài riêng biệt (đây là lỗi rất phổ biến của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp 2014) và để phân biệt trình độ của thí sinh.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)
B.Thanh - M.Luân - T.Nguyễn - L.Đ.Ngọc
(ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.