Không từ bỏ ước mơ

30/08/2012 03:25 GMT+7

Ước mơ vào đại học quá lớn thế nên dù đã 26 tuổi và mang trong người căn bệnh thoái hóa khớp toàn thân, cô vẫn quyết tâm viết tiếp ước mơ của mình sau 7 năm dang dở.

Tin vui đỗ vào Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đến với Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ngụ thôn Dưỡng Xuân, xã Quế Xuân 1, H.Quế Sơn, Quảng Nam) vào một ngày trở trời.

Đã từng muốn quyên sinh

Nguyệt lại lên cơn đau quằn quại. Trên chiếc giường cũ kỹ, cô vật vã trở mình liên tục. Bệnh thoái hóa khớp toàn thân hành hạ Nguyệt đã 7 năm qua. Sự đau đớn thể xác bây giờ không còn làm cô khóc, nhưng cầm tờ giấy báo nhập trường trên tay, nước mắt cô cứ chảy dài: “Giờ có chết, con cũng cam lòng ba ơi”.

Nhà nghèo, điều kiện học hành thiếu thốn nhưng 11 năm liền, Nguyệt luôn là học sinh giỏi. Những năm cuối cấp 3, Nguyệt cũng lên nhiều kế hoạch, dự định tốt đẹp cho tương lai. Nhưng bất ngờ tai họa giáng xuống vào một ngày năm 2005. Khi đó, Nguyệt đang là học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (H.Quế Sơn). Nguyệt phát hiện mình bị bệnh thoái hóa khớp. Căn bệnh tai ác đến mức chỉ cần chạm khẽ vào người cũng khiến Nguyệt bật khóc vì quá đau đớn. Tự tay bưng bát cơm ăn còn khó huống chi nói đến việc cắp sách đến trường. Nguyệt bỏ học. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh kèm với thành tích giải khuyến khích thi học sinh giỏi toàn tỉnh môn tiếng Anh năm lớp 11 nên Nguyệt được đặc cách tốt nghiệp THPT.

“Thế mà em đã tính mình sẽ thi vào một trường kinh tế, có công việc ổn định để giúp ba mẹ bớt khổ. Cũng chỉ vì em mà năm đó anh trai phải bỏ học, đi làm thuê khắp nơi. Ba mẹ phải bán đủ thứ đồ đạc để có tiền thuốc thang cho em. Khi biết mình không thể đi học nữa, em thật sự không muốn sống nữa…”, Nguyệt tự trách mình.

Suốt 7 năm qua, căn bệnh thoái hóa khớp làm cho cô gái tuổi đời mới hơn đôi mươi tiều tụy, cân nặng chỉ hơn 30 kg. Nguyệt kể có lúc cô muốn quyên sinh, chứ sống trong bệnh tật không chỉ khổ mình mà người thân cũng khổ lây. Nhưng ý nghĩ tiêu cực đó nhanh chóng dập tắt vì cô biết mọi người đã sống vì cô quá nhiều, cô không thể phụ lòng họ.

Học đại học để ít nhất nuôi được chính mình

Cuối năm 2011, một lần tình cờ thấy trên ti vi chiếu cảnh một học sinh bị bại liệt vẫn đến trường thi đại học trên lưng của ba, Nguyệt thầm nghĩ họ làm được chẳng lẽ mình làm không được. Thế rồi, đến tết Nguyên đán vừa qua, nhận được ít tiền lì xì từ người thân, cô dành tất cả để mua sách vở. Thấy các em hàng xóm ôn thi đại học, Nguyệt cũng mượn các đề thi môn toán, văn và tiếng Anh về nhà tự ôn.

Nguyệt lại khóc: “Thấy bạn bè cùng lứa nhiều người thành đạt, lấy chồng rồi xây dựng tổ ấm, em tủi thân lắm. Nếu không đau ốm thì giờ em cũng như các bạn. Không lẽ đời em chỉ gắn với chiếc giường, rồi ba mẹ già yếu hết ai nuôi mình. Sau 7 năm trời mới lại cầm bút, tay em đau rã rời, ngày cận thi em lại lên cơn đau nhưng em phải đậu đại học, đậu để sau này còn có việc làm, ít nhất là để nuôi mình…”.

Với suy nghĩ đó, Nguyệt gượng dậy, hí hoáy viết công thức toán để củng cố kiến thức. Rồi nhiều đêm trắng để lấy lại căn bản ngữ pháp tiếng Anh, viết hàng ngàn từ vựng mà không biết mệt mỏi. Vốn có tư chất thông minh, lại quyết tâm cao nên chỉ sau hơn 5 tháng ôn thi, Nguyệt đã hệ thống tất cả kiến thức đã học được cách đây 7 năm. Nguyệt rất tự tin với bài thi của mình. Cô đã đỗ vào ngành sư phạm tiếng Anh (khối D), Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng với 27,5 điểm (môn tiếng Anh nhân hệ số 2).

Lập được kỳ tích, ai cũng mừng cho Nguyệt. Nhưng nghĩ đến 4 năm đại học đằng đẵng, ba Nguyệt - ông Nguyễn Văn Hoàng (56 tuổi) lại mất ăn mất ngủ bởi gia cảnh hết sức khó khăn. Nhà có mấy sào lúa, quanh năm ông Hoàng chỉ biết lật hòn đất lên, lại lật hòn đất xuống để có tiền nuôi các con. Suốt mấy năm qua, Nguyệt đau ốm miết nên cả nhà không còn gì đáng giá để bán lấy tiền cho cô nhập học

Ông Hoàng nói: “Thấy con đậu đại học mà quên đi đau đớn, tôi thương cháu vô cùng. Dù khó khăn tới mấy, tôi cũng lo cho cháu. Nguyệt đau ốm mấy năm nay, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người khác. Giờ cháu lại sắp đi học xa, tôi tính sắp tới ra Đà Nẵng vừa bán vé số vừa săn sóc nó”.

Hoàng Sơn

>> Giúp công nhân đi học
>> Cắp sách đi học... yêu
>> Lập trang thông tin “Vay vốn đi học”
>> Khen thưởng công nhân đi học 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.