Không thả nổi chất lượng đầu vào

15/01/2014 03:00 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về quy định tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2014 - 2016 của Bộ GD-ĐT sắp được ban hành, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) khẳng định sẽ không thả nổi chất lượng đầu vào.

Không thả nổi chất lượng đầu vào

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Năm nay, Bộ GD-ĐT có chủ trương cho các trường đủ điều kiện tuyển sinh riêng nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển -  Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nếu ai cũng được vào ĐH, CĐ thì còn ai học nghề ?

Không thả nổi chất lượng đầu vào

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thưa ông, nhiều nước trên thế giới bỏ thi ĐH và chỉ dùng kết quả tốt nghiệp THPT làm chuẩn xét tuyển vào ĐH. Ông nghĩ sao nếu nước ta theo mô hình này?

Tôi cho rằng việc bỏ thi ĐH là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên tình hình thực tế của nước ta thì chưa thể thực hiện được. Hiện nay, việc phân luồng sau THCS của chúng ta chưa tốt nên chỉ có 5 - 6% số học sinh THCS vào học nghề, còn hơn 90% lên THPT và hầu hết đều tốt nghiệp. Như vậy, nếu dùng kết quả tốt nghiệp để làm chuẩn quốc gia xét tuyển vào ĐH, CĐ thì sẽ có hơn 90% học sinh đủ điều kiện. Đây là một việc phi lý. Nếu tất cả học sinh đều được vào ĐH, CĐ thì còn ai học nghề? Như vậy sẽ không đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực.

Các nước trên thế giới thực hiện việc phân luồng rất tốt, thông thường chỉ có 60 - 70% học tiếp lên THPT, còn 30 - 40% theo học nghề. Vì thế học sinh tốt nghiệp được coi là đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH. Chỉ những trường uy tín mới tổ chức thi để sàng lọc những em thật giỏi. Nếu chúng ta phân luồng tốt thì những em học xong THPT hoàn toàn có thể đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH mà không cần phải thi cử như hiện nay.

Vậy theo ông đến bao giờ VN mới có thể thực hiện như các nước? 

Hiện chúng ta đang xúc tiến thực hiện việc phân luồng. Chỉ thị của Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2020 phải có 30% học sinh THCS vào học nghề nghiệp. Tuy nhiên, đây là việc hết sức khó khăn vì còn phụ thuộc vào nhận thức của xã hội, việc làm và mức lương của người tốt nghiệp… Điều này cần cả xã hội phải có chuyển biến thì mới thực hiện được. Khi đã phân luồng tốt, chỉ còn 70% học THPT thì việc bỏ thi ĐH sẽ là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, chúng ta có thể rút ngắn tiến trình này nếu kết quả thi tốt nghiệp cũng được làm một cách thực chất và được xã hội tin cậy.

Không bỏ điểm sàn kỳ thi 3 chung

 

Với điểm sàn của kỳ thi 3 chung, mỗi năm chúng ta chỉ để khoảng 70% thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ vẫn không thể bỏ điểm sàn được

Có ý kiến cho rằng chúng ta cần mở rộng đầu vào ĐH, CĐ và thắt chặt đầu ra như các nước đang thực hiện. Bộ có thể thực hiện hậu kiểm thay vì quản chặt chất lượng đầu vào như hiện nay?

Đúng là đầu ra mới là yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên hiện nay ở nước ta quá trình đào tạo của các trường chưa có sàng lọc, đồng thời chưa thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng đầu ra nên khó có thể đảm bảo chất lượng khi thả nổi đầu vào.

Bài học từ các hệ đào tạo ngoài chính quy đã chứng minh điều đó. Bộ đã có bài học cay đắng từ việc cho tuyển sinh không hạn chế đầu vào đối với các hệ đào tạo không chính quy. Các trường đã lấy từ trên xuống cho hết chỉ tiêu nên hầu như ai cũng đỗ. Vì vậy, chất lượng của một số hệ đào tạo này đã không đảm bảo và đã bị xã hội từ chối. Đây là một thực tế đã diễn ra, nên đối với hệ chính quy Bộ không thể thả nổi đầu vào.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng quy định điểm sàn hiện nay chưa hợp lý vì phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi. Vậy, Bộ có cân nhắc bỏ điểm sàn trong kỳ thi 3 chung sắp tới hay không?

Tôi có thể khẳng định, điểm sàn của kỳ thi 3 chung hiện nay chính là chuẩn quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Như đã nói ở trên, hiện việc phân luồng chưa tốt nên chúng ta không thể coi kết quả tốt nghiệp THPT là điều kiện xét tuyển vào ĐH. Với điểm sàn của kỳ thi 3 chung, mỗi năm chúng ta chỉ để khoảng 70% thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH. Điều đó cũng là một biện pháp phân luồng, những thí sinh không đủ điểm sàn có thể vào học các bậc nghề nghiệp khác. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ vẫn không thể bỏ điểm sàn được.

Cũng như vậy, hiện học sinh đang học và ôn thi theo khối nên nếu bỏ khối thi ngay trong năm nay chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới các em. Nếu muốn thực hiện thì phải có lộ trình và công bố trước 3 năm để các em có định hướng ngay từ khi bước vào lớp 10.

Các trường trọng điểm cần sớm thực hiện tuyển sinh riêng

Bộ yêu cầu các trường phải báo cáo kế hoạch tuyển sinh trong năm nay và các năm tiếp theo. Trước tháng 9 năm nay, các trường phải trình với Bộ phương án tuyển sinh của trường mình. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có kế hoạch trong những năm tiếp theo. Nếu nhiều trường đề nghị Bộ tổ chức ngân hàng đề thi để các trường sử dụng khi tổ chức tuyển sinh riêng thì Bộ sẽ xem xét. Khi các trường chưa có phương án thì Bộ chưa thể quyết định được sẽ hỗ trợ gì sau khi kết thúc thi 3 chung. Việc đổi mới thi cử lần này, Bộ đã để quyền tự chủ cho các trường và phụ thuộc vào đề xuất, sáng kiến của các trường mà không áp đặt bất kỳ mô hình nào. Vì vậy, các trường cần hợp tác và tích cực triển khai để việc đổi mới đạt hiệu quả. Đặc biệt là các ĐH quốc gia, ĐH vùng và ĐH trọng điểm cần có kế hoạch thực hiện tuyển sinh riêng sớm, thể hiện vai trò đầu tàu trong đổi mới của hệ thống giáo dục ĐH.

Vũ Thơ (thực hiện)

>> Chất lượng đầu vào sẽ giảm sút?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.