Không đủ điều kiện tốt nghiệp, cần làm gì ?

28/07/2015 07:35 GMT+7

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, có 8,42 % TS dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay bị trượt tốt nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, có 8,42 % TS dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay bị trượt tốt nghiệp.

PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT nhìn nhận: “Trong số đó, chắc chắn có TS có điểm xét ĐH cao trong khi điểm xét tốt nghiệp bị liệt, nhưng không đáng kể. Những em đã giỏi toán thì rất hiếm khi bị điểm liệt môn văn vì đề môn văn ra vừa sức mà bất cứ ai cũng có thể làm được để tránh điểm liệt. Nhưng những em giỏi văn vẫn có thể bị liệt môn toán”. Như vậy, số TS có điểm xét ĐH cao nhưng không đủ điều kiện tốt nghiệp, nếu có, chủ yếu là TS dùng kết quả tổ hợp môn các ngành xã hội, trong đó toán là môn thi để xét tốt nghiệp.
Theo quy định, TS phải đậu tốt nghiệp thì mới được xét ĐH - CĐ. Do đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định những TS này phải đợi thi lại trong kỳ thi tốt nghiệp vào năm sau. Tuy nhiên, để tránh bị thiệt thòi, TS làm đơn xin bảo lưu kết quả thi. Quy chế cho phép TS dự thi đủ các môn quy định nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật hủy kết quả thi được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy nếu năm 2015, TS bị liệt môn toán thì năm sau chỉ cần thi lại môn này. Trường hợp TS không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các môn đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp.
Còn việc có được sử dụng điểm bảo lưu đó để xét ĐH hay không thì do hiệu trưởng trường ĐH, CĐ đó quyết định.
 Vì sao môn văn không có điểm 10 ?
Theo bảng tổng hợp kết quả thi mà Bộ GD-ĐT vừa công bố thì môn ngữ văn không có TS nào đạt điểm 10. Trong nhiều lý do, có các lý do sau đây:
Đề thi và đáp án chấm có nhiều câu hỏi hơn. Ngoài ra, đáp án chấm cũng chi tiết hơn đề thi các năm trước. Đặc biệt là nhiều câu hỏi có đáp án gợi mở, thang điểm chấm có những yêu cầu mới như bố cục bài làm, chính tả, dùng từ, đặt câu, tính sáng tạo... Vì thế TS khó có được bài làm lý tưởng để đạt điểm tuyệt đối.
Bên cạnh đó, đáp án chấm ở một số câu chưa thật cụ thể, rõ ràng. Ví dụ, ở các câu hỏi vận dụng thấp (câu 4 và 8 phần đọc hiểu), khi đề yêu cầu viết trong khoảng 5 - 7 dòng, thế nhưng những TS làm bài tốt thường viết khá dài (vì họ nghĩ viết dài mới đủ ý và viết càng dài càng nhiều điểm). Trong khi đó đáp án chấm không cụ thể về mức điểm giới hạn độ dài. TS cũng không được lưu ý điểm này khi ôn tập từ trước. Hệ quả là giám khảo chấm điểm tùy theo quan niệm cá nhân, mà thường thì không cho điểm tuyệt đối...
Ngoài ra còn tâm lý người chấm. Ở cụm chấm do trường ĐH chủ trì, hầu hết giám khảo chấm theo yêu cầu của bài làm tuyển sinh chứ không phải để xét tốt nghiệp nên chặt tay hơn kỳ thi tốt nghiệp các năm trước. Tâm lý chung cũng chỉ muốn cho điểm ở mức an toàn (tránh phiền phức, mất thời gian...), mà môn văn lại được quyền có điểm lệch lớn. Vì thế hiếm người "đủ dũng khí" để bảo vệ quan điểm của mình khi cho một bài làm văn tốt nào đó 10 điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.