Không để tại chức thành “thứ phẩm”: Lúng túng trong quản lý

11/12/2010 01:40 GMT+7

Chính Bộ GD-ĐT cũng đang loay hoay không biết làm thế nào để nâng chất hệ tại chức nên mới xảy ra tình trạng lúc thả nổi, khi siết chặt, rồi lại tiếp tục để các trường tự quyết.

Thả lỏng

Năm 1994, khi ban hành Quy chế tuyển sinh vào hệ đào tạo tại chức các trường ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT yêu cầu khi muốn mở lớp tại địa phương, các trường phải xin phép Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đến năm học 2000-2001, Bộ lại giao toàn quyền tuyển sinh và mở lớp đào tạo cho các trường. Công văn hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học (VLVH) ban hành năm 2000 và Quy chế thi tuyển vào các trường ĐH, CĐ đối với hình thức VLVH ban hành năm 2001 cho phép hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cả 4 khâu chính trong công tác tuyển sinh: ra đề, tổ chức kỳ thi, chấm thi và chấm lại, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển. Việc mở lớp ở địa phương cũng do các trường tự quyết định dựa trên yêu cầu của các địa phương.

Sau khi có quy định này, các trường ĐH-CĐ thi nhau mở lớp tại các địa phương trong các điều kiện không đảm bảo chất lượng. Qua kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã phát hiện hàng loạt nơi không có chức năng đào tạo cũng liên kết đào tạo như doanh nghiệp tư, các tổ chức đoàn thể, công ty, tổ chức chính trị xã hội. Việc liên kết này không cần phải xin phép nên các lớp liên kết đào tạo mở ra ồ ạt, nhưng lại không quản lý, kiểm soát được dẫn đến hệ quả tất yếu là chất lượng đào tạo kém. Dư luận những năm đó đã phản ánh về thực trạng đào tạo kém chất lượng này.

Loay hoay tìm hướng đi

Năm 2007, trước sự bất bình của dư luận với hệ đào tạo VLVH, Bộ đã quyết tâm đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng. Khi công bố dự thảo quy chế đào tạo hệ VLVH,  Bộ đã đưa ra ý tưởng “Sinh viên theo học hệ VLVH nếu thực hiện đầy đủ các quy định của hệ chính quy trong quá trình đào tạo, dự thi tốt nghiệp theo hệ này và đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng chính quy”. Thế nhưng, khi chính thức ban hành quy chế thì ý tưởng này đã không thành hiện thực. 

Tiếp đó vào năm 2008, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh mới (thay cho quy chế đã ban hành năm 2001) nhằm siết chặt việc thi cử đối với hình thức VLVH. Theo đó, một  số quy định về việc tuyển sinh và đào tạo được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn trước đây. Chẳng hạn, chương trình đào tạo theo hình thức VLVH được thiết kế như chương trình đào tạo chính quy cùng trình độ; Việc mở lớp tại địa phương phải có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng và phải có văn bản giao nhiệm vụ đặt lớp tại địa phương của Bộ GD-ĐT.

Đặc biệt, quy chế lần này còn yêu cầu các trường phải thi chung đợt, chung đề. Chỉ tổ chức tuyển sinh 4 đợt vào các tháng 3, 4, 10 và 11. Lịch thi từng môn do Bộ GD-ĐT quy định. Đề thi các môn văn hóa lấy từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, Bộ đã quy định thí sinh phải đạt được mức điểm tối thiểu là 12/3 môn mới được xét tuyển. 

Thế nhưng, Bộ GD-ĐT đã tỏ ra bất lực khi thực hiện quy chế này. Năm 2009, năm đầu tiên thực hiện quy chế, trong đợt thi tháng 3 và 4, Bộ vẫn giao cho các trường chủ động triển khai, kể cả việc tổ chức ra đề thi. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết đến đợt thi tháng 10 và 11 năm 2009, các trường mới sử dụng đề thi các môn văn hóa do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cung cấp. Nhưng đến tháng 9.2009, Bộ GD-ĐT lại tiếp tục “bàn lùi” và lại thông báo trong kỳ thi này, các môn tự luận vẫn do các trường tự ra đề. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chỉ cung cấp các môn thi trắc nghiệm! Vì vậy, ý tưởng sử dụng điểm tối thiểu để xét tuyển cũng bất thành.

Đến năm 2010,  tất cả 4 kỳ thi của hệ VLVH vẫn lại thực hiện như năm 2009, nghĩa là các trường chỉ tổ chức thi các môn trắc nghiệm (Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tiếng Anh) theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Còn lại, đề thi và lịch thi môn tự luận vẫn do các trường tự sắp xếp. Như vậy, cả mục tiêu thi chung đợt, chung đề đều bị phá vỡ.

Tháng 11 năm nay, Bộ lại tiếp tục “buông” với việc đưa ra quy định bỏ thi chung đợt, chung đề trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ hệ VLVH. Nếu quy chế này được ban hành thì các trường lại tự ra đề, tự quyết định thời gian tổ chức thi như quy chế đã ban hành năm 2001!

Còn nhớ khi đưa ra quy định thi chung đợt, chung đề, một lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học đã trả lời báo chí rằng quy định đó nhằm khắc phục tình trạng các trường muốn tuyển thế nào thì tuyển và chất lượng không đảm bảo. Nhưng sau 2 năm ban hành quy chế với 8 kỳ thi đã được tổ chức thì chưa có kỳ thi nào Bộ thực hiện đúng quy chế này.

Không kiểm soát được quy mô

PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Mạnh Tiến (ảnh) - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học xung quanh việc đào tạo hệ tại chức.

Thưa ông, hệ đào tạo tại chức đã thực sự đảm bảo chất lượng chưa?

Việc đánh giá chất lượng thì mới chỉ dựa vào định tính. Thực tế trong thời gian qua, do quản lý chặt chẽ hệ đào tạo này nên số lượng sinh viên giảm đi đáng kể. Nhiều trường cho biết không tuyển sinh được hệ đào tạo này. Theo tôi, nguyên nhân là do họ thấy học căng thẳng và thi khó khăn nhưng bằng cấp lại bị xã hội phân biệt. Thứ hai là những năm gần đây chỉ tiêu chính quy rất lớn nên họ sẽ tập trung đào tạo hệ chính quy.

Vậy xin ông cho biết cụ thể quy mô của hệ tại chức hiện như thế nào?

Trong thời gian qua, vì Bộ giao chỉ tiêu chung nên không tách bạch được chỉ tiêu cho hệ tại chức là bao nhiêu. Do đó, cũng không biết rõ quy mô hiện nay của hệ tại chức. Theo dự đoán, số lượng hiện nay khoảng 400.000 - 500.000 người so với tổng quy mô sinh viên là 1,9 triệu.

Trước đây để nâng cao chất lượng hệ tại chức, Bộ đã có quy chế yêu cầu các trường thi chung đợt, chung đề, nhưng tại sao nay lại bỏ quy định này?

Nếu đúng theo quy chế thì phải có ngân hàng đề để các trường muốn thi lúc nào thì có thể lấy. Nhưng để làm ngân hàng đề như thế thì quá lớn, vượt sức của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Vừa qua, Cục khẳng định là không xây dựng được ngân hàng đề thi này. Hơn nữa, nếu thi chung thì sẽ giống như kỳ thi chính quy. Như vậy, sẽ không đúng với mô hình dành cho đối tượng này. Họ sẽ không có nhiều cơ hội để lựa chọn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do số lượng thí sinh thi rất ít nên các trường phải đến lấy đề với một quy trình bảo mật thì rất nhiêu khê. Ví dụ, trường chỉ có 50 thí sinh dự thi mà đi từ miền Nam ra lấy đề thì quá tốn kém. Nhiều trường và địa phương cho rằng điều đó không cần thiết và phức tạp nên Bộ mới điều chỉnh.

Theo ông, Bộ sẽ làm gì để nâng cao chất lượng của hệ đào tạo này?

Theo tôi, trong thời gian tới, thứ nhất, Bộ sẽ tăng cường quản lý điều kiện mở lớp ở các trường ĐH, CĐ, kiên quyết không để các trường mở lớp ở những nơi không đạt chất lượng. Thứ hai, phải quản lý chặt chẽ quá trình tuyển sinh, ra đề thi, coi thi, chấm thi, điểm chuẩn... Thứ ba, phải xem lại quy trình nâng cao chất lượng. Ví dụ thầy giáo phải có kinh nhiệm, giáo trình… Thứ tư, tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với hình thức này như: có thể kiểm tra việc biên soạn giáo trình, cập nhật kiến thức mới; Tăng cường việc đào tạo sàng lọc; Tách khâu dạy và khâu thi. Dạy riêng nhưng thi phải lấy ngân hàng đề thi của trường như chính quy…

Vũ Thơ (thực hiện)

NHÓM PV GIÁO DỤC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.